(Đài Phát thanh Vatican) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu ngày đầu tiên đầy ắp công việc của ngài ở Miến Điện, vào hôm thứ Ba, với một cuộc gặp gỡ không có trong lịch trình trước đây của ngài, đó là gặp gỡ 17 nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống hiện diện ở Miến Điện, cuộc gặp gỡ này diễn ra tại Tòa Tổng Giám Mục.
Sau cuộc gặp gỡ này, ngài đã ra Sân bay để đi tới thủ đô Nay Pyi Taw, tại đây ngài đã gặp Tổng Thống Htin Kyaw cũng như nhà lãnh đạo Miến Điện – Aung San Suu Kyi trước khi ngài chính thức đọc bài diễn văn trước các nhà lãnh đạo chính quyền quy tụ tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế.
Philippa Hitchen đang có mặt tại Miến Điện và theo dõi sát sao những lời phát biểu của Đức Thánh Cha với các nhà lãnh đạo của đất nước này…
Bên trong trung tâm hội nghị, ngồi đó nơi các khách mời là một sự pha trộn màu sắc đẹp mắt giữa những người trong quân đội với quân phục màu xanh, rồi các Hồng y và Giám mục, các nhà ngoại giao cũng như các chính trị gia trong sắc phục Sarong nhiều màu sắc. Có một hàng của các trẻ em trong sắc phục dân tộc ở gần Đức Thánh Cha và ‘quý Bà’ trên sân khấu. Không ngạc nhiên gì, tại một đất nước vẫn đang phải chiến đấu để vươn lên trong cả nửa thế kỷ dưới sự cai trị độc tài của quân đội, Đức Thánh Cha đã tập trung nói về đối thoại, hòa giải, cũng như tôn trọng nhân quyền.
Tôn trọng tất cả các dân tộc thiểu số
Đức Thánh Cha đã thẳng thắn nói về sự đau khổ dân chúng đang phải chịu, “và tiếp tục phải chịu từ bất đồng dân sự cũng như những sự thù ghét”, ngài không nhắc đến tên các tiểu bang nơi các binh lính chính phủ đang tấn công những nhóm vũ trang độc lập. Ngài nhắc lại nhu cầu phải tôn trọng căn tính của mỗi nhóm sắc tộc, ngài đề cập việc “không được loại trừ”, ngài cũng nhấn mạnh là các xung đột phải được giải quyết “bằng đối thoại, chứ không phải bằng vũ lực.”
Aung San Suu Kye nói về xung đột Rakhine
Trong bài diễn văn trước Đức Thánh Cha, bà Aung San Suu Kyi đã trực tiếp nói về những thách đố tại tiểu bang Rakhine, đây là nơi tập trung những phê phán của cộng đồng quốc tế. Bà nói rằng, chính phủ đang tìm cách giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội, kinh tế cũng như chính trị tại đó, nhấn mạnh đến nhu cầu xây dựng lòng tin và sự cộng tác. Trong số các lãnh đạo Hồi giáo mà Đức Thánh Cha đã gặp trước đó trong cuộc gặp gỡ liên tôn ở Yangon có một thành viên của hội đồng tư vấn của Rakhine, đứng đầu là cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan.
Rất nhiều người trong nước phải tản cư
Không phải chỉ những người Hồi Giáo phải bỏ chạy qua bên kia biên giới phía bắc để vào Bangladesh mới phải chịu đau khổ vì bạo động đàn áp. Trong lần thăm viếng tiểu bang phần lớn là người Công Giáo Kachin, trước khi Đức Thánh Cha tới, tôi đã gặp các gia đình Công Giáo trong một trại tỵ nạn, những người đến từ những làng mạc bị phá hủy và họ đang có thể sống còn là nhờ vào sự cứu trợ của các tổ chức quốc tế. Giáo Hội chăm lo việc giáo dục cũng như các chương trình sức khỏe y tế, nỗ lực cải thiện những điều kiện sống tồi tệ, tại đó tất cả đều đồng ý rằng, sẽ không thể cải thiện được gì nếu không có hòa bình giữa các bên tham chiến.
Chữa lành các vết thương là ưu tiên hàng đầu
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong bài phát biểu đầu tiên của ngài, “chữa trị các vết thương của chiến tranh phải là ưu tiên hàng đầu về chính trị và tinh thần, và các cộng đoàn tôn giáo của đất nước phải có vai trò đóng góp trách nhiệm trong nhiệm vụ khó khăn này.” Trong số 16 giáo phận Công Giáo ở Miến Điện, 15 giáo phận chính yếu là phục vụ cho các dân tộc thiểu số. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội hy vọng rằng, các chính trị gia ghi lòng tạc dạ những lời nói của Đức Thánh Cha để gia tăng các nỗ lực hướng tới dân chủ và quyền công bằng cho tất cả mọi người.
Minh Tuấn SDB chuyển ngữ