Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm A: Giới Luật Yêu Thương

Trong bộ sách ‘Tự Thuật’ (Confessio), thánh Augustinô đã viết: “Bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis). Văn hào Léon Tolstoi trong một tác phẩm ngắn với tựa đề ‘Con người sống bằng gì’, cũng khẳng quyết rằng, chúng ta sống và tồn tại không phải chỉ bằng cơm bánh, nhưng bằng chính tình yêu. Chúng ta đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần giáo huấn về tình yêu như luật sống căn bản của mọi Kitô hữu, và các bài đọc lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc lại cho chúng ta quy chuẩn quan trọng này. Tuy nhiên đây không phải là một ý niệm trừu tượng hay mơ hồ, nhưng tình yêu chính là yếu tính (essere) căn bản nơi cuộc sống của những học trò Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng đã viết: “Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,16). Vì vậy, phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào quỹ đạo tình yêu, và đây là lề luật chính yếu mà Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần.

Luật yêu thương

Bất cứ đoàn thể nào hay tổ chức xã hội nào cũng có những luật lệ hoặc những quy định để phục vụ cho thiện ích chung của mọi thành viên. Bộ Giáo luật năm 1983 của Giáo hội gồm 1752 điều khoản và ngay trong lời giới thiệu, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hướng dẫn: “Những khoản luật ghi trong bộ sách đã được viết ra nhằm phục vụ thiện ích của các linh hồn, giúp họ sống cuộc sống Kitô hữu một cách hoàn hảo (x. Lời giới thiệu Bộ Giáo luật). Từ xa xưa, Môise cũng soạn thảo những luật lệ để dân Do Thái tuân giữ. Riêng bộ Ngũ thư (sách Torah) cũng đã ghi lại 613 điều khoản gồm 365 luật cấm và 248 điều buộc, không kể những quy định theo truyền thống được viết lại trong sách Talmud. Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã công bố rằng, Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn, bằng cách mặc cho lề luật cũ một chiều kích mới, chiều kích nội tâm hóa. Ngài mời gọi chúng ta thực hành lề luật với một tinh thần mới, chứ không phải giữ luật một cách hình thức hời hợt bên ngoài. Tinh thần nội tâm hóa cũng được Chúa nhắc lại trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài nói đến việc thực hành tình yêu, vì tình yêu là quy chuẩn duy nhất, là khung căn bản cho tất cả mọi khoản luật mà chúng ta tuân giữ. Vì vậy, trước khi đi thụ nạn, Chúa Giêsu đã để lại cho các học trò thân tín di chúc thiêng liêng sau cùng: “Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Tình yêu ấy được hiển thị cách tròn đầy xuyên qua Thập giá, như Chúa đã từng nói: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu”. Một số nhà tu đức cắt nghĩa về tình yêu Thiên Chúa hiển thị nơi Thập giá với hai chiều kích: Hướng thiên  và hướng về tha nhân. Thanh dọc của Thập giá vút thẳng lên trời (verical) như biểu tượng về tình yêu quy về Thiên Chúa. Thanh ngang (horizontal) của Thập giá là hình ảnh của một tình yêu hướng đến tha nhân. Đây là hai chiều kích mà Chúa đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết sức, hết trí khôn, và ngươi cũng phải yêu thương tha nhân như chính mình”.

Những đòi hỏi của tình yêu

Con người ngày hôm nay, đặc biệt các bạn trẻ rất dễ lạm phát ý niệm về tình yêu và sử dụng hạn từ này khá mơ hồ, có khi rất sai lạc. Tình yêu không phải là tình dục. Tình yêu cũng không phải chỉ là những rung động của con tim hay những xao xuyến của cõi lòng. Nhiều bạn trẻ khi bắt đầu có cảm tình với nhau đã sẵn sàng trao thân bất chấp tất cả, và cuối cùng đã phải trả giá đắt cho sự nông nổi của mình. Tình yêu mà Chúa nói hôm nay phát nguyên từ nơi Thiên Chúa, như Thánh Gioan Tông đồ đã định nghĩa ‘Thiên Chúa là tình yêu’. Tình yêu chân chính và đích thực mà chúng ta cần học hỏi và sao chép lại, chính là tình yêu khởi phát từ  trái tim Chúa Giêsu như Ngài đã nói “Anh em hãy yêu thương nhau, ‘như’ thầy đã yêu thương anh em”. Trong chương 10 của Tin Mừng thứ tư, Chúa Giêsu nói đến chân dung của một vị mục tử nhân lành đã thể hiện tình yêu một cách trọn hảo. Người mục tử nhân lành biết các con chiên trong đàn của mình. Người mục tử nhân lành cũng đi tìm kiếm các con chiên lạc, và người mục tử nhân lành thí mạng sống vì đàn chiên. Đây là 3 sắc nét căn bản mà chúng ta cần học hỏi từ nơi tình yêu của Chúa Giêsu để đem ra thực hành. Biết các con chiên không phải là cái biết của tri thức hay của lý luận, nhưng là cái biết của sự hiệp thông, cái biết của việc chia thân sẻ phận và chung hòa cuộc sống. Nói theo thuật ngữ bình dân của Đức Thánh Cha Phanxicô, người mục tử phải ‘có mùi chiên’. Cũng vậy, việc đi tìm kiếm con chiên lạc hàm ngậm một tình yêu tha thứ đến vô tận, một tình yêu để chữa lành chứ không bao giờ kết án hay ‘làm thịt’ các con chiên của mình. Cao điểm của tình yêu chính là việc hiến trao ngay cả mạng sống. Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy nhiều vị thánh đã sống tận căn mầu nhiệm trao ban này, như Cha Thánh Đamiêng đã sống trọn cuộc đời giữa những người cùi ở hòn đảo Molokai hoặc Cha Thánh Maximilien Kolbe đã tình nguyện chấp nhận chết thay cho một anh bạn tù. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mới mở ra một hướng mới trong việc phong thánh, đó là những ai biết chắc chắn mình không thể qua khỏi, đã quảng đại hiến trao những cơ phận nơi thân thể mình để tặng cho người khác. Họ cũng có thể được Giáo hội công nhận là những vị thánh, bởi vì hành động của họ khởi phát từ một tình yêu cách tự nguyện.

Những tội nghịch với đức ái

Theo quan niệm thông thường, người mắc tội là một người đã vi phạm một luật lệ và có đủ chứng cứ để kết tội họ. Vì vậy, trong các phiên tòa xã hội, vẫn thường xảy ra tình trạng một người bị kết án oan sai, hoặc có những người phạm những tội tày đình nhưng không bị kết án do thiếu bằng chứng hoặc do lỗi của các vị thẩm phán. Đối với Thiên Chúa, thì không bao giờ xảy ra như thế. Ngài thấu tỏ mọi sự nơi tâm can từng người. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nói đến căn gốc tội lỗi từ trong cõi lòng chứ không phải chỉ dừng lại trên những hành vi bên ngoài. “Ai giận anh em mình, ai rủa anh em mình thì đáng bị luật phạt, đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt… Ai nhìn phụ nữ mà thèm muốn, thì đã mắc tội ngoại tình ngay trong lòng”. Khi đi xưng tội, nhiều người thực sự chưa biết xét mình, tức là chưa biết nhìn thẳng vào nội tâm để khám phá những điều bẩn thỉu, nghịch với đức ái ngay từ trong tâm hồn của họ. Đi đến nhà thờ một cách chiếu lệ cho xong ván lễ mà không đến để gặp gỡ Thiên Chúa, vẫn chưa phải là chu toàn luật như Chúa nói hôm nay. “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức”. Giận ghét người khác, nói hành nói xấu hay lọc lừa, gian dối để làm hại lẫn nhau, là những tội gián tiếp phạm đến điều răn thứ năm ‘Cấm giết người”, mà chúng ta vẫn thường không để ý tới. Yêu mến tha nhân như chính mình là phải làm sao loại bỏ những thứ tội đó ra khỏi cuộc sống của chúng ta.

Kết luận

Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã viết: “Anh em hãy gớm ghét điều ác, khăng khít với điều lành, mừng vui trong hy vọng, kiên nhẫn lúc gặp gian truân, chuyên cần cầu nguyện, chia sẻ với người túng thiếu. Hãy vui với người vui, khóc với kẻ khóc, cùng nhau tâm đầu ý hợp, đừng quá cao vọng về mình, trái lại hãy biết bỏ mình, chuộng phần kém hơn. Đừng lấy ác báo ác, điều thiện hãy cố quan  tâm”. Đây là toàn cảnh của một bức tranh có tựa đề ‘tình yêu’, tương thích với sứ điệp về tình yêu mà Chúa nói đến hôm nay.

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB


Visited 11 times, 1 visit(s) today