NGỤ NGÔN TÌNH NGƯỜI

Một ngày nọ, vị thầy dẫn học trò đi dạo. Đang đi trên đường, bỗng dưng có một cái hố khá sâu nằm cắt ngang giữa đường. Nhưng nó không quá lớn đến nỗi để có thể cản trở đám học trò trai tráng của ông vượt qua. Từng học trò nhảy qua cái hố một cách dễ dàng. Chờ cho đến khi người học trò cuối cùng nhảy qua, vị thầy liền gọi họ quay trở về.

Ngày hôm sau, vị thầy lại dẫn học trò đi dạo và lại đi qua con đường ấy. Vẫn cái hố đó và cũng vậy, từng người nhảy qua. Đợi cho đến người cuối cùng, vị thầy lại gọi tất cả quay về. Đám học trò cảm thấy khó hiểu, nhưng không ai thắc mắc điều gì.

Ngày thứ ba, vị thầy lại dẫn họ trò đi dạo và mọi chuyện lại xảy ra giống như hai ngày trước. Cảm thấy khó hiểu thầy mình, đám học trò lại gần vị thầy đang đứng phía bên kia cái hố và hỏi tại sao thầy lại làm như vậy. Vị thầy không trả lời câu nào. Ông lặng lẽ xắn tay áo, từ từ hốt từng chút đất, nhặt từng cục đá ở hai bên vệ đường, lấp cái hố, rồi thong thả bước qua.

Bạn thân mến,

Câu chuyện có vẻ tẻ nhạt, nhưng nó lại phản ảnh một điều gì đó rất thực tế đang diễn ra xung quanh chúng ta. “Cái hố giữa đường” như chuyện “cha chung không ai khóc” đã và đang ăn sâu vào cách suy nghĩ và hành động của nhiều người. Từ đó dẫn đến sự chai lì dửng dưng của con người trước những chuyện ích chung và nhất là trước sự đau khổ của những người xung. Phải chăng, chính trái tim ích kỷ đã làm ‘mù’ đôi mắt cảm thông?

Người thầy khôn ngoan trong câu chuyện trên đã muốn có ai đó trong số học trò mình dừng lại và lấp cái hố. Người thứ hai thấy người thứ nhất không lấp cái hố; người thứ ba thấy người thứ hai không làm và cứ thế cho đến người cuối cùng. Chính thái độ “ai sao tôi vậy” đã làm cho đám học trò không còn khả năng nghĩ đến người khác, những người không có khả năng vượt qua cái hố ấy. Cũng chính điều này làm cho họ cảm thấy cái hố kia là một chuyện ‘bình thường’. Duy chỉ có người thầy đã vượt qua rào cản của lối suy nghĩ rập khuôn của đám đông để hướng đến tha nhân.

Lúc này, lời của nhạc sỹ Trần Long Ẩn, trong một sáng tác bất hủ, dường như đang chất vấn chúng ta: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” Thật vậy, “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” chính là lời khuyên giá trị nhất mà cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để lại cho đời. Với người Ki-tô hữu, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: Tất cả những gì chúng ta làm cho những anh em bé mọn nhất của Ngài, là làm cho chính Ngài (Mt 25:40). Không chỉ có vậy, sống và biết nghĩ cho người khác luôn phải hướng tới đỉnh cao của Đức Ái. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng có kinh nghiệm về điều mà Chúa đã dạy và sống: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tình mạng vì bạn hữu của mình!” (Ga 15:13). Đó chính là kinh nghiệm về thứ tình yêu đích thực.

Bài viết: Cosma Đặng


Visited 1 times, 1 visit(s) today