Đức Thánh Cha đã đến Bangladesh, ca ngợi đất nước đón nhận người Rohingya

(DHAKA, Bangladesh (CNS) – 01.12.2017) – Đức Thánh Cha ca ngợi Chính quyền và người dân đất nước Bangladesh đã tỏ ra rộng lượng khi đón nhận hằng trăm ngàn người Rohingya tỵ nạn đến từ Miến Điện, dẫu nhiều vấn đề bức thiết đặt ra trước khả năng nguồn lực giới hạn của đất nước này.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến Bangladesh vào ngày hôm qua, 30 tháng 11, và đã không tiếc thời gian để đề cập đến việc trốn chạy của những người tỵ nạn vốn là mối quan tâm của ngài trong hơn hai năm qua.

Trong khi phát biểu theo tính ngoại giao tại đất nước Miến Điện về việc bảo vệ quyền của mọi bộ tộc và những nhóm bộ tộc thiểu số, thì tại Bangladesh, Đức Thánh Cha đã đặc biệt quan tâm tới  “làn sóng ngươi tỵ nạn đến từ bang Rakhine” tại Miến Điện. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha không dùng danh từ “Rohingya” để nói về chính những người tỵ nạn này.

Đức Thánh Cha nhận định: “Việc lo lắng nơi ăn chốn ở và những nhu cầu cần thiết cho những người tỵ nạn” đã được thực hiện với không ít hy sinh”.

Ngài nói: Cả thế giới đang nhìn vào đất nước Bangladesh đang đón tiếp những người tỵ nạn, dẫu hiện tình này vẫn còn biết bao khó khăn. Chẳng ai trong chúng ta lại không thể nhận ra tính trầm trọng của vấn đề này mà trong đó biết bao người đang phải chịu sự khốn cực. Những điều kiện sống của nhiều anh chị em của chúng ta, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em, đang phải sống chật chội trong các trại tỵ nạn.

Đức Thánh Cha công khai lên tiếng xin cộng đồng quốc tế hãy giúp đất nước Bangladesh trong việc đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của những người tỵ nạn, nhưng ngài cũng xin đất nước Miến Điện giúp giải quyết khủng hoảng mà khiến các người tỵ nạn phải trốn chạy như thế.

Như tại Miến Điện trong chặng đến đầu tiên của cuộc thăm viếng, Đức Thánh Cha cũng nói tại đất nước Bangladesh về cuộc đối thoại liên tôn, sự tự do tôn giáo và việc cùng chung sống giữa những tín hữu thuộc nhiều tôn giáo khác nhau.

Từ phi trường quốc tế Dhaka, Đức Thánh Cha đã đến thẳng Đài Tưởng niệm các vị Thánh Tử đạo, những người đã chết trong cuộc chiến vào năm 1971 khi Bangladesh tách rời ra khỏi Pakistan. Trong sổ lưu niệm, Đức Thánh Cha viết: “Tưởng nhớ tất cả những người đã hiến dâng mạng sống mình khi đất nước được khai sinh, cầu chúc dân tộc Bangladesh luôn dấn thân làm việc cho công lý và những thiện ích chung”. Trong sổ lưu niệm này, Ở phần “tên”, ngài ghi “Phan-xi-cô”, còn ở dưới chỗ ký tên, ngài viết ‘Giám mục Rô-ma”.

Ngài đã có cuộc tiếp kiến với Tổng thống Bangladesh là Abdul Hamid, sau đó ngài ngỏ lời với Tổng thống, các viên chức chính phủ, các nhà ngoại giao và các vị lãnh đạo của đất nước Bangladesh.

Trong diễn văn chào mừng, Tổng thống Hamid đã nói với Đức Thánh Cha rằng chính phủ của ông đã tiếp đón một triệu người Rohingya tỵ nạn. Nhưng bất hạnh thay, “hàng ngàn người trong số họ, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị giết một cách tàn bạo, hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng bức, hãm hiếp. Họ đã phải chứng kiến nhà cửa của họ bị thiêu rụi thành tro bụi”.

Tổng thống cũng nói về cuộc đối thoại liên tôn và sự hoà hợp các nhóm bộ tộc trong đất nước, mà đa số họ là những người theo Hồi giáo.

Tổng thống thưa với Đức Thánh Cha rằng: “Chúng tôi biết không có tôn giáo nào được miễn chước trước bất cứ hình thức ảo mộng cá nhân hay chủ nghĩa cực đoan”, và hiện tại chính phủ của ông đang nỗ lực làm việc để “xoá bỏ mọi căn rễ của sự khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan”.

Tổng thống Hamid nói rằng người dân Bangladesh có một truyền thống cùng chung sống và tin rằng “tôn giáo thì thuộc quyền của mỗi cá nhân, nhưng các lễ hội thì mang tính đại chúng” và các người thuộc các tôn giáo khác vẫn có thể cử hành những nghi lễ của họ với nhau.

Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời với Tổng thống: “Trong một thế giới mà tôn giáo thường bị lạm dụng để biến thành sự chia rẽ, bất mãn, thì rất cần đến một chứng tá về sự hoà giải và sức mạnh hiệp nhất”.

Đức Thánh Cha phát biểu: “Chỉ qua sự đối thoại chân thành và tôn trọng những sự khác biệt hợp luật mà một dân tộc mới có thể hoà giải được những sự chia rẽ, chiến thắng được những mục tiêu đơn phương và nhận ra được giá trị của những quan điểm khác biệt. Bởi vì sự đối thoại chân thành luôn hướng tới tương lai, xây sự sự hiệp nhất trong sự phục vụ công ích, và quan tâm đến những nhu cầu của mọi người dân, đặc biệt những người nghèo khổ, bị kỳ thị, áp bức và những người thấp cổ bé miệng”.

Văn Chính, SDB chuyển ngữ


Visited 2 times, 1 visit(s) today