Ký ức về Bữa Cơm Gia Đình

     Trong cuộc sống mà mọi sự đang trôi đi quá nhanh, dường như ta chẳng vớt lấy được gì trên dòng đời hối hả ấy. Tuy nhiên, đối với những người trưởng thành đang xây dựng gia đình, những người đã tuổi đời xế bóng, đặc biệt là những người xa quê, chắc chắn họ sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm cùng quây quần với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong bữa cơm gia đình. Những kỷ niệm ấy quý giá đến mức nó không chết đi trong quá khứ, nó không chỉ là ký ức mà còn là hiện tại sống động, vì bữa cơm gia đình là một trong những yếu tố thiết yếu hình thành nên chính tôi của ngày hôm nay. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông bà ta đúc kết rằng: “Trời đánh tránh bữa ăn”.

     Chắc hẳn, bạn không thể quên được những bài học nhân bản mà ba mẹ đã dạy bạn trong bữa cơm gia đình của ngày xưa ấy. Những điều tưởng như đơn giản lại từng bước uốn nắn bạn trở thành một người biết cách đối nhân xử thế. Bạn có thể liệt kê hàng loạt những bài học mà từ ngày này qua ngày nọ, ba mẹ đã nhắc đi nhắc lại vì sự hay quên của tuổi trẻ: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn chậm, nhai kỹ, no lâu…”, và còn rất nhiều lời dạy về cách ăn uống, về tư thế ngồi và về thái độ khi ăn.

     Không chỉ dừng lại ở đó, trong bữa cơm mà mọi người phải đợi đông đủ mới ăn, ba mẹ dù nghèo về vật chất nhưng lại dư những câu chuyện thiết thực để gieo vào lòng con cái cảm thức về lòng trắc ẩn đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tất cả tạo nên một mái trường thu nhỏ trên bàn cơm gia đình.

    Ngày nay, con em chúng ta đang có nguy cơ không có được ký ức đẹp đó vì sự vội vàng của cuộc sống. Có một lần đi thăm một gia đình người thân, tôi giật mình khi được nghe biết rằng, bữa cơm gia đình đối với họ bây giờ là một sự xa xỉ, vì con bận đi học thêm, bận đủ mọi thứ, và khi được ba mẹ đề nghị ăn cơm chung thì các em cằn nhằn cho ba mẹ thật cổ hủ và khó tính. Không thể cứng rắn hay nghiêm khắc hơn, ba mẹ đành xuống nước và chấp nhận có những ngày 10h -11h khuya gia đình mới có đủ người. Có lẽ chúng ta sẽ dần xa nhau nếu không có bữa cơm chung trong gia đình, cho dù đang ở cùng một nhà.

     Don Bosco với cái nhìn vượt thời đại đã thấy trước được tầm quan trọng của gia đình, do đó, trong các nhà Salêdiêng, tình gia đình được đặt lên ưu tiên hàng đầu, nơi ấy có thể trở thành “bệnh viện của trái tim” (Ferrero Bruno, Cha mẹ và phương pháp giáo dục của Don Bosco). Và trong căn nhà có thể chữa lành những vết thương tâm hồn, thì bữa cơm gia đình chính là “bàn phẫu thuật” hiệu quả nhất.

     Để giữ được điều quan trọng ấy, thiết nghĩ, ba mẹ cần đồng hành với con cái ngay từ nhỏ, làm bạn với con trong từng giai đoạn, để rồi khi ba mẹ yêu cầu một điều gì đó, thì con cái cũng không cảm thấy khó chịu, bỡ ngỡ, vì mọi thứ đã trở thành quen thuộc cả rồi.

     Hy vọng rằng, trong khi lo lắng cho con cái những tấm bằng này, tấm bằng kia, khả năng này, khả năng nọ, chúng ta cũng không quên trang bị cho các em ký ức về “bữa cơm gia đình”.

Lm. Augustinô Đỗ Phúc SDB

Visited 435 times, 3 visit(s) today