ĐỘ CAO VÀ ĐỘ SÂU

Ah, a ha… Đến đỉnh Langbiang rồi!”

Cả bọn vỗ tay reo hò mừng chiến thắng sau chặng đường dài leo dốc vất vả. Sau khi uống nước, chụp hình chung, giờ tham quan tự do kéo mỗi người đi một ngả. Thay vì tìm đến bức tượng chàng K’lang và nàng H’biang để ghi hình kỷ niệm, tôi tìm đến tảng đá cao và ngồi dựa lưng vào cây thông già mà chiêm ngắm vẻ hùng vĩ của thiên nhiên.

Từ vị trí cao nhất của đỉnh núi nhìn xuống, dòng sông vàng, sông bạc lượn lờ như dải vải vàng đồng vắt ngang qua mảnh đất ngập mầu xanh của núi rừng. Những căn nhà nhỏ rải rác ở phía xa ẩn hiện như bức tranh thuỷ mặc dưới lớp sương mỏng vùng cao. “Khi nào các trò đứng ở vị trí cao nhất, các trò sẽ thấy tỏ tường mọi sự. Cũng thế, nếu các trò biết một con người ở độ sâu, các trò sẽ có lối ứng xử đúng đắn nhất”, lời thầy dậy đám trẻ chúng tôi thời lớp năm chợt ùa về tâm trí.

Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi dù ngô nghê, nhưng cũng có những lúc ác tâm làm đau lòng người khác. Chẳng hạn, “thằng Phương thối tai” là một trò mới nhập học sau này, nhà nghèo nên đi học nó chỉ mặc độc một bộ, ngày nào cũng giống nhau. Thực tình, chẳng biết nó có “thối tai” không, nhưng vì tụi bạn gọi thế nên đám nhóc chúng tôi cũng hùa theo, rồi khi nó đến gần, đứa nào cũng bịt mũi tỏ vẻ xa tránh. Lối cư xử của lớp khiến thằng Phương mặc cảm, buồn rầu và sau mấy tuần nhập học, nó biến dạng.

Thầy giáo khi biết chuyện tỏ vẻ rất giận, nhưng không la mắng tiếng nào. Giữa tuần, thầy thông báo cuộc dã ngoại vào cuối tuần tới sẽ là “chuyến leo núi” ở ngọn đồi đằng sau thung lũng, và thầy mời cả các phụ huynh cùng tham dự.

Bọn trẻ chúng tôi rất háo hức với “chuyến leo núi” đầu tiên này, nên lúc nào cũng rộn ràng, lăng xăng sửa soạn đồ đạc. Rồi ngày ấy tới, bọn trẻ ríu rít đến nơi tập kết. Tại sân trường, các phụ huynh đã có mặt với nhiều thùng, xô, dây dợ lỉnh kỉnh. Đến giờ khởi hành, thầy xuất hiện, và bọn trẻ chúng tôi há hốc miệng khi thấy “thằng Phương thối tai” đi bên cạnh thầy. Hôm nay, nó có vẻ bảnh bao hơn. Bọn trẻ nhìn nhau, ra chiều thất vọng.

Thầy giáo làm như không nhận ra sự khó chịu của bọn trẻ, thầy chào các phụ huynh và học sinh, sau đó tươi cười nói: “Chắc các trò chưa quên bạn Phương chứ? Bạn là học trò mà thầy rất quý mến và thầy nghĩ các trò cũng có tình cảm ấy với trò Phương. Hôm nay, lần đầu tiên trò Phương đi chơi với lớp, các trò có muốn đem niềm vui cho người bạn của thầy không?”. Đám trẻ miễn cưỡng trả lời: “Có…”. Thầy nói thêm: “Các trò biết không. Hôm nay trò Phương sẽ có nhiều điều để chia sẻ với các trò lắm, chẳng hạn leo cây này, bắt dế này, và nhất là chạy thì thầy chắc là không trò nào sánh được với bạn đâu. Phải không trò Phương?” Lúc này, thằng Phương chỉ bẽn lẽn cười. Bỗng thầy nheo mắt ra hiệu, như bị thôi miên, tự nhiên hai cậu trai trong hàng chạy lên, dẫn tay Phương về chỗ chúng tôi. Chỉ đợi có thế, thầy ra lệnh xuất phát.

Con đường đất dẫn đến ngọn đồi như ngắn lại, và tuy dốc cao, nhưng bọn trẻ chúng tôi không hề giảm sự hào hứng. Đến đỉnh đồi, chọn chỗ dựng lều, cuộc vui bắt đầu ngay lập tức. Tuổi trẻ thật mau quên, chúng tôi tíu tít vui chơi, quên đi mọi ranh giới. Các phụ huynh nhiệt tình phục vụ. Các ông bố tổ chức trò chơi nhảy bao bố, đi cà kheo, leo thang dây, và nhiều trò khác. Các bà mẹ tất bật với việc nấu nướng, tiếp nước, bánh trái. Trong các trò chơi, thằng Phương tỏ ra khá xuất sắc và năng động.

Sau một ngày vui chơi thoả thích, bọn trẻ chúng tôi ngoan ngoãn im lặng khi thầy đưa tay ra hiệu, bởi đứa nào cũng am tường chương trình của thầy.

“Các trò chơi có vui không?”

“Thưa thày có”.

“Nếu lần tới leo núi các trò có hưởng ứng nữa không?”

“Thưa thầy có”.

“Theo các trò, ai là những người vất vả nhất trong hôm nay”

“Thưa thầy, ba má của chúng con ạ”

“Vậy các trò có muốn nói lời cám ơn đến ba má chúng con không?”

“Chúng con cám ơn ba má ạ” – Tất cả bọn trẻ tươi cười nói, và sau đó một trận pháo tay giòn giã.

“Còn giữa các trò, hôm nay ai là người chơi xuất sắc, nhiệt tình nhất?”

“Bạn Phương ạ”, một cậu bạn nhanh nhẩu đáp trong khi các bạn khác còn đang suy tư.

“Sao trò đánh giá trò Phương chơi xuất sắc?”, thầy trìu mến hỏi.

“Thưa thầy, bạn luôn để ý đến mọi người và quan tâm giúp đỡ ạ”

“Tốt. Vậy các trò có thấy như vậy không?”

Mọi đứa trẻ tròn miệng, cười tươi: “Thưa thầy có”.

Lúc ấy, thầy nghiêm nghị nói: “Các trò thân mến, bây giờ thầy muốn các trò cùng với thầy khám phá một điều. Ai trong các trò xung phong?”

Bạn Quân giơ tay. Lợi dụng mô hình cái giếng làm bằng phên cót vẫn còn trên sân, thầy cho bạn Quân ngồi xổm ở bên trong và hỏi lớn: “Trò thấy bầu trời to thế nào?”. Quân đáp: “Thưa thầy, bằng miệng giếng ạ”. “Tốt, bây giờ trò đứng lên đi”. Quân đứng lên, đầu nó vừa chạm đến ‘thành giếng’. Thầy hỏi: “Vậy, bây giờ trò thấy bầu trời làm sao?”. “Thưa thầy, to hơn rồi ạ”. “Vậy trò thấy gì nữa không?”. “Thưa thầy không”.

Thầy cho Quân ra khỏi “cái giếng”, rồi bảo cậu ấy leo lên chiếc thang dây còn buộc trên cây cao, rồi hỏi: “Trò thấy bầu trời làm sao?”. “Thưa thầy, bầu trời thật rộng, và con nhìn thấy có nhiều nhà, cây cối và mọi sự nữa”. “Cám ơn trò, trò xuống đi”.

“Các trò thân mến! Các trò đã chứng kiến đó, khi trò Quân càng đứng lên cao hơn, thì trò ấy thấy bầu trời càng rộng. Khi lên trên cây cao, thì trò ấy không chỉ thấy bầu trời mà còn thấy nhiều sự nữa. Các trò tưởng tượng xem, nếu trò Quân mà đứng trên ngọn núi cao thì chắc chắn trò ấy thấy mọi sự và thấy cách rõ ràng. Nên các trò nhớ cho kỹ điều này: ‘Khi nào các trò đứng ở vị trí cao nhất, các trò sẽ thấy tỏ tường mọi sự. Cũng thế, nếu các trò biết một con người ở độ sâu, các trò sẽ có lối ứng xử đúng đắn nhất’. Đố các trò thầy nói về điều này để ám chỉ đến cái gì?”

Bọn trẻ chúng tôi cúi đầu. Thầy nói đến bạn Phương chứ ai! Giọng thầy bỗng chùng xuống: “Các trò trêu ghẹo trò Phương như thế là rất vô lương tâm, hay nói rõ hơn là rất ác. Các trò không biết, nhà trò mới chuyển về đây với chúng ta, chân của ba trò Phương đang còn bó bột và chữa trị tại bệnh viện do tai nạn lao động, mẹ của trò lại đang bị bệnh nặng nằm ở nhà. Trò Phương vừa lo học, lại còn phải chăm cho mẹ và làm việc để kiếm tiền mua thuốc. Tại sao các trò không giúp đỡ, lại còn chòng ghẹo khiến trò ấy bị tổn thương, không dám đến trường? Thôi, cũng tại bởi các trò không biết, cho nên thầy chỉ nhắc các trò là không bao giờ được chòng ghẹo một người cách vô ý thức, nhưng tốt hơn, các trò phải biết đến cảm giác của người bị trêu chọc, hãy biết thông cảm với những hoàn cảnh éo le của người khác, và biết giúp đỡ họ. Tóm lại, nếu các trò biết một con người ở độ sâu, các trò sẽ có lối ứng xử đúng đắn, và không bao giờ phải xấu hổ hay cắn rứt lương tâm”.

Ngày ấy, tôi không hiểu hết triết lý về độ cao của kinh nghiệm và chiều sâu của thấu cảm, nhưng tôi nhớ mãi con heo đất mầu đỏ được cả lớp chăm chút với những đồng tiền tiết kiệm, để giúp cho mẹ của bạn Phương trong suốt năm.

Và mỗi lần tiếp xúc với ai đó, tôi đều nhớ lời thầy dậy: “Khi nào các trò đứng ở vị trí cao nhất, các trò sẽ thấy tỏ tường mọi sự. Cũng thế, nếu các trò biết một con người ở độ sâu, các trò sẽ có lối ứng xử đúng đắn nhất”. Tôi ước muốn vươn đến độ cao và chạm đến độ sâu ngày càng hơn, để trong sự lắng nghe và thấu hiểu, tôi biết cư xử với lòng nhân ái. Tôi xác tín, nếu hành động với lòng nhân ái, tôi sẽ chẳng khi nào phải ân hận.

Sa mạc xanh


Visited 1 times, 1 visit(s) today