Đường Từ Tâm Tới Tâm

Tìm hiểu về cuộc đời của cha Thánh Gioan Bosco, tôi khám phá ra rằng một trong những điểm ngài thu hút các thanh thiếu niên, chinh phục được cõi lòng các em, được các em rất mực yêu mến chính là sự chân thành và dịu dàng của ngài.
 
Giuse Brosio, một bạn trẻ được sống gần Don Bosco khi còn nhỏ, sau trở thành cánh tay đắc lực của ngài, em đã kể lại một câu chuyện, một kỷ niệm khó quên giữa em và ngài trong thời gian sống trong Nguyện xá.
 
Một kỷ niệm khó quên với Don Bosco
Một ngày Chúa nhật, sau khi mọi hoạt động tại Nguyện xá đã kết thúc, mọi người ngạc nhiên vì không thấy Don Bosco trong sân chơi với các thanh thiếu niên như mọi lần. Cậu Giuseppe Brosio lo lắng đi tìm và tìm mãi mới thấy ngài đang ở một mình trong phòng với vẻ mặt rất buồn và dường như đang khóc. Cậu khẽ lại gần, rồi nài nỉ xin ngài cho biết lý do. Thương cậu bé, ngài thành thực trả lời rằng một em học sinh của Nguyện xá đã xỉ nhục ngài cách nặng nề. Nhưng điều làm ngài đau khổ hơn hết đó là em học sinh đó đang hư mất.
 
Vì quá quý mến Don Bosco, cậu Brosio nổi giận, phóng ra ngoài đi tìm học sinh hỗn láo kia để cho hắn một bài học đích đáng. Don Bosco giữ cậu lại, ngài nhìn em, bình thản nói:
– Con muốn trừng phạt kẻ đã xúc phạm tới Don Bosco sao? Con có lý, con hãy trả thù kẻ đó cùng với cha, con có đồng ý không?
 
– Có, cậu mạnh mẽ đáp.
Rồi thật dịu dàng, ngài cầm lấy tay em, dẫn vào nhà thờ, mời em cầu nguyện bên cạnh mình. Em đã ở lại đó cầu nguyện lâu giờ với Don Bosco. Bên cạnh một vị thánh với tấm lòng đại lượng, tâm hồn cậu trở nên mềm mại và từ từ nguôi cơn giận dữ.
 
Ra khỏi nhà thờ, Don Bosco nhẹ nhàng nói với cậu:
– Con yêu mến, con thấy không, sự trả thù của người Kitô hữu đó là tha thứ và cầu nguyện cho kẻ xúc phạm.
Lòng chạm lòng
Don Bosco đã bộc lộ cảm xúc và đau khổ của mình trước một cậu bé. Sự chân thực ấy không làm giảm đi uy tín của ngài, trái lại, càng làm cho cậu Brosio kính mến ngài hơn và càng muốn bênh vực ngài.
 
Phần Don Bosco, ngài không bi thảm hóa nỗi khổ tâm của mình. Bằng lời nói và hành động, ngài đã dậy cho cậu một cách ứng xử đầy tình người và đầy đức tin của người Kitô hữu. Sự chân thành, giản dị, dịu dàng phát xuất từ tấm lòng tốt của Don Bosco đã chạm tới tâm hồn cậu bé cách sâu xa.
Trong thực tế giáo dục, trong tương quan với người thụ giáo, nhiều nhà giáo dục thường muốn giữ thể diện, muốn biểu lộ mình như một người hoàn hảo, giàu khả năng, vì như thế mới có uy, mới đạt tới hiệu năng trong việc giáo dục, mới được các em kính nể và vâng lời. Nhưng Don Bosco thì khác, sống giữa thanh thiếu niên, ngài hiện diện như mình là, với cõi lòng, với những gì ngài có và cả những giới hạn của mình chứ không đeo mặt nạ.
Ngài rất tự nhiên, chân thực, tự do để bộc bạch về chính mình và tình thương của ngài mình dành cho các em: “Các con thân mến, các con biết rằng cha yêu mến các con trong Chúa biết chừng nào, chính vì thế cha đã hy sinh tất cả để làm ích cho các con. Với một ít kiến thức, một ít kinh nghiệm học được, tất cả những gì cha là và cha có, cầu nguyện, lao nhọc, sức khỏe và chính sự sống của cha, cha muốn dùng tất cả những điều đó để phục vụ các con”.
Khởi đi từ sự chân thực khi sống với thanh thiếu niên, Don Bosco mời gọi các em: “Tất cả chúng ta hãy nên một lòng một trí, cha sẵn sàng giúp đỡ chúng con trong mọi trường hợp, còn chúng con, hãy thiện chí, thẳng thắn, thành thật với cha, như cha đối với chúng con”.
Người chân thành dễ được người khác đón nhận. Lời nói chân thành dù có vụng về nhưng vẫn có sức thuyết phục. Chân thành, dịu dàng, phát xuất từ tấm lòng tốt là con đường đi từ tâm đến tâm, lòng chạm được lòng.
 
Ngọc Tâm – Fma.
Visited 1 times, 1 visit(s) today