Đâu là cái tâm của nhà giáo dục

Thưa cha kính mến! Hiện nay con là một nữ sinh lớp 12, gia đình con có ba chị em, ba con mất sớm vì tai nạn, mẹ con là giáo viên cấp III . Mẹ con là một người mẹ rất tốt, ngoài thời gian lên lớp giảng dạy, mẹ con cáng đáng hết những công việc trong gia đình, lại hay giúp đỡ những người gặp hoạn nạn khó khăn. Những lúc như thế, con tranh làm công việc trong nhà để đỡ đần cho mẹ, thì mẹ con lại không cho, vì mẹ mong rằng ba chị em con cần có thời gian để học hành thật giỏi, có tương lai là hạnh phúc lớn nhất của mẹ con. Nhưng mỗi lần nhìn thấy mẹ vất vả, nhọc nhằn, con lại thấy buồn vô cùng, vì thấy mẹ con phải làm việc cật lực để nuôi nấng, dạy dỗ chị em con. Vậy đó có phải là “cái tâm” thực sự của người mà con vừa phải gọi là thầy và là mẹ của con không? Cha ơi con phải làm sao đây! Mong cha cho con một lời khuyên.

Trần Thụy Vy (Gò Dưa, Thủ Đức)


Thụy Vy thân mến. Đọc thư con, cha nhận thấy con là một nữ sinh chăm ngoan, biết thông cảm và rất hiếu đễ với cha mẹ. Hơn nữa, cha cũng chúc mừng cho con có một người mẹ tuyệt vời, vì bận bịu với công việc của nhà giáo, nhưng vẫn dành nhiều thời giờ để giáo dục, lo lắng và chăm sóc cho các con, điều này không phải người mẹ nào cũng làm được.

Ở đây, cha cảm nhận được nơi mẹ con một sự hy sinh, tận tụy thật lớn lao, vì một đàng vừa phải lắng nghe những ưu tư của bậc phụ huynh, luôn lo lắng và hết lòng truyền đạt kiến thức cho học trò, một đàng mẹ con vừa phải chu toàn bổn phận của một người mẹ luôn ở bên và chăm sóc các con hàng ngày. Điều đó chứng tỏ mẹ con là một người thầy có cái tâm đạo đức, tấm lòng bao dung, nhân ái độ lượng, vị tha, thương học sinh như thể thương con mình, biểu hiện sự cảm thông, biết chia sẻ với người khác lúc hoạn nạn khó khăn. Là người mẹ toàn tâm toàn ý cho công việc, cho sự nghiệp giáo dục, và biết đầu tư cho con cái đạt được lý tưởng của mình.

Con nên biết rằng, để trở thành người thầy có “cái tâm” thực sự như mẹ con hiện nay, đòi nhà giáo dục phải là hình ảnh của sự liêm khiết trong sạch, là hình ảnh của cây tùng, cây bách luôn đứng thẳng mặc cho phong ba, bão táp. Để có chữ “ tâm”, mỗi người thầy phải trải qua một quá trình rèn luyện kiên định và thường xuyên, phải biết tôn trọng lẽ phải, tránh xa điều trái. Chữ “tâm” của người thầy không chỉ là đơn thuần là tâm huyết với nghề, thương yêu giúp đỡ người học mà còn bao hàm cả cái tâm trong, gương sáng để người học soi vào đó mà học hỏi những điều hay, lẽ phải. Người thầy phải có lòng vị tha, biết thương yêu và quý trọng học sinh của mình, có lối sống lành mạnh để làm gương cho người học noi theo. Điều này thể hiện rõ nét khi thầy-trò tiếp cận nhau trong nhà trường, trên lớp học, ngoài xã hội…, và đặc biệt ngoài những giờ lên lớp, đó là thời gian mà người thầy trở về trong vai trò là người cha, người mẹ để tiếp tục lo lắng, quan tâm, săn sóc và giáo dục con cái của mình nên người.

Trở lại với nỗi buồn của con, cha thiết nghĩ rằng sự học của con đang đứng gần ngưỡng cửa Đại học, nên việc dành nhiều thời gian học tập của năm cuối cấp phải là mục tiêu hàng đầu của con lúc này. Nếu cố gắng học hành chăm chỉ thường xuyên và ý thức được việc học tập là quan trọng, thì ngoài những việc lặt vặt trong nhà mà con có thể làm, việc con thay mặt mẹ chăm sóc cho hai đứa em con, lại là những việc lớn lao mà con đã giúp chia sẻ bớt gánh nặng cho mẹ của con rồi vậy. Mong sao việc thi đậu Đại học của con chính là quà tặng ý nghĩa nhất, là món quà thiêng liêng nhất, sẽ đem lại niềm hạnh phúc lớn nhất cho mẹ con, lại chẳng phải là động lực để con vơi đi nỗi buồn của con hiện nay sao? Cha chúc con luôn vui!

Cha Phêrô

Visited 1 times, 1 visit(s) today