Ngày 20.8.1862, mở đầu bài huấn từ tối [1], Don Bosco nói: “Cha đã mơ”. Tất cả học sinh liền lắng tai nghe.
“Hình như cha ở trong nhà anh Giuse của cha với các học sinh. Thình lình một người lạ mặt tới gần, mời cha cùng đi. Cha đi theo tới một đồng cỏ gần sân chơi. Người lạ chỉ cho cha một con rắn dài và lớn đang bò trên cỏ; nó làm người ta phát run vì sợ. Kinh hãi cha lùi lại tìm đường chạy trốn, vì nghĩ rằng nó mà quấn chặt lưng mình, nó sẽ cắn nát mình luôn. Nhưng người lạ trấn an cha: “Đừng sợ, nó sẽ không làm hại được cha đâu”. Sau đó người lạ đi lấy một sợi dây, đưa cho cha và nói: “Xin cha cầm lấy đầu dây này. Con sẽ cầm đầu kia. Chúng ta sẽ giăng sợi dây trên con rắn và đập xuống lưng nó”. Và người lạ lặp lại: “Cha đừng sợ, nó sẽ không làm hại được cha đâu”.
Theo sự chỉ dẫn của người lạ, cha dùng roi dây đánh xuống trên lưng con rắn, con rắn vùng vẫy, ngóc đầu lên để cắn sợi dây, nhưng nó đã bị trói chặt trong cái gút thòng lọng. Người lạ gào to: “Bây giờ xin cha cầm chắc lấy sợi dây”. Rồi, cha buộc con rắn vào giữa gốc cây và con rắn bị siết chặt cứ tiếp tục vùng vẫy và kêu phì phì. Trong khi đó da thịt nó bắn tứ tung dưới những cú đòn; cuối cùng, chỉ còn lại một bộ xương. Sau đó, người lạ tháo sợi dây đem đặt vào trong một cái hộp nhỏ, rồi đóng lại. Các học sinh đứng xung quanh cha. Người lạ mở hộp: sợi dây bỗng đâu đã được cuốn thành hai chữ “AVE MARIA”. Người lạ cắt nghĩa: “Cha thấy không, con rắn tượng trưng cho ma quỉ, sợi dây là biểu tượng của chuỗi Mân côi. Với chuỗi Mân côi người ta có thể đánh bại mọi con rắn của hỏa ngục”.
Trong việc giáo dục trẻ em, Don Bosco luôn đề cao chuỗi Mân côi, vì bốn lý do:
1. Vì chuỗi Mân côi là một bản tóm của Tin mừng. Việc suy gẫm các mầu nhiệm gợi ra trước mắt những sự kiện và lời nói quan trọng của Chúa Giêsu và Mẹ Maria: các mầu nhiệm vui, thương, mừng.
2. Vì chuỗi Mân côi là lời kinh làm đẹp lòng Đức Mẹ rất nhiều. Sau này trong nhiều lần hiện ra ở Lộ-đức và Fatima. Đức Mẹ đều mời gọi các em lần hạt. Chuỗi Mân côi là lời kinh rất đơn sơ, dễ dàng, trong sáng, bình dân. Người ta gọi nó là “sách nguyện của các tín hữu”.
Ở Fatima, Lucia đã hỏi Đức Mẹ:
– Thưa Bà, Bà từ đâu đến?
– Ta từ trời đến.
– Bà từ trời đến à? Thế thì một ngày kia, con có được nhìn thấy Bà ở trên trời không?
– Có, con sẽ thấy. Còn Phaxicô? – Lucia vừa hỏi, vừa chỉ đứa em họ.
Đức Mẹ cười với cô bé, rồi trả lời:
– Nó cũng sẽ được lên trời, nhưng trước hết phải lần hạt Mân côi nhiều.
Lucia còn kể: “Đức Mẹ rất sáng chói, sáng hơn tia mặt trời. Trên tay Mẹ có mang tràng hạt”.
3. Vì chuỗi Mân côi lặp đi lặp lại một số kinh mà không bao giờ gây nhàm chán. Một người mẹ không bao giờ mệt mỏi khi vuốt ve đứa con và nói những lời đầy yêu thương. Sự lặp lại là qui luật của tình yêu. Tình yêu, dù có được biểu lộ lần nào cũng y hệt nhau, thì vẫn không bao giờ đơn điệu. Các học giả nói: “Điều cốt yếu trong ơn gọi làm mẹ là ở bên cạnh con mình cách âu yếm”. “Nếu các con là những đứa con hiếu thảo của Mẹ”. Đức Mẹ nói với các trẻ em trong một giấc mơ được Don Bosco kể lại – “Mẹ sẽ là người Mẹ hay thương xót của các con”. Chúa Giêsu gọi những người thuộc về Ngài là “những người mà cha đã ban cho Con. Họ thuộc về Cha và Cha đã ban họ cho con”. Nhưng từ trên Thập giá, Chúa Giêsu đã ban chúng ta cho Mẹ Ngài: “Thưa Bà, này là con Bà”.
4. Vì chuỗi Mân côi tuôn đổ tình mẫu tử của Đức Mẹ trên người lần hạt. Tình mẫu tử giúp con cái nhỏ bé lớn lên và phát triển. Những người nuôi dạy trẻ ghi nhận được một hiện tượng lạ lùng này: “Những trẻ em thiếu tình thân mẫu, cho dù có được chăm sóc tử tế đến đâu đi nữa, sẽ chậm phát triển, lớn lên kém vui tươi, thiếu xã hội tính và dễ dàng hư hỏng hơn những em lớn lên dưới sự chăm sóc của người mẹ”.
Don Bosco đã trực giác được điều đó. Vì thế Ngài không bao giờ mệt mỏi khuyến khích trẻ em lần hạt Mân côi.
[1] Huấn từ tối: bài nói chuyện cuối ngày trước khi đi ngủ, có mục đích nhắn nhủ, khuyên dạy…
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB