Chúa Nhật 5 Thường Niên Năm B: Làm việc cho Nước Trời

Thánh Angustinô đã viết: “Điều linh thánh nhất trong mọi điều linh thánh là làm việc để phục vụ thiện ích các linh hồn (Divinissimum divinorum est opere ad lucrum animarum). Thánh Biển đức cũng truyền đạt lại cho các con cái linh đạo của Ngài qua câu châm ngôn ‘Làm việc và cầu nguyện’ (Orare et Laborare). Làm việc có một giá trị thật cao cả, nếu chúng ta biết quy hướng về Thiên Chúa và nhắm đến phần rỗi. Vì vậy, cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta phải được đan dệt bằng những phút giây cầu nguyện kết hợp thâm sâu với Chúa, hòa quyện với những công việc đa đoan hằng ngày. Lời Chúa hôm nay nêu bật hình mẫu nơi Chúa Giêsu về tinh thần làm việc để phục vụ cho vương quốc nước trời cùng với chiều sâu trong việc đắm mình để cầu nguyện. Một ngày sống của Chúa được dàn trải bằng những giây phút rút vào nơi thanh vắng để kết hiệp mật thiết với Chúa Cha kèm theo sứ vụ đi giảng dạy và chữa lành các bệnh nhân. Nói chung, Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về một cuộc sống luôn dấn thân để làm việc cho Vương quốc Nước Trời.

Giá trị của lao động

Lao động để sinh nhai là một thực tại gắn liền với kiếp người. Không ai phủ nhận giá trị của lao động, của biết bao mồ hôi và nước mắt, biết bao bươn chải và nhọc nhằn để có cơm ăn áo mặc cũng như để giải quyết những nhu cầu trong cuộc sống. Ngày xưa thánh Phaolô đã phải mưu sinh với nghề dệt lều (Cv 18,13). Các tu sĩ của các dòng khổ tu vẫn phải lao động chân tay mỗi ngày, kết hợp với cuộc sống chiêm niệm trong cầu nguyện. Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vaticanô 2 gợi nhắc cho chúng ta về giá trị và ý nghĩa của việc lao động. Giáo huấn này cũng được Giáo hội lập lại trong sách Giáo lý Công giáo (từ số 2426 đến số 2429). Những công việc hằng ngày chúng ta đảm nhận, từ lao động chân tay đến lao động trí óc đều có một giá trị, góp phần vào trong công trình sáng tạo của Chúa Cha cũng như thông dự vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đọc lại những dòng tâm sự của ông Gióp khi đối diện trước những vất vả của cuộc sống, được Giáo hội đọc lên trong bài đọc 1 của phụng vụ hôm nay. Ông Gióp nói: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch hay sao? Và chuỗi ngày làm lụng có khác gì đời kẻ làm thuê? (Giob 7,1). Gióp đã tỏ ra khá bi quan. Ông than vãn khi nhìn vào những vất vả trong lao động như một gánh nặng. Những dòng tâm sự của ông Gióp khiến chúng ta dễ có cái nhìn bi quan khi phải mang lấy những đa đoan của kiếp người. Tuy nhiên trong nhãn quan Kinh thánh, chúng ta biết rằng con cái Chúa cần phải tuân thủ luật giữ ngày Sabát, một ngày dành riêng cho Thiên Chúa và phải nghỉ ngơi hoàn toàn, không một chút vướng bận đến công việc lao động chân tay bên ngoài. Mục đích là cho dù chúng ta miệt mài để lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống chúng ta vẫn phải quy hướng trọn vẹn về Chúa, từ những công việc tay chân, công việc đầu óc đến những công việc mang chiều kích thánh thiêng sâu xa hơn.

Hiểu như thế chúng ta mới có thể khám phá ra những giá trị nơi những công việc Đức Giêsu đã thực hiện. Đó là sứ vụ phục vụ cho Vương quốc Nước Trời. Chúa Giêsu đã không trực tiếp lao động để có của nuôi thân, giống như thánh Giuse tại Nazareth. Chúa cũng không dệt lều để có cái ăn cái mặc giống như thánh Phaolô đã làm lúc sinh thời. Nhưng Chúa luôn làm việc như Ngài đã từng công bố: “Tôi làm công việc của Cha tôi” (Ga 11, 36-38). “Cha tôi vẫn làm việc và tôi cũng làm việc (Ga 5,17)”. Công việc Đức Giêsu làm là khai mở ơn cứu độ cho trần gian theo hoạch định của Chúa Cha.

Công việc phục vụ cho Vương quốc nước trời

Đây là công việc quan trọng nhất và ý nghĩa nhất. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô đã bộc bạch rằng, cho dầu phải bươn chải với nghề tay chân để tự túc sinh nhai, Ngài vẫn chú tâm đến việc rao giảng. Ngài viết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng thưởng công (1Cor 16-18)”. Đây là công việc mang chiều kích linh thánh. Ngài làm công việc đó và không nhận bất cứ thù lao nào, vì chính Thiên Chúa sẽ trả công cho Ngài. Cũng vậy, khi nhìn vào những công việc của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa luôn tất bật và bận rộn suốt cả ngày. Khi các tông đồ đi tìm Chúa lúc Ngài rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, Chúa đã nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm công việc này”. Công việc mà Chúa nói tới chính là để phục vụ cho việc mở mang Vương quốc Nước Trời và đem ơn cứu độ đến khắp cùng trái đất. Đây cũng là điều mà chúng ta vẫn xác tín khi đọc kinh Tin Kính: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Làm việc và tiết độ

Làm việc và Tiết độ (Lavoro e Temperanza) chính là khẩu hiệu thứ hai mà thánh Gioan Bosco đã để lại cho các con cái Ngài, tương thích với khẩu hiện nhứ nhất ‘Xin cho tôi các linh hồn, mọi sự khác cứ lấy đi’. Trên giường hấp hối trước khi tắt thở, Don Bosco còn nói lại một lần nữa di chúc cuối cùng cho các con cái, vỏn vẹn chỉ có 3 chữ “Làm việc, làm việc và làm việc”. Chúa Giêsu đã nói với các môn sinh: ‘Cha tôi và tôi vẫn làm việc’. Làm việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống không phải là một điều xấu, nhưng tiền bạc không phải là tất cả để chúng ta phải kiếm tìm bằng bất cứ giá nào. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã từng cảnh báo nguy cơ về một lối sống hưởng thụ (consumerism ) khi chúng ta đặt tiền bạc làm thước đo mọi giá trị hoặc dùng tiền bạc để thỏa mãn sở thích hưởng thụ nơi mình. Ngài nói rõ, đó chính là một lối sống vô thần trong thực hành sẽ dần dần làm sói mòn đức tin nơi chúng ta.

Kết luận

Chúng ta hãy nhìn vào gương mẫu nơi Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngày nay, biết bao tâm hồn đã quảng đại dấn mình làm việc trong cánh đồng truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới. Những tấm gương sáng ấy thật đáng trân quý. Chúng ta hãy thử nhìn lại chính mình, xem chúng ta có làm việc hay không, chúng ta đang làm những việc gì, làm cho ai và làm như thế nào?

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB


Visited 1 times, 1 visit(s) today