Trong khi trẻ từ 7-12 tuổi tăng trưởng, các em tự hoàn thiện bản thân qua những mối tương quan tình cảm mà các em thiết lập với môi trường sống của mình. Khi nhà giáo dục khám phá mối tương quan này nghĩa là gì, hay được hình thành thế nào, sẽ giúp cho các trẻ có được sự tin tưởng nơi bản thân, và cũng biết tin tưởng vào người khác.
Điều kiện giúp cho sự tự tin của trẻ được phát triển
Sự chia sẻ. Trẻ từ 7 đến 12 tuổi rất cần sự nâng đỡ về mặt tình cảm của các bạn đồng trang, thể hiện qua việc chia sẻ, trao đổi, đối chiếu. Tất cả những điều này nhằm giúp các em hình thành ý kiến riêng và khẳng định chính mình. Ở tuổi này mà không có người đồng hành thì quả là một thảm kịch. Cho nên, khi giáo dục tuổi này, nhà giáo dục phải tôn trọng và sẵn lòng chia sẻ, hỏi ý kiến các em, như thể các em đã trưởng thành rồi.
Sự thi đua. Sự thi đua được thể hiện sống động trong các môn thể thao, trong những trò chơi. Qua việc thi đua, các trẻ nhận thức một điều là chúng khác biệt nhau và tập chấp nhận những khác biệt của người khác. Nhà giáo dục cũng có thể kể một câu chuyện, đưa ra vấn đề của nhân vật, rồi cho các em phát biểu về chính nỗi khó khăn của mình khi trong tình trạng ấy, và hướng dẫn các em khác đoán xét về chia sẻ của bạn.
Sự tò mò. Đây là điểm nền tảng của lứa tuổi 7 đến 12. Các em có nhu cầu hiểu biết, trải nghiệm, và khám phá những điều mới. Sự tò mò có thể hướng đến một sự vật, về tư tưởng, hay cả về điều gì đó thuộc tinh thần. Trong những tò mò của trẻ, những câu hỏi thường đi vào những nội dung chính yếu của cuộc sống như sự sống, đau khổ, tình thương yêu và cái chết… Trẻ em thường tỏ lộ mọi nỗi khát mong hiểu biết để tìm ra câu trả lời.
Có chỗ đứng. Trong sinh hoạt nhóm, cha mẹ hay nhà giáo dục cần lưu ý đến việc làm thế nào để mỗi em có vai trò – vị trí nào đó trong nhóm, để các em đối diện với việc phải trở nên chính mình thực sự, các em sẽ tìm cách để mình được chú ý, chúng có thể sáng tác những câu chuyện, hay nói lên điều nào làm chúng khó khăn khi gia nhập nhóm. Chỉ ngang qua mối tương quan tin tưởng và với ánh nhìn nhân từ, khích lệ của nhà giáo dục, đứa trẻ mới tìm thấy niềm tin vào bản thân để hồn nhiên diễn tả chính mình.
Những kỹ thuật nhằm thúc đẩy sự tin tưởng
Nhà giáo dục hãy tin vào khả năng tự lập và tự quyết định của từng em. Thực sự, việc tập trung chú ý của từng cá nhân cho phép các em khẳng định chính mình. Vì vậy, nhà giáo dục đừng ngại để trao cho các em một công việc, để tự em chọn lựa và sắp xếp. Đừng làm thay cho các em, nhưng tốt hơn, cho ý kiến tư vấn và đồng hành trong khi chính các em phải tự thực hiện. Những thành công nho nhỏ khiến các em dần tự tin vào bản thân.
Xây dựng cách ứng xử ở trong nhóm. Thực tế và hữu hiệu nhất là chính lối ứng xử các em học tập từ người hướng dẫn. Chẳng hạn, thói quen chia sẻ vài tư tưởng đầu ngày, và cuối ngày; việc chào thăm từng học sinh trước khi khởi đầu tiết học; việc xếp lại ghế ngay ngắn trước khi rời chỗ; không ngắt lời khi người khác đang phát biểu…
Một khi các nguyên tắc ứng xử này được các em chấp nhận, thì các em sẽ thử ứng dụng những điều nội quy ứng xử đòi hỏi. Từ đó, các em nỗ lực xây dựng một tương quan tin tưởng lẫn nhau.
Đánh giá từng em như các em là. Các nhà giáo dục hãy chú tâm hơn trong việc thuần hoá các em có cá tính; thanh thản trước các diễn tả bùng nổ các em. Hãy chấp nhận thời gian cần thiết để các em trưởng thành với những yêu cầu của độ tuổi.
Hãy tiên liệu một vài thời điểm để đứa trẻ biểu lộ quan điểm. Với một vài lời gơi ý, hay kỹ thuật tạo tình huống, nhà giáo dục có thể giúp đứa trẻ diễn tả suy nghĩ của em về việc sống tại nhóm, tại gia đình, trường học…
Hãy giúp các em nhìn ra mặt tốt nơi người khác. Chẳng hạn, sau một buổi sinh hoạt, hay đi dạo với nhau, nhà giáo dục cho các em viết xuống giấy mô tả điều gì em thích nhất nơi những người sống gần em. Điều quan trọng là phải ra luật “không phải là điều tiêu cực”. Việc này sẽ làm các em hiểu sâu hơn và tin tưởng hơn vào người khác.
Đón nhận những xúc cảm của các em. Những vấn đề sẽ thường xảy ra trong nhóm là những xúc cảm mạnh (như phiền não, sợ hãi, hay giận dữ) có thể được các em thể hiện bằng những phản ứng quá khích, ngạo mạn, trốn chạy… Nhà giáo dục đừng chỉ dừng lại trên những phản ứng này mà kết tội các em, nhưng đúng hơn là hãy tìm hiểu phía sau những xúc cảm ấy là nguyên do nào, rồi giúp các em từ từ khắc phục lối diễn tả.
Nhận biết những nỗi buồn khổ của các em. Nỗi muộn phiền của trẻ có thể gây ra xáo trộn trong nhóm. Các nhà giáo dục hãy tìm cách gặp riêng em. Nhưng cần nhớ là chú ý mà không chú tâm quá đáng. Những đứa trẻ thực sự bị tổn thương có thể sẽ cảm thấy bị một cuộc tấn công mới. Và nếu đứa trẻ tìm thấy một nơi an toàn để nương dựa, em sẽ thố lộ mọi sự.
Cuối cùng, phương thức tối ưu để hình thành nơi trẻ sự tự tin, đó là đối thoại. Vì thế, trong bất kỳ tình huống nào, nhà giáo dục hãy luôn tỏ ra thanh thản, chờ đợi, và khi nào trẻ bình tĩnh, hãy đối thoại, chia sẻ với em bằng những ngôn từ và lý lẽ mà các em có thể hiểu được.
Chúc các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục thành công trong công việc của mình.
Nhật Tâm