Lễ thánh nữ Maria Domenica Mazzarello 13/05

     Mỗi vị thánh được Giáo hội tôn vinh đều trở nên như một mẫu gương để chúng ta noi theo trên con đường hoàn thiện ơn gọi nên thánh mà Thiên Chúa đã mời gọi. Thánh nữ Maria Domenica Mazzarello cũng vậy. Tuy nhiên, mỗi thánh nhân đều có nét đặc thù riêng, một linh đạo riêng mà chúng ta cần phải đào sâu để có thể học hỏi và sao chép sự thánh thiện nơi các ngài. Đặc nét chủ đạo nơi sự thánh thiện của Mẹ Mazzarello chính là phong thái nên thánh Salêdiêng, theo đường lối mà Don Bosco đã khai sáng, giúp Mẹ vươn đạt đến sự thánh thiện khi thi hành sứ mạng giáo dục giới trẻ, như chính Don Bosco đã sống và đã thực hiện.

     Chúng ta có thể tóm kết sự thánh thiện Salêdiêng nơi mẹ Mazzarello với 3 nét căn bản sau đây:

     1- Một tâm hồn nghèo khó tận căn và tín thác tuyệt đối nơi Chúa quan phòng

     Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói với chàng thanh niên muốn đi theo Chúa, là hãy về trút bỏ tất cả mọi dính bén với của cải vật chất rồi mới có thể đến với Ngài (Mc 10, 17 – 22). Sống nghèo khó tận căn là điều kiện tiên quyết để có thể trở nên môn đệ của Chúa. Thánh Phaolô cũng đã trải nghiệm điều tương tự khi Ngài bộc bạch : “Tôi đành thua lỗ mọi sự để đoạt được Đức Kitô (Pl 3, 8)”. Nghèo khó chính là mối phúc đầu tiên Chúa dành cho những ai muốn nên trọn lành.

     Nơi Mẹ Thánh Maria Mazzarello, tinh thần nghèo khó không chỉ được thể hiện qua nếp sống dung dị, mộc mạc nhưng cốt lõi chính là sự tin tưởng và tín thác tuyệt đối vào Chúa quan phòng. Mẹ không sở hữu bất cứ vật dụng nào đáng giá. Sâu xa hơn nữa, Mẹ đã tự hư vô hóa chính con người mình để hoàn toàn tín thác nơi Chúa. Thậm chí ngay cả những vốn liếng kiến thức cần thiết qua việc học hành trên ghế nhà trường, Mẹ cũng không có. Nhưng Thiên Chúa đã khôn ngoan biến Mẹ trở nên thật giầu có về những kinh nghiệm thiêng liêng, để Mẹ có thể am hiểu những mầu nhiệm sâu xa, và trở nên một nhà thần nghiệm rất tuyệt vời. Tại ngôi nhà ở Mornese, các chị em thiếu thốn mọi sự. Ngay cả bột mì và củi đốt để sử dụng hằng ngày cũng luôn bị thiếu hụt. Song để bù lại, Thiên Chúa đã ban cho các chị em niềm vui sâu xa với đức tin kiên vững, nhờ đó mọi người luôn sống trong bầu khí vui tươi và an bình cách thực sự.

     2- Một tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ như người bạn của Chúa Thánh linh

     Có thể nói, Mẹ Mazzarello là vị thánh của việc cầu nguyện. Giống như Don Bosco, Mẹ đã trở nên một nhà thần nghiệm thực sự, một người chiêm niệm trong hành động, nhìn thấy Thiên Chúa – đấng vô hình, trong mọi biến cố cuộc sống hằng ngày. Có lần Mẹ đã bộc bạch rằng, Mẹ cảm thấy rất bối rối khi đã qua 15 phút mà không nhớ đến Chúa. Chiếc cửa sổ nho nhỏ trên gác là nơi Mẹ vẫn đứng ở đó để hướng về nhà tạm hầu có thể truyện trò với Chúa Giêsu Thánh Thể. Mẹ cầu nguyện không phải với những tình cảm đạo đức hời hợt bên ngoài, nhưng với thái độ con thảo chân thành đối với Thiên Chúa là Cha quan phòng và luôn nâng đỡ con cái của mình. Có lần, Mẹ nói với sơ Patocco như sau : “Không phải Mẹ yêu thích việc cầu nguyện như một thú vui theo cảm tính tự nhiên, nhưng khi Mẹ thấy thiếu cái này cái nọ trong nhà, Mẹ cần chạy đến với Chúa để tìm sự nâng đỡ cần thiết. Dần dần, Mẹ cảm thấy việc cầu nguyện là một nhu cầu thực sự mỗi ngày.”

     Triết gia Pascal đã nói : “Con người là 1 cây sậy yếu ớt, nhưng con người chúng ta sẽ trở nên vĩ đại khi chúng ta biết cầu nguyện”. Mẹ đã trở nên vĩ đại và làm được những việc phi thường nhờ cầu nguyện. Phong thái cầu nguyện nơi Mẹ Mazzarello rất tương hợp với phong cách cầu nguyện Salêdiêng do Don Bosco khởi xướng, đó là cầu nguyện với sự đơn sơ (simplicity), với sự sống động (liveliness) và với lòng chân thành (authenticity).

     3- Một Đức ái mục tử sâu xa dành cho các bạn trẻ

     Hiến luật SDB khoản số 10 đã khẳng định : “Đức ái mục tử chính là tâm điểm của tinh thần Salêdiêng”. Giống như Don Bosco, Mẹ Thánh Maria Mazzarello cũng đạt đến sự trọn lành khi sống với trái tim mục tử dành cho các thanh thiếu niên. Mẹ đã nên thánh không phải qua việc giam mình trong nhà thờ để cầu nguyện lâu giờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Mẹ cũng không đề xướng một lối sống khổ hạnh để tôi luyện bản thân cách khắc khổ. Linh đạo mà Mẹ đã sống cũng chính là linh đạo do Don Bosco khởi xướng khi hết mình hiến dâng cuộc sống để phục vụ cho thiện ích của những người trẻ. Chính vì thế, Mẹ đã cùng với DonBosco thành lập hội dòng Con Đức Mẹ Phù hộ để có một lực lượng tông dồ đông đảo tiếp bước dấu chân của Mẹ trong việc thực thi sứ mệnh này. Hiện nay, dòng Con Đức Mẹ Phù hộ đang có 11.796 nữ tu làm việc tại hơn 90 quốc gia trên khắp thế giới. Đó là hội dòng nữ có số thành viên đông thứ nhì trong số các dòng tu nữ trong Giáo hội. Tại Việt nam, các sơ cũng đã hiện diện từ hơn 60 năm qua và hội dòng ngày càng phát triển, với sứ mệnh chuyên biệt nhằm chuyên lo việc giáo dục các bạn trẻ.

     Kết luận

     Có một truyện ngụ ngôn kể rằng, một chiếc ly thủy tinh than phiền với chiếc bóng đèn : “Tôi với bạn bề ngoài trông rất giống nhau vì cũng làm bằng thủy tinh, nhưng không hiểu tại sao bạn lại phát sáng, còn tôi thì không”. Bấy giờ chiếc đèn mới trả lời : “Bề ngoài, tôi với bạn giống nhau, nhưng tôi phát sáng mà bạn lại không, bởi vì trong tôi có ‘tim’, còn bạn thì không có”. Tim đèn làm cho ngọn đèn phát sáng. Đối với chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta làm việc với trái tim mục tử như Don Bosco, như Mẹ Mazzarello, thì chúng ta sẽ phát sáng, chúng ta sẽ làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện, đặc biệt khi chúng ta phục vụ cho thiện ích các người trẻ. Đó cũng chính là điều mà Thánh giáo phụ Irênê đã viết : “ Vinh quang của Thiên Chúa là con người chúng ta được sống và sống dồi dào”.

Văn Hào, SDB

 

Visited 2 times, 1 visit(s) today