LỊCH THIỆP CHIẾM ĐƯỢC CÕI LÒNG

Don Bosco thường nói: “Nhờ lịch thiệp người ta sẽ chiếm được các cõi lòng”. Và Ngài thêm: “Lịch thiệp là bông hoa của đức ái Kitô giáo”.

Để dẫn chứng, Ngài kể lại cho học sinh nghe cuộc gặp gỡ của Ngài với hiệp sĩ Provera ở Monferrato.

Hôm ấy, Don Bosco đi qua vùng này cùng với mấy nhà quý tộc và cha xứ: câu chuyện xoay quanh lòng tốt và kính phục của dân chúng đối với Don Bosco. Thế rồi người ta cũng cho biết có một người hiềm thù với Don Bosco: hiệp sĩ Provera, người giàu có nhất vùng, một người đã nhiều năm không đến nhà thờ. Họ vừa dứt lời, thì tình cờ nhà hiệp sĩ từ xa tiến lại trên cùng một con đường, một người trong nhóm ghé tai Don Bosco nói nhỏ: “Kẻ thù ghét các linh mục đấy”.

Chờ hiệp sĩ tới gần, Don Bosco tiến lại bỏ mũ xuống lịch thiệp chào. Hiệp sĩ ngạc nhiên chào lại. Ông dừng bước, hơi bực mình. Nhưng Don Bosco cứ đưa tay ra và nhà hiệp sĩ đã bắt tay Ngài. Don Bosco lợi dụng ngay cơ hội để mở đầu câu chuyện cách lịch thiệp:

– Thưa Ngài, người ta giới thiệu với tôi Ngài là hiệp sĩ Provera.

– Đúng thế.

_ Thưa Ngài, tên gọi của Ngài là một trong những tên gọi quí trọng và đáng kính nhất ở Tôrinô. Nó làm tôi nhớ tới một linh mục thánh thiện xuất thân từ Provera di Mirabello.

– Ông của tôi cũng xuất thân từ Provera di Mirabello. – Ông hiệp sĩ thích thú đáp lại.

Thích thú vì sự lịch thiệp thanh nhã và chân thành, hiệp sĩ đã mời Don Bosco tới nhà ông, và dọn tiệc trà chiêu đãi Ngài. Tuy đang có nhiều việc cần làm gấp Don Bosco cũng nhận lời ngay. Buổi nói chuyện thật rôm rả, đầy những giai thoại lý thú. Cuối cùng, để cáo biệt nhà hiệp sĩ, Ngài nói:

– Xin Ngài hiệp sĩ chịu khó nghe tôi thêm một chút nữa. Tôi muốn đặt mình dưới sự bảo trợ của Ngài. Ngài rất tốt đối với tôi. Tôi xin nhờ Ngài một việc: Tôi muốn tới xứ này để coi có thể mua một ngôi nhà nhằm mở trường học hay không. Tôi cần đến sự giúp đỡ của Ngài.

– Cha nói thật đấy chứ? – Hiệp sĩ vui vẻ đáp. Tôi rất mừng. Hơn nữa, tôi xin biếu cha ngay. Xin Cha đến thăm ngôi nhà của tôi. Nếu nó có ích, thì tôi xin tặng cha đó.

Don Bosco đã chiếm được một người bạn. Ngài cắt nghĩa cho các học sinh: “Các con thấy không? Lịch thiệp chiếm được cõi lòng”.

Thanh thiếu niên cần được dạy cho biết lịch thiệp đối với người khác. Trẻ em, dù thường có xu hướng cá nhân và ích kỷ, vẫn thích sống tương giao lịch thiệp.

* Nhà tâm lý học Peck cho rằng nơi thanh thiếu niên có ba khuynh hướng chính: một nỗ lực tăng trưởng cái “tôi” thành một nhân vị duy lý, hoàn hảo và chín chắn về tình cảm; một nỗ lực tăng trưởng lương tâm: ý thức về những nguyên tắc luân lý ngày càng mãnh liệt, được nội tâm hóa, ngày càng có khả năng hướng dẫn đời sống: và một khả năng yêu thương ngày càng vào xã hội của người lớn. Phải dạy cho trẻ em biết yêu thương, tức là biết kính trọng người khác, biết hy sinh phục vụ và lịch thiệp.

* Theo Don Bosco, muốn giáo dục kết quả, cần phải có ba điều: “Lòng yêu mến, lý trí và tôn giáo”. Các nhà tâm lý ghi nhận rằng chính người mẹ có ảnh hưởng rất lớn trên sự phát triển tính tình và nhân cách của con cái. Còn người Cha có vai trò không thể thay thế được trong công việc đào tạo cho đứa con một tính khí lành mạnh, và làm chủ các cảm xúc quá độ của chúng. Trẻ em học được sự lịch thiệp, trước hết, nơi cha mẹ, tiếp đến, nơi thầy dạy và nhà giáo dục. Trẻ em làm điều cha mẹ làm, chớ không làm điều cha mẹ nói.

Don Bosco nói: “Lịch thiệp là biểu lộ lòng biết ơn về tất cả những điều tốt mình đã nhận được”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today