LẮNG NGHE CON CÁI THẬT LÀ ĐIỀU KHÓ KHĂN
“Hãy để các trẻ tự do diễn tả suy nghĩ của mình”, Don Bosco đã nói như thế với các người cộng tác trong việc giáo dục với ngài. Ngài còn nhấn mạnh: “Hãy lắng nghe các em nói và hãy để các em nói thật nhiều”. Don Bosco là người thứ nhất làm gương về sự lắng nghe. Một bức ảnh nổi tiếng đã làm toát lên thần thái này của Don Bosco trong bức hình chụp ngài đang giải tội cho các thanh thiếu niên: Ngài lắng nghe với trọn con người mình, chìm vào chiều sâu với sự chú ý hoàn toàn.
Cuốn Hồi ký thứ 6 có đoạn: “Mặc dù bận rộn với trăm công ngàn việc, nhưng ngài luôn sẵn lòng tiếp chuyện những thanh thiếu niên đến xin gặp gỡ tại phòng của ngài, với cõi lòng của một người cha. Hơn thế, ngài muốn những nhà giáo dục biết đối xử với các em bằng tình thân ái và không bao giờ phàn nàn về những phiền toái mà các em gây ra. Ngài để các em tự do đặt câu hỏi, bày tỏ những thắc mắc, biện hộ, xin lỗi…
Ngài đón tiếp các em với cùng một sự kính trọng phải có trước một “ông lớn” đáng kính trọng. Ngài mời các em ngồi ghế sofa trong khi ngài ngồi tại chiếc bàn nhỏ, lắng nghe các em với sự chú ý không thể hơn, như thể những gì các em nói là những điều hệ trọng nhất”.
Phần đa các bậc cha mẹ tin rằng họ đã lắng nghe con cái. Họ cho rằng đây là một hoạt động đơn giản và chẳng mấy hứng thú. Và cho dù đã lắng nghe con cái nhiều lần thì đã chắc các bậc cha mẹ thật sự lắng nghe và chân thành tìm kiếm những gì các em muốn nói, ẩn sau những câu chuyện và những lời nói của chúng không?
Một em nữ 8 tuổi than phiền: “Con nói, con nói nhưng chẳng có ai lắng nghe con!”. Một em khác nói: “Con thường quay mặt vào tường và nói một mình, bởi ít nhất bức tường còn chịu lắng nghe con mà không quát con phải im đi”. Còn trong trại giáo dưỡng, tại phòng khách, một cậu trai nói với ba của mình: “Ba có biết, gần 20 năm trôi qua, đây là lần đầu tiên con cảm thấy được ba lắng nghe không?”.
Thông thường, cha mẹ bắt buộc con cái nói về một vấn đề nhất định nào đó, họ đang làm điều vô ích bởi rồi cả hai bên sẽ đều tức giận và cuộc đối thoại sớm bị gẫy đổ.
Những chiến thuật để lắng nghe
Những lý do chính làm cản trở việc truyền thông giữa những thành viên trong gia đình thường do thiếu thời gian, sự ám ảnh của những vấn nạn của đời sống hàng ngày, và cả do bởi các cha mẹ “không muốn” lắng nghe. Một cách vô thức, rất nhiều lần cha mẹ không muốn biết các vấn đề của con cái bởi sợ cảm giác mình có lỗi: Họ tự coi mình trách nhiệm về những vấn đề và sự bất hạnh của con cái, cảm thấy phiền hà, và hệ quả là phủ nhận cảm xúc của chúng. Ngoài ra, họ sợ phải nghe sự thật. Họ tự vệ khỏi cảm giác thất bại bằng việc phớt lờ trước tâm trạng bọn trẻ.
Về điều này phải thêm rằng, các trẻ em và thanh thiếu niên đôi lần tỏ ra miễn cưỡng khi phải thông tri. Đối với các em, việc nói lên sự ghen tương hay tức giận của mình chẳng hạn, không chỉ là sự xấu hổ mà còn là mối nguy, bởi các em cho rằng nếu cha mẹ nhìn thấy mặt tiêu cực của chúng, họ sẽ mất đi tình thương mến, sẽ giận dữ hoặc phản đối chúng.
Để có sự đồng cảm với con cái đòi hỏi một lối tập trung và sự khích lệ cụ thể. Sau đây là một chuỗi những chiến thuật đơn giản.
Lắng nghe với sự chú ý hết sức. Cần phải tỏ cho trẻ thấy là chúng ta đang lắng nghe chúng, bảo đảm cho chúng rằng chắc chắn những gì chúng nói đều được lắng nghe cách cẩn thận.
Cho những lời gợi ý nho nhỏ. Đưa ra những lời khích lệ và thông cảm đúng lúc, chẳng hạn: “À, ra thế… Hẳn là con đã gặp khó khăn lắm… và rồi chuyện gì xảy ra sau đó?”.
Chấp nhận sự im lặng. Cách chung, chúng ta thường sợ nhưng giờ phút thinh lặng và cố đổ đầy những khoảng lặng bằng những bài giảng, lời khuyên, câu hỏi, những câu nói can thiệp vô nghĩa. Trong thực tế, sự thinh lặng cho ta cơ hội để suy tư trên những gì đang lắng nghe.
Không vội đưa ra đoán xét. Những câu nói như: “Hành động ấy quả là ngu ngốc… Mà sao con yếu đuối thế… con nghĩ thế nào chứ? … nhưng con không làm đúng rồi!”, bởi vì chúng làm cho cuộc đối thoại và sự tín nhiệm bị nghẹt lại. Ngay lập tức đứa trẻ đặt mình vào thế tự vệ. Khoảnh khắc đàm thoại bị ngưng lại và rất khó để lấy lại niềm tin nơi các thiếu niên.
Tránh đưa ra những giải pháp ngay lập tức. Ngay cả đối với chúng ta, khi có một vấn đề nào đó, chúng ta thường xét đoán một cách không hay và các “bậc hiền triết” liền nhanh chóng nói ngay với chúng ta cái gì đó phải làm. Điều này cũng dễ dàng xảy ra với những đứa trẻ. Có những cha mẹ luôn có sẵn một túi đầy những lời khuyên cho con cái và cũng chẳng quan tâm đến việc chúng có tìm ra cách giải quyết hay không. Từ đây, những đứa trẻ bắt đầu nghĩ rằng chúng không có khả năng giải quyết những vấn đề riêng của mình.
Nhận biết những cảm xúc. Những xúc động và cảm xúc của các em nhỏ không hề nhỏ chút nào. Nếu không nói là chúng nhạy cảm và có sức phá huỷ hơn ai hết bởi các em chưa có biết kiểm soát những tình cảm này. Những trẻ em cần phải cảm nhận được cha mẹ hiểu và nhận biết được những gì em đang phải đương đầu, và chúng không cảm thấy mình một mình trước những vấn đề của mình.
Giúp con cái tìm ra cách giải quyết của riêng mình. Đây là một khởi đầu của giáo dục thực sự tích cực và có sức xây dựng. Chỉ như thế thì các thiếu niên mới cảm thấy có trách nhiệm trên chính mình, nhưng không bị bỏ rơi trên hành trình dài tiến đến sự trưởng thành.
Chuyển dịch từ “Genitori felici con il sistema Preventico – Bruno Ferrero
Ngọc Yến, FMA