MỘT THỰC HÀNH LẠ THƯỜNG – CÓ CẦN PHẢI NÓI VỀ CÁI CHẾT?

          Trên thị trường đã xuất hiện một quyển truyện tranh buồn với nhan đề “Tô-ma và sự vô hạn” của tác giả Michel Déon, dành cho trẻ em từ chín tuổi trở lên. Quyển sách kể chuyện thần kỳ về sự “chết lành”, đã khuấy động lên những cuộc tranh luận và bàn cãi trên cả báo chí và truyền hình.

          Don Bosco đã không ngần ngại nói về sự chết cho thanh thiếu niên của ngài. Nơi các cộng đoàn của ngài, người ta đã hoàn thiện một lối thực hành đặc biệt được gọi là “Dọn Mình Chết Lành”. Việc thực hành này bao gồm việc xưng tội và rước lễ vào dịp đầu tháng như thể đó là lần cuối cùng trong đời: Một việc huấn luyện lương tâm để nhìn đời từ cái nhìn chung cuộc. Mỗi tháng dừng lại để ý thức trách nhiệm đối với bản thân.

          Đó không phải là một thời khắc ảm đạm, nhưng hoàn toàn ngược lại. “Việc Dọn Mình Chết Lành” luôn được cho là một phong cách đặc trưng của Hội dòng Sa-lê-diêng. Người kế vị thứ tư của Don Bosco là Don Pietro Ricaldone đã viết: “Các học sinh đã luôn được báo cho biết trước một vài ngày để chuẩn bị; nó được thực hiện trước một dịp lễ trọng nào đó; và để tạo một bầu khí lễ hội cho ngày đó, sau Thánh lễ, người ta phân phát những thứ ăn kèm với bánh mì một cách thoả thích”.

          Đó là một ngày lễ thật sự. Don Bosco muốn rằng thanh thiếu niên của ngài nghĩ về cái chết của chính mình để loại bỏ những gì gây lo lắng và sợ sệt. Trước hết và trên hết, là loại bỏ tội lỗi.

          Chỉ là cái “chết giả vờ”

          Thời nay, cách sống và lối suy nghĩ của con người như muốn chống lại cái chết, thúc đẩy chúng ta hành xử như thể không có cái chết. Do tình thương mến và với lương tri mà nhiều bậc cha mẹ tưởng chừng có thể kháng cự lại được các đợt tấn công của sự vô cảm tràn lan này, và bất chấp tất cả, họ tìm kiếm con đường thẳng nhất để giúp con cái vượt qua khi lưỡi hái tử thần đến gần chúng. Nhưng chắc chắn khi thiếu vắng cha mẹ, chúng không được nâng đỡ bởi chính môi trường xung quanh.

          Giáo sư Marcello Bernardi đã viết rằng: “Trong một nền văn hóa bị thống trị bởi sự bảo đảm trẻ mãi không già đầy giả tạo, thì cái chết không cần phải hiện hữu. Vì vậy người ta không cần phải nói về nó, không cần phải phơi bày nó và cũng chẳng cần phải chấp nhận nó, nhất là không cần phải chuẩn bị chết. Kiểu chết duy nhất được cho phép là kiểu được phổ biến trên màn ảnh truyền hình, vốn được trình bày 1 cách khái quát với những gì hoàn toàn xa rời với hoàn cảnh thực tế. Cái chết giả vờ này thật là tuyệt vời. Có vẻ như một đứa trẻ bên Hoa Kỳ nhìn thấy 40 ca tử vong một ngày… trên truyền hình”.

          Giáo sư Vittorino Andreoli xác nhận rằng thiếu hiểu biết về ý nghĩa cái chết là một trong những đặc điểm đáng lo ngại nhất cho giới trẻ ngày nay: “Giới trẻ biết cách thức dẫn đến cái chết, nhưng chúng không biết cái chết là gì. Và do đó với những tác động hoàn toàn trái ngược nhau chúng có thể gây ra cái chết hoặc thậm chí có suy nghĩ buộc phải đón nhận nó”.

          Cách đây hai ngàn năm, nhà hiền triết Seneca dạy rằng: “Phải mất cả đời người để người ta học sống; và có lẽ bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn, phải mất cả đời người để người ta học chết”. Vào thời guồng máy thiếu hiểu biết, tầm thường hóa và tham dự phụng vụ hời hợt, sự chết chẳng còn bất kỳ ý nghĩa nào nữa. Thế nhưng đánh mất ý nghĩa của sự chết lại làm giảm giá trị ý nghĩa của sự sống. Hậu quả tiêu cực nảy sinh giữa cha mẹ và con cái, thường là một bức tường im lặng gây bối rối. Không giống như người lớn, trẻ em không che đậy cái chết. Chúng đặt nhiều câu hỏi về nó. Sự câm lặng của người lớn chỉ khiến con cái lo lắng.

          Với ai đó thân thiết

          Bước đầu tiên của một nền giáo dục lành mạnh thật sự hệ tại ở việc phá đổ nỗi sợ hãi làm cho người ta câm lặng. Khi cha mẹ thực hiện điều đó thì họ thấy rằng những lời phải nói cho con cái không mang tính nước đôi, nhưng đặt điều đang được nói đến trên những xác tín sâu xa nhất của họ. Và chúng có liên quan chặt chẽ với đức tin của họ.

          Cha mẹ cần học hỏi để biết cách trả lời cho những câu hỏi của trẻ em đặt ra về sự chết. Họ nên ân cần giải thích cặn kẽ, đừng làm chúng nhát đảm và khiếp sợ. Và người ta không nên biến tang chế thành một vở kịch hoặc một sự giả vờ tệ hại.

          Một điều chắc chắn: Bất kể ở tuổi nào và động cơ nào khiến người ta phải nói về nó, trẻ nhỏ chỉ hiểu kinh nghiệm về sự chết với sự giúp đỡ của người lớn. Một đứa trẻ có thể vượt qua được điều gì đó với toàn bộ sức mạnh của nó, nhưng trong trường hợp về sự chết thì không như vậy. Kinh nghiệm về sự chết khiến trẻ em buộc phải đón nhận nó và bộc lộ với ai đó thân thiết.

          Chắc hẳn khi nói về sự chết thì thông thường nó trở thành một cuộc chuyện trò, một cuộc đối thoại thân mật và rất nghiêm túc về trách nhiệm đối với sự sống.

          Một dịp dễ dàng và đẹp để nói về cái chết là dịp đi viếng nghĩa trang, cha mẹ cầm tay con trẻ, cố gắng giải thích cho trẻ những lời và biểu tượng mà người ta có thể nhìn thấy trên bia mộ. và trẻ em hiểu được ý nghĩa nhiều hơn. Cậu bé An-rê 7 tuổi rưỡi khi đứng trước mộ của ông nội, đã giải thích cho ba nó một cách rất nghiêm túc: “Ông nội không có ở trong đó. Chẳng quan trọng gì khi xác của ông biến thành tro bụi, điều quan trọng là ông đã yêu mến Chúa Giê-su, yêu mến Thiên Chúa và những người khác như thế nào”.

          Tôi sẽ nói chuyện với con cái của tôi về cuộc sống của con người.

          Bài viết: Ban truyền thông Sdb

Visited 10 times, 1 visit(s) today