CUỘC SỐNG – DÒNG THỜI GIAN VÀ NHỮNG KHÁC BIỆT CÓ SỨC TÁC ĐỘNG

Đối với người Công Giáo, tháng 11 được gọi là Tháng Các Đẳng. Bước vào tháng này, từ những ngày đầu tháng, cái cảnh sương khói mờ nhân ảnh nơi các nghĩa trang khiến cho nhiều người không khỏi trầm ngâm khi nghĩ về số phận con người. Thực vậy, cái chết của những người khác luôn âm vang trong lòng con người về chung cục “chắc chắn phải chết” xảy ra trong mỗi cuộc đời nhân sinh, nó bắt chúng ta lại phải suy nghĩ về chặng đường mình vừa đi qua.

Với tôi, khi suy nghĩ về đích đến của cuộc nhân sinh trong cảnh thế thái nhân tình nhiều đổi thay, chợt thấy lòng mình đang ở đâu đó, cảm thấy mình mất hút giữa không gian vũ trụ bao la này. Tự nhiên, trong tâm trí vang lên lời Thánh vịnh 8 : Ôi lạy Chúa, phàm nhân là gì mà Chúa cần biết đến; con người là chi mà Chúa phải bận tâm? Lời Thánh vịnh ấy thôi thúc tôi viết mấy dòng tản mạn này.

Kể ra ta cũng nên đi tìm lý do vì sao Tạo hoá lại bận tâm vì con người. Có lẽ Thiên Chúa muốn con người làm được một điều gì đó cho cuộc đời họ, thực hiện một cuộc hành trình mà ta vẫn quen gọi là “ơn gọi làm người”. Thực tế mà nói, ta chẳng giống ai. Ta nhỏ bé quá! Ta ôm ấp những ước mơ lớn trong những giới hạn của mình suốt cả cuộc đời. Ai may mắn thì thực hiện được ước mơ, ai hẩm hiu thì làm được vài điều nho nhỏ hoặc chẳng làm được gì. Rồi thử thách, rồi thất bại, rồi làm đi làm lại một công việc… Hình như vì thế mà một vài người, dù tuổi đời còn rất trẻ, đã bắt đầu có suy nghĩ “chán đời” và nói với tôi rằng đời chẳng đáng sống. Nhiều người khác, kỳ lạ thay, dù đã bắt đầu bước vào giai đoạn “thất thập cổ lai hy”, họ vẫn tiếp tục sống trong sự hào hùng của khúc tráng ca ngân dài từ thời thanh xuân. Hình như đối với những người đó, giông gió cuộc đời không làm họ mệt nhọc, nhưng càng giúp họ tôi luyện ý chí mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn; và với những người như thế, nếu chỉ còn một ngày để sống, họ vẫn có thể tiếp tục làm một việc gì đó có ích cho đời.

Dù sao đi nữa, đứng trước một thế giới đồ sộ, bề bộn với những công trình thế kỷ và sự kiêu hãnh của sức mạnh nhiều chủng loại nơi con người thời đại: tri thức, tiền bạc, kỹ thuật, một thế giới to lớn giống như tướng Goliath khổng lồ đứng trước cậu bé chăn cừu David nhỏ bé, ai trong chúng ta cảm thấy mình đủ sức mạnh để cầm cự, chiến đấu và chiến thắng? Vậy mà mọi sự bất ngờ có thể xảy ra. Nhiều người đã chiến thắng khó khăn, hay có khả năng chiến thắng nghịch cảnh, và điều đó không phải là phép lạ từ trời rơi xuống, nhưng nằm trong tầm tay con người. Theo như suy tư của tác giả John C. Maxwell trong một cuốn sách nói về thuật lãnh đạo, đó là những khác biệt có sức tác động và làm thay đổi tình trạng khó khăn. Từ câu chuyện về trận chiến giữa Goliath và David, chúng ta có thể học biết những điều đã giúp David chiến thắng.

Trong khi đội quân của Israel nhìn thấy gã khổng lồ Goliath, họ bắt đầu run sợ trước kẻ thù, sợ đến mức bỏ chạy. David, trái lại, đã đối diện với thực tế trước mắt. Điều khác biệt làm nên chiến thắng của David hệ tại ở chỗ sự đánh giá thực tế của cậu khác với sự đánh giá của mọi người: Cậu đối diện với khó khăn lớn là Goliath nhưng không xem đó là trở ngại mà là cơ hội để làm một việc lớn. Thái độ của David vì vậy cũng khác biệt: cậu không xem cuộc chiến đấu với Goliath là khó khăn phải vượt qua nhưng là mục tiêu lớn, một chiến thắng có ý nghĩa mà cậu không thể bỏ qua hay để vụt mất.

Cách thức giải quyết vấn đề của David cũng khác mọi người: Cậu quyết định dùng thứ vũ khí, phương tiện chiến đấu mà mình có trong tay, quen sử dụng và biết nó mang lại hiệu quả.

Niềm tin của David khác biệt với người khác: Cậu nghe thấy sự kiêu căng hợm hĩnh của Goliath và biết đó là hành vi chống lại Thiên Chúa, coi khinh người khác, và cậu cũng hiểu rằng điều đó là căn nguyên của nhiều sự thất bại nơi con người.

Với niềm tin, mục tiêu hành động của David cũng khác với mọi người: Cậu muốn cho cả thế giới biết đến Đấng là Thiên Chúa quyền năng, chính Ngài là chỗ dựa vững chắc và là sức mạnh nơi cậu, chứ không phải là danh tiếng hay tài năng của cậu.

Đối diện với thực tế, David còn mang theo trong mình những kinh nghiệm sống khác với mọi người. Đó là những kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng mà cậu đã có được trước đó, khi phải đối diện với một con sư tử và một con gấu, chứ không phải kinh nghiệm của những chuỗi ngày tê liệt thần kinh vì sợ hãi.

Xem ra chúng ta, bạn và tôi, thật nhỏ bé trong thế giới này. Nhiều khi, ta tưởng như mình bị “nghẹt thở” trước một thế giới rộng lớn và đầy thử thách như David đứng trước Goliath. Hoàn cảnh thực tế có thể chẳng ai giống ai, nhưng ai cũng có đủ các tố chất như cậu bé chăn cừu nhỏ bé kia, mang trong mình tiềm lực của những sự khác biệt có sức tác động.

Tuy vậy, để có thể chiến thắng thế giới phức tạp, chiến thắng sự lo âu, sợ hãi của chính mình, tôi có cảm tưởng rằng chúng ta luôn cần một khoé nhìn tích cực để sống: Hãy xem thực tế cuộc sống như là cơ hội để làm người. Ngoài ra, ta không thể không quan tâm đến việc trang bị một kỹ năng sống, một chỗ dựa niềm tin để làm nền tảng xây dựng các mục tiêu sống và hành động lâu bền và có ý nghĩa sâu xa hơn. Những gì chóng qua của mấy mươi năm cuộc đời sẽ còn lại trong dấu ấn vĩnh cửu của các giá trị ấy.

Bài viết: Lê An Phong, SDB


Visited 1 times, 1 visit(s) today