HÃY DẠY TRẺ CẦU NGUYỆN

Đầu năm 1858, Don Bosco phải thanh toán một món nợ lớn, nhưng lại không có một xu dính túi. Chủ nợ đã chờ từ lâu và bó buộc Don Bosco phải trả vào ngày 20. Trong cơn túng quẫn đó, Don Bosco gọi một số em học sinh của Ngài và bảo:

– Hôm nay cha cần một ơn đặc biệt. Cha ra phố và trong suốt thời gian đó, có người trong các con vào nhà thờ cầu nguyện.

Các em hứa với Ngài. Don Bosco ra đi. Khi đến gần nhà thờ của các linh mục truyền giáo ở đường Arcivescovado, Ngài gặp một người lạ và ông đã lịch thiệp đưa cho Ngài một phong bì trong đó có vài tờ một ngàn lia (lire: đồng tiền Italia, lúc bấy giờ vài ngàn lia là một món tiền lớn). Món quà bất ngờ đã khiến Don Bosco do dự không dám nhận:

– Thưa Ngài, Ngài cho tôi món tiền này với mục đích gì?

Người lạ nhấn mạnh:

– Xin cha nhận lấy và chi dùng cho các học sinh của cha.

Don Bosco từ giã người lạ mà không biết người ấy tên gì.

Và cứ như thế: khi cần một điều nào đó, Don Bosco có thói quen tin cậy vào lời cầu nguyện. Ngài nhận được tất cả. Ngài nói với các trẻ em của Ngài: “Ai cầu nguyện thì sẽ bước đi hiên ngang như ông hoàng”.

Cầu nguyện là gì? Là “Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đang sống trong chúng ta, với Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, dưới tác động của Chúa Thánh Thần”.

* Hãy dạy cho trẻ em hiểu rằng cầu nguyện là qui hướng tâm hồn về Thiên Chúa cách thật sâu xa. Gần giống như thái độ của người mẹ có đứa con ốm. Bà thăm chừng thường xuyên, chăm sóc cho nó từng chút; ngay cả khi sắp xếp nhà cửa, tâm trí bà vẫn không hề rời xa đứa con, nhưng luôn hướng về nó.

* Để dạy trẻ em cầu nguyện, cần dạy chúng nhận biết Chúa Giêsu không phải là một con người đã chết. Ngài là một Ngôi vị sống, là Đấng đang sống cách tuyệt hảo. Để nhận biết Chúa Giêsu, phải hiểu biết và đọc Tin mừng. Chúa Giêsu đã nói trong bữa Tiệc ly: “Sự sống đời đời là nhận biết Đức Giêsu Kitô”. Một trong những văn hào Liên Xô đã ghi khắc trên bàn làm việc những lời này: “Tôi sợ bị tách khỏi Tin mừng cho dù chỉ trong vài ngày”. Cha Léon de Grandmaison khuyên: “Hãy học hỏi, tìm kiếm, tra cứu, khám phá không ngơi cho các bạn và cho người khác những sự giàu có khôn lường của Đức Giêsu trong Tin mừng. Hãy chăm chú đọc cho đến khi thuộc lòng, hơn nữa, cho đến độ đồng hóa mình và thấm nhập vào Tin mừng”.

* Hãy dạy trẻ em biết tìm giờ thích hợp hằng ngày để cầu nguyện. Có người nói: “Nhưng tôi không có giờ để cầu nguyện”. Thế nào, bạn không có giờ ư? 24 giờ mỗi ngày có thể được chia thành 96 khắc. Và: 32 hoặc 36 khắc dành cho việc ngủ; 36 hoặc 40 khắc dành để làm việc; 4 hoặc 5 khắc dành cho việc đi lại; 6 hoặc 8 khắc cho việc ăn uống. Chỉ cần một khắc dành cho Thiên Chúa trong cầu nguyện để làm cho cả ngày vang dội niềm vui và ánh mặt trời.

* Phải dạy cho trẻ em hiểu rằng việc cầu nguyện cũng giống như cuộc chạy đua. Ai lấy trớn tốt thì chạy tốt. Những giây phút khởi đầu rất quí báu, chẳng hạn những giờ phút đầu tiên của mỗi ngày. Vào lúc khởi đầu, cần phải tránh mọi bận tâm, dẹp bỏ sự huyên náo bởi các tư tưởng phàm tục, giảm bớt công việc.

* Don Bosco cắt nghĩa cho trẻ em biết rằng Thiên Chúa ở trong chúng ta. Chính Ngài hẹn với chúng ta và chờ chúng ta suốt ngày, cả ở ngoài nhà thờ nữa. Thiên Chúa ở trong chúng ta không phải là một Thiên Chúa câm lặng: Ngài nói. Nhưng để nghe Ngài, cần giữ yên lặng. Cầu nguyện chủ yếu là nghĩ tới Thiên Chúa, nói với Ngài cách dịu dàng, dâng hiến và xin Ngài chúc lành cho tất cả mọi người chúng ta gặp trong ngày.

Don Bosco đã nói với các nhà giáo dục: “Ai xấu hổ khi phải khích lệ người khác sống đạo đức, thì không xứng đáng là nhà giáo dục”. Và hơn nữa: “Dạy trẻ em và làm cho chúng yêu thích việc cầu nguyện, là chúng ta đã chu toàn được một trong những bổn phận quan trọng nhất của mình. Do đó, thời gian chúng ta dành để hướng dẫn thanh thiếu niên cầu nguyện là thời gian được sử dụng tốt nhất; tốt hơn những thời gian chúng ta dành để dạy dỗ chúng và cho chúng giải trí”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today