Đừng ngăn cản Trẻ em chơi – Giáo dục theo gương Don Bosco

     Bạn thân mến! Trong một thời điểm nào đó của cuộc sống vội vã này, nếu như có cơ hội nhìn vào chính mình và tự hỏi: ‘Điều gì đã hình thành nên chính tôi trong ngày hôm nay?’ thì có lẽ, các bạn sẽ không ngần ngại nhớ tới những ngày tháng của tuổi thơ – những ngày được vui chơi thỏa thích trên những cánh đồng, những con đường làng…Những ngày tháng vui chơi ấy đã không trôi qua một cách vô nghĩa, nhưng đã từng bước giúp bạn bộc lộ chính mình, xây dựng và hình thành nên tính cách của bạn.

     Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngày hôm nay, khi trưởng thành, bạn có được những phán đoán nhanh nhạy, những phản xạ chân tay lanh lẹ, khéo léo trong các lãnh vực văn thể mỹ, cùng với một khả năng giao tiếp quân bình với bạn bè và đồng nghiệp…Tất cả đều được hình thành và phát triển từ những ngày bạn đang vô tư hòa mình trong những trò chơi dân gian: Trốn tìm, bắn bi, đuổi bắt, thả diều…

     Xác định lại giá trị của những ngày lấm lem chạy nhảy khắp xóm làng, chúng ta mới thấy con cái của chúng ta đang dần bị tước mất những thứ quý giá đáng lẽ phải thuộc về các em. Phần lớn học sinh thời nay, ngay cả trong những ngày hè này, phải đầu tắp mặt tối đi học thêm, thay vì được thả mình vào thế giới diệu kỳ của tuổi thơ. Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh bất lực than phiền: “Không đi học thêm thì không được, lên lớp không hiểu bài, bị lạc lõng so với các bạn khác”. Chúng ta không đi sâu để phân tích lời than phiền quen thuộc này.

     Quay trở lại với mẫu gương của Don Bosco, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, không một điều gì có thể ngăn cản ngài khuyến khích các em được vui chơi. Ranh giới duy nhất giới hạn các em chơi, chính là tội lỗi. Bởi thế, ngài thường lặp lại câu nói độc đáo của thánh Philip Nêri với một vài sửa đổi: “Các con cứ vui chơi, cứ chạy nhảy, cứ vui đùa thỏa thích, miễn là đừng phạm tội.” (Giáo dục theo gương Don Bosco, Carlo Ambrogio, SDB). Do đó, nếu như Don Bosco sống ở thời đại này, chắc chắn ngài sẽ cho rằng, yếu tố ‘thành tích học tập’, ‘không hiểu bài’, không phải là lý do để người lớn đánh cắp tuổi thơ của trẻ nhỏ. Nếu như người lớn tiếp tục viện lý do về ‘thành tích học tập’, thì đó là hình thức tinh vi của một tội ác, tội ăn trộm tuổi thơ.

     Linh mục Carlo Ambrogio, SDB thật chí lý khi viết rằng: “ngăn cản trẻ em chơi là ngăn cản nó sống.” Hơn nữa, những đứa trẻ không được chơi sẽ thu mình vào trong sự cô đơn, bệnh hoạn, tự ti, mất quân bình trong tương quan, trở nên kỳ quặc, khó hiểu so với những đứa trẻ được phát triển toàn diện trên sân chơi. Đến khi bạn nhận ra hậu quả, nhận ra sự bất thường và thua thiệt của con mình so với những bạn bè cùng trang lứa, thì cũng là lúc bạn đang phải vật lộn một cách vô vọng để sửa lỗi của chính mình.

     Vẫn còn đó rất nhiều những điều tích cực và tiêu cực của việc được chơi và không được chơi. Nhưng điều quan trọng chúng ta cần nhìn vào thực trạng của gia đình mình, của chính mình, của con em chúng ta và tự hỏi mình rằng: Chúng ta có dám đánh đổi ‘sĩ diện’, đánh đổi ‘thành tích học tập’, để trả lại cho trẻ em thế giới của các em hay không?

Lm. Augustinô Đỗ Phúc, SDB

 

Visited 163 times, 1 visit(s) today