CHỨNG TÁ TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY

       Chúng tôi vừa kết thúc đợt công tác ở tỉnh Lâm Đồng. Nơi chúng tôi đến là khu vực giáo xứ Phát Chi, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt tầm 45 phút đi xe máy. Một xứ đạo nhỏ, yên bình, hiền hòa và cách sống của những giáo dân nơi đây thực sự khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại về cách mà người ta sống đạo trong nhịp sống hối hả bon chen nơi phố thị mà chúng tôi thường đối mặt.

       Sau ngày làm việc đầu tiên, hàng xóm nơi nhà chúng tôi tập kết và mượn địa điểm quay phim đã quen với việc có một đoàn 70 người đang làm một cái việc gọi là “sáng tạo nghệ thuật” ở vùng xa xôi hẻo lánh này. Đến ngày thứ hai, vì một ý tưởng bộc phát, anh đạo diễn hỏi chúng tôi rằng liệu các em có thể kiếm giúp anh một mặt dây chuyền thánh giá bằng bạc/inox nhỏ được không? Vì nhân vật của mình theo đạo, và thường xuyên cầu nguyện, nên ngoài việc cô ấy có tràng hạt, thì anh muốn cô ấy đeo một sợi dây chuyền có mặt thánh giá nữa. Thế là chúng tôi bủa đi tìm. Vì khu vực ấy không gần chợ, không siêu thị, không nhà sách lớn, nên việc đi tìm khá khó khăn. Tôi có chạy vào nhà các giáo lý viên hỏi, thì được biết rằng nhà thờ vừa mới phát hết mặt dây thánh giá và chuỗi tràng hạt cho các em thiếu nhi rồi, nhà thờ nhỏ mà, các nhu yếu phẩm cũng hạn chế. Thế là tôi đánh liều đi hỏi ở xung quanh. Một cô chủ cửa hàng tạp hóa bảo rằng chờ chút, rồi cô đi vào nhà, sau một hồi trở ra, cô bảo mấy cháu của cô cũng lấy đeo hết và không có ai ở nhà để mượn. Rồi cô giơ ra sợi dây chuyền vàng cô đang đeo trước ngực, có mặt thánh giá bằng vàng nạm đá, cô bảo “Con hỏi đạo diễn xem dùng mặt thánh giá như vầy được không, cô tháo ra cho mượn, khi nào quay xong thì trả lại cô, không sao hết”. Quả thực là tôi sững người. Cô hoàn toàn không biết chúng tôi là ai, cô chỉ biết mơ hồ rằng có đoàn phim đến đây quay, còn chẳng biết là lâu mau nữa, nhưng lại tin tưởng tuyệt đối mà cho tôi mượn một vật quý giá đến vậy. Tôi từ chối vì quả thực nó không hợp cho nhân vật của phim. Những lần sau đó, cô lại hay giúp đỡ chúng tôi bằng cách này hay cách khác. Tôi hỏi xin cô giẻ/ quần áo cũ hay bất cứ thứ gì bằng vải để để bên âm thanh lót đường nước, hạn chế tiếng mưa, cô bảo rằng nhà cô không có, vì quần áo cũ đã đem cho hết rồi. Vậy mà lát sau khi tôi trở ra để mua ít áo mưa cho đoàn, cô đưa cho tôi túi vải, và tin nổi không, đó là nguyên cái rèm cửa to đùng và bảo “Con đem về cho đoàn dùng tạm nhé, cô tìm được mỗi cái này”. Tôi lại lăn tăn áy náy, không biết cô làm cách nào mà có được tấm rèm đó đưa cho mình, chỉ hy vọng là không phải tháo ở nhà rồi đem cho đoàn phim sử dụng. Rồi thì cô giảm giá áo mưa, cô cho thêm vài cái bánh, vài cây kẹo khi biết hôm đó đoàn quay có các em nhỏ, “cho chúng nó ăn cho vui, đỡ quậy, tụi con làm việc cũng dễ” – cô đều bảo vậy khi tôi muốn trả phí cho những phần lặt vặt đó.

       Mấy hôm sau, vì bối cảnh chúng tôi cần là trường mẫu giáo, để đỡ công di chuyển, chúng tôi quyết định dựng một lớp trẻ ngay tại nhà tập kết. Tôi được bên thiết kế nhờ hỗ trợ mượn những ghế nhựa mà các nhà trẻ hay dùng để bối cảnh thêm phần chân thực. Lân la một hồi, tôi biết được gần đó có một lớp trẻ tư nhân. Đánh bạo tới gõ cửa xin mượn ghế, cô giữ trẻ tươi cười hồn nhiên “Con cần bao nhiêu ghế, cô lấy cho”, rồi thấy tôi có một mình, cô lại hì hụi đi kiếm dây chằng, băng keo, chất lên xe rồi ràng lại chắc chắc và cẩn thận, xong xuôi đâu đó mới cho tôi chạy về. Hôm sau đó nữa, tôi lại mượn, cô vẫn cần mẫn lấy ghế ra, ràng buộc đâu vào đó cho tôi, còn bảo rằng đi tới đi lui mắc công, con cứ sử dụng đi khi nào xong thì trả lại cô cũng được, nhà cũng không thiếu đâu, các em có dư ghế ngồi mà.

       Địa điểm chúng tôi tập kết xa xôi hẻo lánh, tôi lo ngay ngáy vì hôm đó là sinh nhật anh quay phim trong đoàn, mà mãi tận gần tối mà tôi vẫn chưa thể mua được cái bánh kem, mà đi lên phố thì cả đi cả về mất hơn 1 tiếng, chưa kể đường đèo và sương mù. May sao, cô chủ nhà chúng tôi đang tập kết đoàn bảo rằng có một chị hay làm bánh kem để bán, tuy nhiên phải đặt trước, nhưng cứ thử xem sao. Cô dẫn tôi tới nhà chị, lúc đó đã 6h tối, nhà chị đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Tôi trình bày lý do, nghe xong chị bảo: “Trong thời gian khá gấp như vầy, chị làm cho em một cái bánh nhỏ thôi được không?”. Tôi mừng rối rít, miễn sao có được một cái bánh kem để kịp cho bữa tối của đoàn, mọi người cùng ăn tối và thổi nến chúc mừng sinh nhật anh ấy là được. Chị gác lại mọi chuyện, hẹn tôi 1 tiếng sau quay lại lấy. Trong thâm tâm của tôi, lúc ấy, với hoàn cảnh ấy, một cái bánh nhỏ theo ý chị nói, tôi mường tượng rằng kích cỡ bằng cái chén ăn cơm đã là một niềm vui với chúng tôi rồi. Vậy mà, khi quay lại lấy, trước mắt tôi là một cái bánh kem cỡ 25, được trang trí tông màu biển đẹp mắt, còn được kèm theo 1 chai rượu nhỏ trang trí nữa. Thực sự, tôi xúc động vô cùng, khi nhìn bàn cơm trong nhà vẫn còn chưa ai đụng đũa, còn chị và bé con chị thì vẫn đang tất bật hoàn thành nốt cái bánh kem mà tôi gọi là “thần thánh” cho thật đẹp, thật lộng lẫy để đoàn phim có được một kỷ niệm khó quên. Chưa hết, vào ngày quay cuối cùng, chị nghe phong thanh đâu đó rằng chúng tôi sẽ về ngay chứ không có thời gian ở lại, chị lại cấp tốc làm và nhờ bé con đem ra đoàn tặng đoàn một cái bánh bông lan trứng muối. Khỏi phải nói, đoàn chúng tôi ngỡ ngàng đến cỡ nào.

       10 ngày trôi qua lặng lẽ có, nhặng xị có, ồn ã có… ở nơi Phát Chi ấy. Ngày cuối, khi chỉ còn mấy tiếng nữa là kết thúc cảnh quay, cả đoàn về lại Sài Gòn, thì cũng là lúc mọi người trong khu xóm, cách này hay cách khác, bằng một cử chỉ và ý tứ rất nhẹ nhàng, gửi lời chào tạm biệt chúng tôi: có người cho hồng, có người cho cà chua, người này tới bâng quơ rằng nhanh quá, mới đó đoàn phim về rồi, khu này lại trở về yên ắng như cũ, người nọ tặc lưỡi rằng phải chi đoàn ở lâu thêm chút, bơ nhà sắp ăn được rồi, gửi tặng đoàn. Cô bán tạp hóa, cô giữ trẻ, chị làm bánh… cũng nhẹ nhàng rằng rồi không biết bao giờ mới có đoàn phim đến nữa. Vì thấy quả thật là hơi phiền đó, nhưng lại thấy rất vui, vì được giúp đỡ đoàn phim, giúp đỡ những người dưng nước lạ từ nơi khác đến và làm việc tại nơi này trong thời gian ngắn ngủi.

       Trước khi về, tôi gọi điện cho Cha xứ, xin Cha trong lễ Chúa Nhật tới, gửi lời cảm ơn và xin lễ cầu bình an cho giáo khu Phát Chi này. Thực tâm mà nói, theo cảm nhận của tôi, cái mà đoàn phim chúng tôi quý những giáo dân nơi đây, không phải vì những món đồ, cái bánh… mà mọi người gửi tặng. Cái chúng tôi quý, là sự chân thành, tin tưởng của mọi người. Chúng tôi là ai? Chẳng ai nơi đây biết cả, một cái tên không biết, một cái địa chỉ cũng không biết, thậm chí chúng tôi có đi về trong đêm không hoàn trả lại những gì đã mượn, cũng sẽ chẳng ai biết phương hướng mà tìm. Vậy mà, bằng một niềm tin nào đó, người dân tin tưởng chúng tôi, yêu thương chúng tôi hết mực, giúp đỡ chúng tôi hết sức và hết khả năng của mình (nửa đêm tôi gõ cửa xin trứng hay mua đồ, vẫn cặm cụi mở cho chúng tôi cơ mà!).

       Tôi có hỏi thử cô bán tạp hóa, cô không sợ sao, tụi con mượn đồ rồi đi luôn chẳng hạn. Cô bảo, ôi, gì đâu con, Chúa biết cả! Mình ở xứ đạo mà, ngay cạnh nhà thờ nữa. Với lại, mình tin tưởng người ta, người ta mới tin mình, mới thấy rằng mình là con của Chúa một cách đúng nghĩa. Quả thật, lúc ấy, tôi mới để ý rằng, ở đây không hề khoa trương trong việc đi nhà thờ. Họ âm thầm, lặng lẽ, với những lễ ngày thường, có khi lễ bắt đầu lúc nào, tan lúc nào, chúng tôi chẳng hề hay biết, để ý lắm mới thấy người này rủ người kia cùng đi lễ, vậy thôi. Nhưng, khi cần sự giúp đỡ, ai cũng sẵn lòng, hoặc thi thoảng lại có người chạy tới hỏi chúng tôi cần gì không chỉ cho, như chợ gần nhất đi đường nào, cây xăng ở đâu, chỗ nào bán đồ mà chúng tôi cần kiếm.

       “Chứng tá” – với nhiều người, nó phải là một cái gì đó lớn lao, vĩ đại: phải đi nhà thờ hằng ngày, đọc kinh cầu nguyện hằng đêm hằng sáng, hay phải thường xuyên đi từ thiện, đi tham gia các hoạt động rình rang…để cho người đời thấy rằng ta là con nhà Chúa và ta đang làm những việc để mang Chúa đến cho người khác. Nhưng qua chuyến đi vừa rồi, với tôi, nó lại thật gần gũi và giản đơn. Không đao to búa lớn, không khoa trương hoành tráng, nhưng, với những hành động nhỏ bé mà chúng tôi nhận được, những người không phải đạo Công giáo trong đoàn chúng tôi cũng gật gù rằng, tới xứ đạo sướng thật, sướng vì được hiểu, được cảm thông, được giúp đỡ, được tạo điều kiện thuận lợi, không ai vụ lợi, không ai đòi hỏi rằng đoàn phải cảm ơn, phải ghi nhớ tên của họ trong phần tri ân to đùng trên màn ảnh rộng phát ra cho cả nước hay cả thế giới kia. Chưa kể, thật tình mà nói, chúng tôi hơi vô tâm khi còn chẳng biết tên ai, và mọi người với chúng tôi, đều xưng nhau bằng cô – con, chú – cháu, chị – em chung chung hết như vậy đấy!

       Đó, chứng tá cho Chúa, đơn giản và hữu hiệu nhất là được biểu hiện cụ thể trong những công việc nhỏ bé hằng ngày như vậy đó, để người ngoài nhìn vào, thấy rằng, những người với đức hy sinh, bác ái đó là con của Chúa, chứ không cần phải vỗ ngực kêu to rằng “Tôi là chứng tá cho Chúa đây” mà lại chẳng thấy một hành động thiết thực nào, dù là bé xíu xiu!

Bài viết: Ban Truyền thông Sdb

Visited 34 times, 1 visit(s) today