Đại hội di dân Việt Nam tại Nhật Bản – Bàn  về những phương cách hỗ trợ các bạn di dân Việt Nam

(Tokyo, Nhật Bản – 15.03.2018) – Hiện nay có khoảng hơn 200.000 di dân Việt nam đang sinh sống và làm ăn tại Nhật bản, trong đó có rất nhiều người Công giáo. Vào ngày 13/03 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức đại hội di dân Việt nam lần đầu tiên tại Tokyo. Sau đây là một vài ghi nhận:

1- Bước đầu tiên, Giáo hội tại Nhật Bản đã tìm cách tiếp cận các nhóm người Việt để hỗ trợ về vấn đề mục vụ. Trong đại hội lần này, nhiều dòng tu cũng như nhiều nhóm do các giáo phận tổ chức đã lên chia sẻ những kinh nghiệm khi họ gặp gỡ những công nhân Việt Nam đang sinh sống tại đây. Nhiều người trong họ là những nhà hoạt động nhân quyền, nhằm trợ giúp các bạn Việt nam khi họ vừa tới phi trường, để giúp các bạn không bị trục xuất hoặc giúp các bạn công nhân Việt nam hiểu rõ hơn về luật pháp tại Nhật, đặc biệt giúp họ thoát khỏi những âm mưu đen tối của những tổ chức mafia chuyên buôn người. Ở Nhật có băng nhóm khá nổi tiếng tên là ‘Haken Gaisya’, chuyên rủ rê các bạn trẻ đến Nhật để thực hiện những phi vị buôn người. Ngay tại thành phố Hồ chí Minh ở Việt nam cũng có một trung tâm chuyên tiếp nhận những trẻ sơ sinh do các phụ nữ mang thai ngoài ý muốn khi họ đến làm việc tại Nhật Bản. Trong đại hội vừa qua, các bạn công nhân Việt nam đã được nghe nhiều tình tiết về những vấn đề này.

2- Là những anh em Salêdiêng luôn quan tâm đến giới trẻ, chúng tôi cũng tích cực giúp các bạn Việt nam trong những lãnh vực có thể làm được. Ví dụ, chúng tôi đã liên hệ với các giáo xứ, vừa tại Nhật Bản vừa tại Việt nam, để hỗ trợ các bạn trong vấn đề mục vụ. Chúng tôi cũng liên hệ với các đại lý hay các tổ chức doanh nghiệp để các bạn có thể kiếm được việc làm tại Nhật bản. Nhưng hiện nay con số di dân Việt nam ngày càng đông, ước tính khoảng 230.000 người. Nếu tính cả di dân gốc Nepal và Philippines, con số đó lên đến cả triệu người.

3- Hai anh em SDB chúng tôi là Cha Mario Yamanouchi và Cha Takei cũng đã phối hợp với 3 vị khác trong Hiệp hội các Bề Trên Thượng cấp, để thực hiện những dự án nhằm giúp di dân Việt nam.

4- Đại hội trong những ngày qua do Ủy ban di dân và tị nạn trực thuộc Hội đồng Giám mục Nhật Bản đứng ra tổ chức, đứng đầu là Đức Cha Micae Matsuura Goro, Giám mục giáo phận Nagoya. Tham gia Ủy ban này có hơn 40 thành viên, gồm cả người đời và tu sĩ, người Việt cũng như người Nhật. Trong đại hội, còn có sự hiện diện của một số chuyên viên về nhân quyền cũng như các vị luật sư để cùng bàn bạc về những vấn đề nêu trên.

5- Các anh em SDB tại Nhật Bản cũng muốn đóng góp những gì có thể làm được để hỗ trợ các bạn công nhân Việt nam một cách có hiệu quả hơn. Nhiều bạn công nhân Việt nam đã đến làm việc tại Nhật bản, có khi đã 20 năm hoặc 30 năm về trước. Con cái của họ được sinh ra và lớn lên tại đây, và con số các bạn trẻ Việt nam tại Nhật Bản không phải là ít. Nhu cầu trợ giúp họ về vấn đề mục vụ rất lớn. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rất cần thiết phải thiết lập một mạng lưới tương tác giữa các giáo phận và các  dòng tu để trợ giúp họ. Ngoài ra, cũng cần có sự thông tin hỗ tương giữa Giáo hội Nhật bản và Giáo hội  Việt nam.

Sau đây là một số kết luận mà đại hội đã đúc kết :

– Mỗi giáo xứ hay mỗi cộng đoàn tại Giáo hội địa phương cần mở rộng cửa đón tiếp các bạn di dân Công giáo đến từ Việt nam, để họ đến tham dự thánh lễ, đi xưng tội, lãnh nhận các bí tích hay để đáp ứng những nhu cầu khác, ví dụ chăm sóc các bệnh nhân, tổ chức những cuộc lễ theo văn hóa và truyền thống Việt nam.

– Trong các giáo xứ tại Nhật, cần có những sinh hoạt dành riêng cho di dân Việt nam để chúng ta hiểu rõ hoàn cảnh của các bạn nhiều hơn. Cũng cần tổ chức những khóa huấn luyện về đức tin cho họ, bằng tiếng Nhật cũng như bằng tiếng Việt. Có thể liên thông với những tổ chức Công giáo tại Việt nam để hỗ trợ nhau.

– Cần thông tri cho bà con giáo dân tại các giáo xứ Nhật bản biết về hoàn cảnh của các anh chị em công nhân Việt nam. Nên có những tờ bướm tại các giáo xứ để thông tin kèm theo hình ảnh. Người Nhật cũng như người Việt cần biết về những nguy hiểm để đề phòng và khi cần thiết, nên có những chuyên viên trợ giúp (ví dụ luật sư, những nhà tư vấn..).

– Tại giáo phận Tokyo cũng như tại nhiều giáo phận khác, hầu hết đã có một vị đặc trách về di dân và người tị nạn. Trong 16 giáo phận tại Nhật Bản, cũng cần thành lập một đội ngũ gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân để trợ giúp đặc biệt các bạn công nhân di dân Việt Nam.

– Mỗi giáo phận tại Nhật đã thành lập cơ cấu về Ủy ban di dân. Mỗi Giám mục tại Nhật cũng nên xin một Giám mục hay đại diện các dòng tu tại Việt nam mà có tu sĩ tại cả 2 quốc gia, để cùng hỗ trợ nhau trong lãnh vực này. Mạng lưới liên kết giữa các giáo phận và các dòng tu cũng rất quan trọng.

– Nhiều cộng đoàn tu sĩ đã bắt đầu mở cửa đón tiếp các bạn Việt nam đến vào những ngày nghỉ cuối tuần để họ có nơi cầu nguyện, gặp gỡ nhau và còn có thể qua đêm tại đó. Sáng hôm sau, các bạn có thể tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Nhờ thế nhiều bạn trẻ công nhân Việt nam có thể tìm hiểu ơn gọi ngay tại đất nước Nhật Bản. Nên nhân rộng ra mô hình này.

Bài viết của Cha Giám tỉnh Mario Yamanouchi, SDB
Văn Hào, SDB chuyển ngữ


Visited 7 times, 1 visit(s) today