HẠNH PHÚC TỪ ĐIỀU MÌNH ĐÃ CHỌN

      Nhà tôi có 6 chị em gái, bé Út năm nay vừa kết thúc lớp 10. Mấy chị em tôi hay đùa, gọi Út là “Út Bi cùi bắp” vì so với các chị, thành tích học tập của Út chỉ ở mức làng nhàng.

      Hè năm trước, vừa kết thúc chuyến đi chơi hè, tự nhiên Út thủ thỉ:

–        Bạn hai, Út đăng kí học hè 4 môn đó!

–        Bốn môn! Chu choa siêng đột xuất vậy? – Tôi ngạc nhiên, vì chả mấy khi thấy Út chủ động đề xuất chuyện học hành một cách nghiêm túc thế này.

–        Thì…qua năm lớp 10 rồi, rồi lại phải thi đại học nữa, không cố học thì trượt mất.

      Tự dưng giọng Út buồn hẳn, tôi đâm lo. Ôm vai Út, tôi nhẹ nhàng.

–        Sao thế cùi bắp? Tự nhiên suy tư vậy?

      Út thở dài (lần đầu tiên đó, trời ạ, thở dài cơ đấy).

–        Thầy cô trong trường cứ nói là sao Út chả giống mấy chị chút nào hết vậy? Các chị lúc nào cũng thành tích này nọ, riêng Út có mỗi việc học để lên lớp cũng vật vã mãi mới xong.

      Tôi chợt phì cười, thấy Út nhà mình năm nay “có vẻ trưởng thành” hơn hẳn.

–        Cùi bắp à, chuyện đó quan trọng gì đâu. Mỗi người có một sức mạnh riêng mà, không cần phải căng thẳng chuyện đó đâu.

      Rồi tôi và Út bắt đầu nói chuyện “nghiêm túc”. Út nhà tôi học hành không được hoành tráng thật, nhưng bù lại, Út có biệt tài trong việc nấu ăn. Chỉ cần nhìn qua một món nào đó, Út đã có thể ướm ướm được nguyên liệu cơ bản và có thể nấu lại món đó rồi. Với Út, tình yêu dành cho gian bếp là bất tận, và Út chẳng bao giờ phàn nàn rằng đó là việc mệt nhọc hay khó khăn gì cả. Trái lại, mỗi lần vào bếp, Út lại như một con người khác hẳn, hoạt bát, năng động … Thực ra trước giờ, Út chỉ nghĩ đơn giản đó là sở thích, và chưa có ý định suy nghĩ rằng có thể xem nó là một nghề nghiêm túc. Hoặc, từ trước đến giờ, Út luôn nghĩ rằng mình phải cố gắng để thi vào trường này trường nọ, sao cho hoành tráng để không bị chê cười, so sánh với các chị của mình.

–        Thế nên là, Út đừng quan trọng hóa vấn đề học này học nọ. Út cứ thoải mái, miễn sao sau này làm được nghề mình thích, mỗi ngày mình sống hết mình cho công việc của mình, vui với sự lựa chọn của mình, đó mới là điều tối quan trọng. Hen! Đừng nghe người ta nói gì hết, hãy nghe chính mình á!

      Út gật gù, nghe cũng có lý ha! Tôi xoa đầu Út.

–        Cũng gì mà cũng! Quá có lý đó chứ!

      Út bật cười. Rồi Út cũng rút lại những môn mà mình không thích, tập trung vào những những cuốn sách, những chương trình dạy nấu ăn. Nhiều cô hàng xóm thấy lạ, rồi lại cho rằng nhà chúng tôi thích “chơi trội”, dù sao thì học đại học vẫn hơn chứ. Út chỉ nhe răng cười, rồi lại cắm cúi vào các công thức bánh.



–        Hay là mình nghỉ việc đi chị, mệt mỏi quá!

      Cường nói thế trong khi tôi loay hoay khóa cửa văn phòng lúc 12h đêm. Tôi quay sang, bật cười.

–        Nghỉ giờ thì hèn quá, ráng lết cho qua con trăng này đi.

–        Hết là chừng nào hết hả chị?

–        Thì chừng nào nó hết thì nó hết! Đi quẩy đi!

–        Ok đi! Dù sao mai mình cũng đi Đà Lạt rồi mà!

      Nói quẩy cho sang, tôi và Cường lóc cóc ra con hẻm gần văn phòng, ăn bánh canh cá và uống sữa đậu nành.

      Cường tốt nghiệp năm ngoái, loay hoay đi làm rồi vào công ty sản xuất phim làm vì yêu thích. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản. Ngay dự án đầu tiên, Cường sấp mặt ăn hành, mỗi ngày bắt đầu từ 6h sáng tới khuya muộn. Rồi công ty tôi nhảy vào, hai chị em sấp mặt như nhau, ngày ngày chạy như điên với hàng tá công việc.

–        Nãy chị em mình giỡn vậy anh Trí có hoang mang không ha? – Cường thở dài.

–        Không đâu em – Tôi chìa điện thoại ra – Anh Trí nói là mai anh sẽ đi Côn Đảo nè, anh Hiệp nói sẽ đi Mỹ nè, haha!

      Tôi và Cường bật cười. Anh Trí và anh Hiệp là hai sếp của chúng tôi. Quá mệt với đủ chuyện, tôi với Cường mới bảo là mai kệ hai anh đó, tụi em đi Đà Lạt đây. Ai dè, hai anh sếp cũng hùa theo luôn. Đến chịu với hai ông này!

–        Nè, nếu không đi làm phim thì chị làm gì? – Cường cất giọng.

–        Chị hả? Uhm, chả biết nữa. Thấy mình hợp với mỗi nghề này. Bữa anh hai chị bảo là thấy em làm phim cực quá, chuyển qua quản lý nhãn hàng cho anh cho nhàn, chị trả lời rằng em bán luôn cái nhãn hàng của anh để đi làm phim thì có á. Haha!

–        Công nhận chị lầy ghê!

–        Thì đúng mà, chị có làm gì được khác đâu. Mỗi ngày đi làm, được gặp người này người nọ, mỗi dự án lại gặp được những người khác nhau, những tình huống, những câu chuyện khác nhau, và thế là cuộc đời mình phong phú và thi vị, em không thấy thế sao?

–        Đúng nhỉ? Mà chỉ khổ là mệt đầu quá!

–        Thì nghề nào nghiệp nấy thôi mà! Thôi đi về, mai đi bối cảnh kìa!

      Thế thôi, rồi lại đâu vào đấy. Ngày hôm sau chúng tôi lại trêu đùa nhau, mỗi đứa check in ở một địa điểm khác nhau, các sếp cũng thế, nhưng kì thực là lại đang ngồi cắm mặt ở văn phòng, bàn bạc, thảo luận chuẩn bị cho buổi quay.



      Người ta nói nghề nghiệp cũng là ơn gọi. Ơn gọi để phục vụ đời. Cho dù lương không cao, công việc vất vả và thách đố không hề thiếu, nhưng sao trong tôi luôn rộn lên một niềm vui sâu xa. Tôi tin bé Út hay Cường cũng luôn được nâng dậy bởi những niềm vui như thế. Tôi không quên lời của người thầy khôn ngoan, mà mỗi khi hết khí chất, tôi lại tìm đến để được lời khuyên:

      “Trên đời này chẳng có nghề nào là sung sướng hết con, nghề nào cũng phải trải qua mọi thăng trầm khổ ải, rồi mới thành công được. Mỗi lần nản chí, con hãy nghĩ đến việc tại sao con chọn nghề này. Nếu con chọn vì theo ý nguyện của bất cứ ai không phải con, thầy không ý kiến nữa, nhưng nếu con chọn vì mình thích, con hãy nghĩ đến việc con đã háo hức trong buổi đi học thế nào, hồi hộp vì ngày đầu tiên được làm nghề ra sao, rồi chắt lọc ra những niềm vui mà con đã có, so sánh nó với số nỗi buồn mà con trải qua, rồi từ đó tự rút ra cho mình kết quả, làm tiếp hay không. Thầy chẳng khuyên con gì đâu, thầy nói thế thôi”. Vậy đấy, và thường là với tôi, niềm vui lúc nào cũng đong đầy, còn nỗi buồn, nếu so ra, chỉ là hạt cải.

      Tác giả: Tùy Phong

Visited 3 times, 1 visit(s) today