MẸ

Tiếng còi tàu phía xa to dần rồi im bặt. Thay vào đó là tiếng loa vọng lại báo hiệu một chuyến hành trình mới sắp bắt đầu.

Điểm lại những thứ mang theo cho cuộc hành trình Bắc – Nam dài hàng ngàn cây số, Thục Anh bỗng nghe tiếng mẹ từ xa với theo “Thục Anh, Thục Anh, con quên mang theo bọc mì gói này…”. Tiếng gọi đó vang rõ bên tai nhưng cô cố tình không quay đầu lại mặc cho mẹ chạy theo đoàn tàu đang lăn bánh và rồi tiếng gọi ấy tắt hẳn trong những âm thanh hỗn độn. “Rõ thật, mẹ có cần phải như thế không chứ. Thật là nhục. Ôi trời, mấy gói mì tôm. Sang chảnh gì!” – Vừa nghĩ, mặt Thục Anh vừa đỏ gay, suýt chút nữa cô va phải người ngồi ở băng ghế kế bên.

Những cánh đồng cứ thế trải dài tít tắp, không bao lâu nữa, quang cảnh thành phố ồn ã vui tươi sẽ hiện ra. Nơi đó có phố thị đông vui, có bao nhiêu chỗ để cô đặt chân lui tới. Nơi ấy có nhiều thứ đẳng cấp, đẹp mắt, tiện dụng và giải trí chứ không như mảnh đất khô cằn nắng cháy của mảnh ruộng nhỏ mẹ thường trồng ngô, cấy lúa. Nơi đó mới xứng đáng cho một nhà báo tương lai như cô “múa” ngòi bút của mình. Chắc sẽ còn nhiều nhiều những ý nghĩ khác hiện ra nếu như không có tiếng nấc của bác bên cạnh. Khẽ cựa mình quay đầu sang, Thục Anh thấy hàng nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má của người phụ nữ ấy. Trông bác có chút gì đó giống mẹ cô, nhất là những nếp nhăn của những con người bươn chải. Chưa kịp mở lời, Thục Anh nghe tiếng nói nghẹn trong tiếng nấc:

– Trông con giống bé Phượng Ớt nhà bác quá! Nhưng chắc hoàn cảnh con tốt hơn nó nhiều.

– Phượng … Ớt ạ?

– À, nó tên Phượng Anh, từ nhỏ sinh ra đã hay quấy khó nuôi, ông bà nội thấy thế gọi nó là Ớt cho dễ nuôi ấy mà.

Cuộc trò chuyện của hai người xa quê bắt đầu từ đó. Cái tên Phương Ớt cũng là cái tên mà mãi sau này cô không thể quên được.

Phượng Ớt sinh ra tại một vùng quê miền Bắc, từ nhỏ đã học giỏi lại ấp ủ trong lòng ước mơ trở thành bác sĩ. Thế nhưng bố cô mất sớm, để lại cho hai mẹ con căn nhà nhỏ cùng mảnh ruộng, cuộc sống vốn đã khó nay lại càng vất vả. Cô bé ấy chôn ước mơ thuở nào, thay vào đó là chọn cho mình con đường gắn liền với ngành sư phạm tại một trường đại học trong miền Nam. Không phải đóng học phí, cô luôn nỗ lực săn học bổng để giảm bớt khoản chi tiêu của mình. “Ngày trước nó về, nó đưa bác món quà này, bác quý lắm chưa dám mở ra xem là gì, phần vì không biết đọc chữ phần vì sợ vụng về lỡ làm hư đồ con tặng, bác luôn cất nó ở đây này. Sẵn con có học, con đọc xem nó viết gì cho bác với!”.

Vừa nói, người phụ nữ vừa đưa tay sờ vào ngực áo lôi ra một túi vải nhỏ đưa cho Thục Anh. Mở túi vải, lấy ra tờ giấy, từng dòng chữ nắn nót bỗng nhòe đi trước mắt Thục Anh. Không phải người đàn bà đó khóc mà chính Thục Anh không kìm chế được cảm xúc của mình khi đọc những dòng chữ này. “Gửi mẹ, chỉ Nhất Khoa đấy, mẹ vá tạm chiếc áo đi nhé. Con thấy áo mẹ rách rồi đấy. Mẹ à, nhớ đợi ngày con ra trường, nhất định con sẽ may cho mẹ bộ áo dài thật đẹp, mẹ nhé!”.

Nén dòng nước mắt, Thục Anh đọc cho người phụ nữ nghe nội dung sứ điệp. Trong lúc nghe, mặt bà bừng lên niềm hạnh phúc. Bà trân trọng lôi ra gói chỉ nhỏ, mân mê rồi kín đáo hôn gói quà nhỏ, vẻ trìu mến. Chứng kiến ngần ấy cảm xúc, Thục Anh suy tưởng. Có ai đó đã từng nói với cô rằng mẹ là người phụ nữ mang lại cho con cái hạnh phúc nhất trong cuộc đời này. Vậy mà khi đã trưởng thành, cô vẫn chưa nhận ra điều đó. Cô chợt nhớ về những món quà nhỏ: Cái buộc tóc hồi sinh nhật 5 tuổi mẹ tặng, chiếc vòng đeo tay năm cô vào lớp 6, cả chiếc áo dài mới mà cô từng mè nheo bắt mẹ may thêm thời cấp 3…

Về phía mình, Thục Anh chưa bao giờ cô có ý định tặng mẹ một món quà gì. Trang cá nhân của cô không bao giờ quên chúc mừng những người phụ nữ khác trong những dịp đặc biệt – trừ mẹ.

Tiếng chuông điện thoại reo làm cô sực tỉnh. Trên màn hình điện thoại đang sáng tên người gọi: Mẹ

Chẳng đợi đầu dây bên kia trả lời thế nào, mẹ Thục Anh vẫn tuôn một tràng “bài ca con cá” dài đằng đẵng. Nào là thế nào rồi, có say tàu không, đói rồi chứ gì… Nhưng lần này cô không cau có như mọi ngày. Đợi mẹ chờ điện thoại một lúc, Thục Anh mới dám lấy hết can đảm ghé sát vào điện thoại, như thể cô đang áp người vào bờ vai của mẹ “Mẹ yêu, con ổn, mẹ cũng vậy nhé!”.

“Nếu con muốn làm báo, đừng viết về những gì quá xa xôi nhé con. Hãy viết về những người nông dân bởi vì họ gần gũi với cuộc sống của con, để nhắc nhở rằng con cần phải cố gắng thêm nhiều nữa trong cuộc đời mình…” Những lời nói ngày nào của ba đang vọng lên trong đầu cô, từng chữ, từng chữ một. Như thể nhắc nhớ về những sai lầm mà cô đã vấp phải. Người mẹ ấy chắc sẽ chẳng bao giờ trách móc, chẳng ca thán dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Chỉ có sự dằn vặt trong tâm hồn người từng phạm sai lầm là còn mãi.

Chẳng có ba mẹ nào không yêu thương con của mình, họ luôn tự hào khi chính họ là người sinh ra bạn. Đừng mặc cảm, đừng đem mình ra so sánh với người khác, cũng đừng phủ bỏ quá khứ dù nó không đẹp như bạn nghĩ. Thay vào đó, hãy trân trọng những điều bình dị nhất, hãy trao cho nhau những lời nói chân thành khi còn có thể.

Bài viết: Ngọc Diệu


Visited 1 times, 1 visit(s) today