Giáo Dục Đức Tin Cho Tuổi Thiếu Niên: Bên Trong Là Một Núi Lửa Bùng Cháy_P.2

Ở tuổi niên thiếu, nếu chỉ dừng lại ở việc làm sao có một thân thể đẹp đẽ và dễ thương thì chuyện chẳng có gì đáng lo. Vấn đề nằm ở chỗ “bên trong” thân thể có một “núi lửa” đang hoạt động: nhu cầu hướng tới người khác, đặc biệt một người khác phái nào đó. Nhu cầu này thúc đẩy người thiếu niên nam hay nữ hướng về người khác. Trong thế giới động vật, nhu cầu này chỉ biểu lộ trong mùa động dục (những con chim thay đổi lông để quyến rũ bạn tình, nó hót, múa nhẩy hoặc đánh nhau…). Nơi con người, nhu cầu này trở nên một đòi hỏi lâu bền, nó được công bố qua việc con tim của ta bắt đầu đập loạn nhịp trước một cô gái, hay một cậu trai, mà bỗng dưng ta bị cuốn hút, cảm thấy thích, muốn gắn kết và dường như bị hớp hồn.

Đây là điều khác biệt, nếu không có điểm thu hút này thì con người sẽ giống như một con vật, tức là việc gặp nhau chỉ là để sinh sản, rồi sau đó đường ai nấy đi.
Tuy nhiên việc tìm kiếm “một ai khác” này thật là nhiêu khê! Từ bên trong, nhu cầu này đề xuất trong tâm tưởng ta một cái “chúng ta”, để rồi hễ một nửa nào mang cái “chúng ta” ấy đều thu hút ta, cái “chúng ta” ấy không chỉ là thân xác, nhưng như một con người, những xúc cảm, những lối ứng xử riêng.

Với khái niệm này, những nhà giáo dục chúng ta cùng tìm hiểu về tâm lý tuổi thiếu niên trong lãnh vực tình cảm. Một từ cần lưu ý cho lứa tuổi này là “vuốt ve, nâng niu”, tuy nhiên, từ này không có ý nói đến cái vuốt ve bằng tay, mà trong mọi ý nghĩa của nó, đó là được lắng nghe, được đánh giá, được ca ngợi, được hiểu, được khích lệ, được đón nhận với nụ cười, với cái khoác vai, cảm nhận có ai đó âm thầm gần bên. Xét trong ý nghĩa này thì tuổi thiếu niên quả là tuổi đói khát “sự vuốt ve”, nhưng không chỉ để nhận lãnh như tuổi con nít, mà còn để trao ban nữa.
Tôi cảm nhận điều này rất rõ ngang qua kinh nghiệm tiếp xúc với các thanh thiếu niên nam cũng như nữ. Mới năm trước, mấy anh chàng còn rất đơn sơ, ngổ ngáo, thế mà năm nay bỗng dưng “oách” hẳn ra, tỏ ra sành điệu, ga lăng với các bạn nữ, nhất là với cô bé nào đó. Các trẻ nữ cũng thế, tuy vẫn khoác bộ đồ học sinh cấp II, nhưng thế nào trên môi cũng kín đáo tô chút son gió, rồi mắt lúng liếng, thích dựa dẫm, tỏ ra yểu điệu dễ thương với các bạn và với một ai đó.

Nhưng tại sao con tim người thiếu niên lại đập mạnh là thế, hớn hở đến thế, để rồi thoắt một cái, lại rơi vào cơn thất vọng, buồn chán, phản bội? Dễ hiểu thôi, bởi điều này cũng thường xẩy ra đối với mọi sự vật giống như khi ta vừa mới có thể có được một chút vật chất, khi mà mọi sự vẫn còn lộn xộn, chưa rõ ràng.

Trong tuổi thiếu niên, các em sống bằng những xúc cảm, họ giống như đi trên một chiếc bập bênh. Lúc này, họ thấy mình bay bổng trên các ngọn sóng, rất hăng hái, mong muốn làm điều thiện, yêu đời, tử tế với hết mọi người, tôn trọng cha mẹ thầy cô, cố gắng đi tìm những tình bạn thật, sẵn sàng đến với người nghèo, người bệnh, người khuyết tật… ; nhưng không lâu đâu, nơi chính người thiếu niên ấy lại mọc ra những chiếc lông nhím, các em lại chẳng cảm thấy người khác có ý nghĩa gì, chúng không còn tin vào tình bạn, chẳng tin vào tình yêu, bỏ rơi lý tưởng và sáng kiến, xa rời nhóm hay nhập băng nhóm khác. Các em trở thành hoài nghi, rất khó chịu.

Vất vả trong việc làm mình đáng yêu
Đối với các thanh thiếu niên nam hay nữ, việc làm cho mình đẹp, dễ thương và đáng yêu không được dừng lại ở chỉ việc chăm sóc thân xác, mà cần thiết phải vun trồng những tình cảm tốt đẹp nữa. Tuy nhiên, đây không là điều dễ dàng đâu vì trong xã hội người ta chú trọng đến việc làm đẹp thân xác hơn là làm đẹp tâm hồn. Thêm vào đó, chủ nghĩa tiêu thụ với tôn chỉ sản xuất các sản phẩm để rồi dùng và vất đi đã ảnh hưởng mạnh đến lối suy nghĩ và hành xử của các bạn trẻ. Hệ quả đưa đến lối nhìn về tình bạn chẳng qua chỉ là thứ thuốc khử mùi, sự thiện cảm đồng hóa với chiếc quần jean được ưa thích, còn tình yêu được đồng nghĩa với tình dục.

Thứ văn hóa tầm thường này đã gây ảnh hưởng mạnh đối với các thanh thiếu niên là lứa tuổi mà các tình cảm đang độ nở hoa. Những tục tĩu trong phim ảnh, bài hát, thời trang nguy hiểm như sự lạnh lẽo của đông giá đối với những bông hoa đang rực nở. Tuổi thiếu niên nếu “tầm thường và trống rỗng” thì chẳng khác nào một cây bị nguy cơ khô héo trước khi kịp nở hoa.
Trước những dễ vỡ nơi thiếu niên như thế, nhà giáo dục cần lưu tâm ngay đến việc vun trồng nơi các em những tình cảm đúng đắn, tốt đẹp. Chắc chắn ta sẽ hỏi phải làm thế nào!?
Có một nguyên tắc vàng giúp hướng dẫn các thiếu niên trong chuyện này, đó là: “Hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho mình”. Bạn muốn được lắng nghe, đánh giá, khích lệ? Bạn muốn ai đó đang giận bạn nở nụ cười tươi với bạn? Bạn ước ao có ai đó ở bên khi bạn cần, có một ai đó tha thứ cho bạn, đối xử tế nhị với bạn, hiểu bạn? Tốt lắm. Các bạn trẻ cũng hãy làm cho người khác như thế, bắt đầu với chính các phụ huynh các bạn.

Các phụ huynh và gia đình có vai trò gì?
Chính gia đình là nơi có thể xét duyệt cách nghiêm túc nếu em thiếu niên đó còn trong tình trạng đứa trẻ ngủ mê”. Đánh thức một thiếu niên rằng nó không còn là một đứa trẻ để em thay đổi thái độ sống ngay từ trong gia đình không là dễ dàng đâu, bởi vì từ trước đến nay nó chỉ là một đứa trẻ chuyên nhận lãnh, chứ có phải trao ban, trách nhiệm gì đâu!
Trong thực tế, gia đình là nơi mà dễ xảy ra sự hỗn hào, cáu gắt, vô giáo dục nơi thiếu niên là do các bậc cha mẹ đã luôn luôn tha thứ. Cho nên, để có sự chuyển đổi tâm thế, bổn phận của cha mẹ hết sức quan trọng, tức là chuẩn bị cho em bằng việc từ từ vun đắp ngay khi từ nhỏ cách tiệm tiến cho con cái những tình cảm tốt, chứ không đợi đến lúc các em lớn mới dậy dỗ.

Phẩm chất các tình cảm
Một số hướng dẫn để nhà giáo dục giúp các thiếu niên trở nên dễ thương nhờ các tình cảm đẹp.
· Không là tốt đẹp nếu ta chỉ yêu thương người khác vì họ có ích lợi cho chúng ta, nhưng hãy yêu người khác như chính họ là.
· Không bao giờ thương mến đại một ai đó vì tất cả chúng bạn đều có người thương mến. Trong trường hợp này, người được thương mến chẳng qua chỉ là bông hoa điểm xuyết cho ta đẹp mặt thôi.
· Tình cảm chỉ là chính đáng khi nó hoàn toàn vô vụ lợi và nhưng không. Nếu bạn cố nở nụ cười tế nhị với thầy cô để được điểm cao, hay bạn giả ngoan chỉ nhằm được ba mẹ cho đi chơi tối…. thì tất cả những cố gắng này không giúp vun trồng những tình cảm đẹp.
· Tình cảm không là sự thất thường, tùy hứng. Thay đổi người bạn hàng ngày, hàng tháng thì không là thái độ của người trưởng thành, nhưng là thói tùy hứng của con nít, bởi vì trẻ con thì hứng khởi với các đồ chơi mới nhưng chỉ trong vòng nửa tiếng. Bạn bè không là đồ chơi và tình cảm thì lâu bên.
· Tình cảm chính đáng cần có bầu khí cởi mở. Sẽ không tốt nếu tình cảm chỉ luôn đóng kín với hai hay ba người bạn, mà từ chối việc mở ra để hiểu biết và đón nhận những người khác. Tình cảm này làm xơ cứng con tim.

Những tình cảm nhàm chán
Thời gian gần đây, những câu chuyện mà giáo viên chúng tôi thường trao đổi là “botay.com” trước nhiều pha tình cảm của học sinh trên lớp. Điều đáng lo là diễn tả này đang trở thành như phong trào có khi cả trong lứa tuổi cấp II. Hậu quả là có những em trước đây học lực rất khá bỗng rơi tỏm xuống cách thảm hại, còn những em học trung bình hay yếu thì khỏi phải nói.
Thành thật mà nói, khi thiếu niên đến tuổi dậy thì ta khó mà ngăn cản được tâm tình yêu thương nơi các em, vì căn bản nó thuộc tâm lý và bản năng. Nhưng ở đây có chữ “tuy nhiên”. Việc tương tác giới tính có nhiều cấp độ và nó hết sức lôi cuốn, nên cần phải được chuẩn bị với sự kiên nhẫn và khôn ngoan.

Tôi dùng hình ảnh rượu để trình bày về vấn đề này. Một người ngay từ đầu tập uống rượu 40 độ thì chắc rằng sẽ chẳng có khả năng thưởng thức những thứ rượu nhẹ cùng hương vị tinh tế của nó. Họ luôn tìm thứ rượu mạnh hơn và dễ rơi vào nhàm chán. Cho nên, nếu em thiếu niên mới khi vừa lớn đã rơi vào thứ tình cảm của người lớn thì quả là đáng lo ngại, vì em sẽ đóng mắt lại trước tất cả và chỉ nghĩ đến bản thân, đến khoái lạc. Như thế chẳng có thể nói gì đến học hành, tương lai, cha mẹ, người khác…

Tôi vẫn luôn nhớ hình ảnh dễ thương của người anh họ. Đến thăm nhà, tôi thường thấy anh ngồi tâm sự với con trai. Nhất là lúc con trai thố lộ để ý cô bạn gái thì chính anh là người vẽ đường chỉ lối. Vài năm sau, cháu tôi lấy vợ, và cô vợ chính là bạn gái đầu tiên. Từ đây, tôi càng đánh giá sự đồng hành của cha mẹ đối với con cái, cả trong lãnh vực tình cảm. Chỉ có điều, đôi lúc phụ huynh còn ngại hoặc lo sợ rồi cấm cản. Vô hình chung, họ đã làm cho đứa trẻ vẽ lên “vùng cấm địa” để người lớn không thể xâm nhập.

Nhóm bạn cũng giống như một phòng tập luyện cho việc trưởng thành tình cảm

Giống như việc luyện tập thân thể trong phòng tập thể dục, nhóm chính là môi trường tốt nhất để rèn luyện tình cảm cho các thanh thiếu niên.
Trong nhóm, mọi tình cảm đều tìm thấy chỗ để nẩy mầm và tăng trưởng, chẳng hạn khả năng hướng đến người khác, hướng về chính mình, sự thông cảm, lắng nghe, tha thứ, cộng tác, quân bình, biết cho đi và nhận lãnh, sự lịch thiệp, tính cẩn trọng.

Nhóm cũng là thửa đất tốt để củng cố sự trung thành, niềm tin tưởng. Đây là một tình cảm đang bị xuống cấp trong xã hội chúng ta. Để đem lại niềm vui cho nhóm, nhất thiết người thiếu niên cần trung thành trong mọi bổn phận, giữ chữ tín trong lời nói, trung thành trong tình bạn, trong tình yêu.

Kết luận
Vì tình cảm là một vấn đề nhạy cảm và tế nhị trong giai đoạn tuổi thiếu niên, là độ tuổi chưa trưởng thành trong mọi mặt, dễ vỡ và cần sự hướng dẫn. Nên các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục thay vì cấm cản hay bỏ lơ, cần tìm những cơ hội và tạo mối tương quan tốt đẹp để hướng dẫn các em vượt qua chặng đường khó khăn của lứa tuổi này. Trong khi đồng hành, hãy từng bước hướng dẫn các em những cách thức để vun trồng những tình cảm cao thượng. Đồng thời, để đáp ứng cho nhu cầu được “vuốt ve, nâng niu” của các em, nhà giáo dục hãy giúp các em gia nhập vào những nhóm thiện nguyện, nhóm có lý tưởng tốt để nhu cầu ấy không chỉ dừng nhận lãnh, mà được trưởng thành trong những chọn lựa trao ban và sống cho người khác.

Tác giả: (Nhật Tâm)

Visited 16 times, 1 visit(s) today