Người ta nói: “Có ba con người cùng hội tụ nơi một con người: Đó là con người nghĩ, con người nói, và con người làm. Chúng ta chỉ thành người thực thụ khi thống nhất được ba con người này nơi mình”. Đứng trước tư tưởng này, tôi thấy mình còn xa quá sự thành toàn. Rất nhiều lần tôi cảm thấy có điều gì đó “áy náy” về những gì mình đã làm trong khi “tâm” không “tịnh”; khi “cõi lòng” mình thao thức nhưng lại chẳng dám lên tiếng; khi điều tốt thì đầy trong tim nhưng tôi không biết biến những sự tốt lành ấy thành hành động. Từ những ước mơ, thao thức thường ngày, đã nhiều lần tôi muốn hiện thực hoá nhiều ước mơ cao đẹp hơn nữa nhưng ít khi tôi thực hiện cách trọn vẹn. Hình như có một sự ù lì, có một lực cản vô hình nào đó trói tay trói chân mình. Hình như còn tôi thiếu một “sức mạnh trong tim”… Và một câu chuyện đã khiến tôi suy nghĩ. Câu chuyện ấy được kể như sau:
Vào thế kỷ thứ tư, có một tu sĩ châu Á sống ở một làng nhỏ xa xôi. Ông dành phần lớn thời gian để cầu nguyện và lao động, chăm lo vườn tược để mưu sinh. Một ngày nọ, ông nghe có tiếng nói vang lên trong tâm trí mình, và tiếng nói ấy bảo ông rằng hãy đi đến Roma. Vì tin rằng điều mình nghe là tiếng của Chúa nói, nên ông cất bước lên đường. Ông đã đến Roma sau nhiều tuần lễ đi bộ ròng rã.
Vào thời điểm ấy, thành phố Roma đang vào mùa lễ hội. Dân chúng đang ăn mừng chiến thắng người Goth. Vị tu sĩ già đơn sơ đi theo đám đông vào đấu trường Cô-lô-sê-ô, rồi ở đấy. Giữa đám đông ồn ào, ông thấy những võ sĩ giác đấu bước ra, họ trình diện trước Hoàng đế và hô to: “Chúng tôi, những người sắp chết, xin kính chào Hoàng đế!” Vị tu sĩ này trông thấy cảnh tượng trên và chợt hiểu ra rằng họ sẽ đánh nhau đến chết để mua vui cho đám đông. Ông liền kêu to: “Nhân danh Đức Kitô, xin hãy dừng lại ngay trò chơi này!” Nhưng, hình như tiếng kêu yếu ớt của vị tu sĩ bị nhấn chìm và biến tan trong tiếng ồn ào, giọng la hét đầy phấn khích của đám đông có mặt trong đấu trường Cô-lô-sê-ô hôm ấy.
Khi các cuộc giao đấu bắt đầu, ông tìm cách vượt mặt đám đông, trèo qua tường ngăn và nhảy xuống xuống sân cát của đấu trường. Đám đông bất ngờ khi thấy một người gầy gò tiến đến các võ sĩ giác đấu và lặp đi lặp lại cách rõ ràng câu nói: “Nhân danh Đức Kitô, xin hãy dừng lại!”. Mọi người tưởng đây là một phần mới trong kịch bản của cuộc vui, nên thoạt đầu, họ rất thích thú; nhưng một hồi sau, đám đông hiểu ra thực tế không phải như vậy. Lúc đó, họ trở nên giận dữ và hung hăng hơn khi nhìn thấy kẻ gây ra sự phiền hà kia. Vị tu sĩ gầy gò vẫn cứ tiếp tục van nài những võ sĩ giác đấu: “Nhân danh Đức Kitô, xin hãy dừng lại!”.
Bực mình vì sự quấy rầy, một võ sĩ giác đấu ra tay đâm lưỡi gươm thật sâu vào bụng vị tu sĩ. Ông ngã xuống trên nền cát của đấu trường, miệng vẫn tiếp tục nói lời khẩn nài: “Nhân danh Đức Kitô, xin hãy dừng lại!”
Có một điều bất ngờ xảy ra ngay sau đó. Các võ sĩ giác đấu cùng đứng lặng nhìn hình hài gầy gò nhuốm máu nằm trên cát. Sự im lặng sau đó lan ra trên khắp đấu trường. Tiếp theo, ở một góc trên hàng ghế khán giả, một cá nhân bước ra đến cửa và bỏ đi, rồi những người khác cũng bắt đầu đi theo. Cứ thế, trong im lặng lạ lùng, mọi người rời khỏi đấu trường Cô-lô-sê-ô.
Theo ghi nhận của nhà sử học Giáo Hội Theodoret (Giám mục thành Cyrus- Syria), Thánh Telemachus (cũng được gọi là Almachus hoặc Almachius), là một tu sĩ có mặt trong đám đông ở đấu trường Roma, đã cố gắng ngăn chặn cuộc chiến tương tàn của các võ sĩ giác đấu. Ông đã bị sát thương bởi lưỡi gươm của một võ sĩ giác đấu; sau đó đám đông trong cơn giận dữ vì cuộc vui của họ bị gián đoạn, đã ném đá ông cho đến chết. Hoàng đế Honorius, cũng là một ki tô hữu, đã bị gây ấn tượng bởi việc tử đạo của vị tu sĩ này, và việc đó đã thúc đẩy ông ban hành một lệnh cấm các cuộc đấu đẫm máu giữa võ sĩ giác đấu. Theo nhà sử học Frederick George Holweck (1856–1927), vị tu sĩ tên là Telemachus chết vào khoảng năm 391. Cuộc chiến võ sĩ giác đấu cuối cùng được biết ở Roma là ngày 01 tháng 01 năm 404. Từ ngày đấy trở đi, không bao giờ người ta giết người hay giết hại lẫn nhau để mua vui cho đám đông nữa.
Đôi ba lần, chúng ta có thể đã đi qua đám đông ồn ào và thấy một chuyên gì đó đang xảy ra. Đôi khi ta bỏ qua vì ngại gặp chuyện rắc rối, hoặc muốn tránh sự phiền hà, và lòng tự nhủ: “Thôi cứ để cho người ta muốn gì thì làm. Chẳng có gì xấu, chẳng có gì sai cả. Mình đâu phải là kẻ có thể ôm hết cả thế giới vào lòng. Thế giới này mấy người là anh hùng ‘giữa đường dẫu thấy bất bình mà tha’. Rồi sẽ có những người làm chuyện anh hùng, nhưng tôi thì không! Vào lúc này, được yên thân thì tốt hơn!”.
Chẳng có gì xấu, chẳng có gì sai cả, chỉ có một chút thiếu vắng thiện tâm mà thôi khi cần phải làm những điều tốt lành cho người khác. Xem ra cũng chẳng có gì “ảnh hưởng đến hoà bình thế giới”, nhưng tâm hồn tôi hình như đang trở nên ù lì, khi tôi nhân danh cho quyền lợi riêng của mình và chỉ biết nghĩ đến chuyện “im lặng”, “yên thân”. Trong khi đó, trái tim của những người chân chính biết “đập cùng nhịp” với anh em đồng loại, biết lên tiếng vì một tình yêu lớn lao hơn, vì sự thật, công bình, bác ái.
Nghĩ đến đây, tôi lại cảm thấy “áy náy” vì mình vẫn còn thiếu “một chút tình yêu” nơi con tim chưa biết “động lòng trắc ẩn” với con người. Cần chăng trong cuộc đời này những người như Telemachus!
Bài viết: Lê An Phong, SDB