Đâu là vùng đất bình yên?

Tôi yêu những cuộc trò chuyện với người lạ.

Trên đường di chuyển từ chợ Đà Lạt đến Làng Đất Sét, tôi nghe bác tài kể về cuộc nhân duyên kỳ lạ của mình. Bác người Huế, vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 15 tuổi. Được 2 năm, bác cảm thấy chốn phồn hoa đô hội này chẳng hợp với mình. Mở mắt là ra phải nghĩ ngay đến việc làm gì để có tiền. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn… mới nghĩ thôi đã phát ốm lên rồi. Đang lúc buồn chán, một người bạn rủ bác làm một chuyến chở khách lên Đà Lạt. Bác đồng ý ngay. Hai ngày một đêm, đó là khoảng thời gian đầu tiên bác ở Đà Lạt. Về lại Sài Gòn, bác cứ ngẩn ngơ tiếc về miền đất ấy, và chỉ trong vòng một tuần, bác từ bỏ tất cả ở Sài Gòn, khăn gói lên Đà Lạt. Túc tắc vậy mà đã 25 năm trôi qua, giờ bác có nhà Đà Lạt, có vợ con Đà Lạt, có công việc ổn định ở Đà Lạt. “Vậy thôi con, bác chẳng ham bon chen, bình yên là được. Bác chẳng bao giờ muốn vợ con bác tỉnh dậy với một mớ lo toan trong đầu đâu, bác trải qua rồi, ngán lắm!”.

……

Thường thì tôi hay dành một buổi để ngồi ở ThongDalat.space. Anh chủ là một người yêu café, yêu trà. Lăn lộn ở Sài Gòn 10 năm với công việc kinh doanh, lương tháng 15 triệu, anh trở về Đà Lạt. “10 năm cũng đủ rồi em, về thôi”. Anh bảo thế. Anh về, mở quán café và trà nho nhỏ, kết hợp với cô bạn thân yêu cỏ cây hoa lá thành một không gian độc đáo mà bất cứ ai đến rồi cũng sẽ quyến luyến chẳng muốn rời. Mỗi ngày quanh quẩn với khách khứa, với café, với trà, với cây cỏ, chẳng ai bảo đó là tuổi trẻ của anh là nhàm chán cả, đơn giản chỉ là cách sống, cách lựa chọn phong cách sống của anh.

……

Ngồi ăn tàu hũ nóng ở chợ đêm, cạnh bên là một cô xinh xinh bán hàng len móc tay, thấy tôi tò mò về đủ các thể loại đồ đan móc đó, cô bán tàu hũ bảo “Nhà cô ấy hay lắm con ạ, hai vợ chồng cưới nhau 5 năm rồi đó, chồng cô ấy là  nhạc công đấy, ban ngày hai vợ chồng ở nhà, vợ đan móc, chồng chơi đàn, ban đêm thì anh chồng đi đàn ở mấy quán café, chủ nhật thì đàn ở nhà thờ, còn cô vợ đi bán đồ len. Nghệ sĩ phết, ai cũng thấy hay hay”. Tôi chợt nghĩ “Ồ, ở cái thành phố nhỏ xinh hay hay này, có nhiều câu chuyện hay hay quá, mà chốt lại, ai cũng muốn an yên, muốn tìm cho mình một nơi chốn chẳng vướng bận đến cuộc sống bên ngoài”.

……

Ngày thứ 4 ở Sài Gòn, anh gọi cho tôi.

– Tìm hộ anh quán nào mang đậm dấu ấn Hà Nội xem…

– Anh ra Cộng đi. Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc Bùi Viện ấy.

– Đến hết rồi cô ơi! Cộng đây là Cộng của Sài Gòn, chẳng thể nào giống Hà Nội được.

– Khó tính quá cơ! Em chịu….

Rồi sau đó, tôi lại nghe anh kể về Hà Nội. Chỉ là để vơi nỗi nhớ về thủ đô.

Lần ra Hà Nội, anh chỉ cho tôi xem cái chốn thân thuộc của anh. Sau vài vòng trên phố Đinh Lễ mua hàng tá sách, anh dẫn tôi lên Đinh. Đi hết mấy bậc cầu thang, lên một gian nho nhỏ, những cái ghế con con san sát nhau, may mắn thì được ngồi cạnh cửa sổ hướng thẳng ra Tháp Rùa. Anh bảo, chỗ này hay lắm. Anh gọi hai ly nâu. Xong im lặng, lắng nghe nhạc Pháp phát ra từ dàn loa cổ. Anh bảo, anh ghét Sài Gòn vì nó hỗn tạp quá, anh chẳng hợp. Anh thích cuộc sống của anh ở Hà Nội. Ngày đi làm, chiều về tạt qua đây một chút, tối về ăn cơm mẹ nấu, với anh vậy là ổn. Công việc thì vẫn phải thăng tiến đấy, nhưng mà chẳng có nơi chốn cho mình đi về, chẳng có nơi tạo cho mình cảm giác bình yên thì thật là kinh khủng. Thế nên, dù đi đâu, anh vẫn về lại nơi đây. “Tuổi trẻ của mình thật ngộ, em nhỉ?”. Anh chốt hạ bằng một giọng cười xòa, rồi lại chìm vào âm nhạc.

……

  • Ước gì cô còn được làm thêm vài năm nữa, thiệt tình là hổng muốn xa công ty chút nào. Từng mái nhà, nóc cột, và cả những năm tháng đồng hàng cùng anh Hai chị Hai (cô và chú giám đốc công ty) khắc sâu trong tâm trí quá rồi, làm sao mà rời cho được”.
  • Chủ nhật, cứ lo việc gia đình xong lại bần thần nhớ tới công ty, nhiều khi chú chỉ muốn mau mau qua ngày thứ hai để lại xách xe đi làm…
  • Nghỉ hưu rồi đó chớ, nhưng mà mỗi lần đi ngang qua Minh Long, bác đều phải dừng lại, ngắm nhìn thiệt lâu cái tòa nhà đó, chỉ là để gặm nhấm lại một chút ký ức về những năm tháng làm việc ở nơi đây.
  • Em vô đây được ba tháng rồi á, chẳng muốn xin việc ở chỗ khác nữa đâu, ở đây cả đời cũng được.
  • Hồi đó đi coi bói, thầy bói nói cái nghiệp của cô là làm gốm sứ, cô cười. Mới 17 tuổi mà ổng phán vậy, trật lất là cái chắc. Năm tuổi, xưởng Tân Khánh bị giải tỏa, cô đi làm nhân viên thuế bên Đồng Nai. Được 2 năm, anh Hai mở lại xưởng ngoài này, kêu cô về làm lại. Không hiểu sao cô cũng về, rồi về tới giờ luôn, cũng 43 năm rồi á…

Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của chú Minh khi nghe các nhân viên tâm sự như thế. Đáp lại tấm chân tình đó là một câu nói nhẹ nhàng “Người ta hay hát “60 năm cuộc đời”, còn chú năm nay đã gần 70 rồi, mà không nỡ nghỉ. Cái niềm vui của chú là hằng ngày tới xưởng, thấy mọi người tất bật làm việc, thấy lớp trẻ hào hứng sáng tạo, thấy những đồng sự sát cánh cùng mình từ những ngày đầu tiên đang tư lự cho những dự định tương lai. Không nghỉ được cháu à. An yên là bên cạnh những người mình thương mến, chứ an yên một mình thì ích kỷ quá, với chú là vậy đó, nên thôi cứ ‘hát”, 70, 80, 100, còn hát được cứ hát, quên đi cái vụ 60 năm kia đi ha”.

……

Tôi hay nghe mọi người nói những điều “đao to búa lớn”: mình phải mua nhà thành phố, mình phải có vợ đẹp, mình phải có công việc ổn định, lương cao, mình phải thế này, mình phải thế kia… Nhưng, chẳng phân biệt giàu-nghèo, sau tất cả những từ “phải” đó, luôn là một khát khao cháy bỏng: được hạnh phúc bên người mình yêu thương, được an yên giữa những bộn bề cuộc sống. Tôi cũng nghe nhiều câu chuyện mang màu sắc tiếc nuối khi quá chăm chút cho những thứ phù phiếm xa hoa, để rồi cô đơn lạc lõng. Chọn cách sống và phong cách sống, với mỗi người đều quan trọng như nhau, và mục đích cuối cùng cũng như nhau.

Chẳng hạn như tôi, tôi chỉ ước sao mình mở một quán café sách, ngày ngày pha café cho khách, đọc sách, viết lách, hàn huyên với cha mẹ, thi thoảng đi đây đó nghe mọi người kể chuyện. Vậy thôi!

Tuỳ Phong


Visited 1 times, 1 visit(s) today