Chúa nhật 31 Thường niên năm C – Hành trình trở về : Biết Chúa – Biết người – Biết mình.

Hành trình trở về : Biết Chúa – Biết người – Biết mình.

Tin Mừng Luca nói rất nhiều về lòng thương xót của Chúa đối với các tội nhân. Bài Phúc âm hôm nay là một ví dụ tiêu biểu. Tuần trước, Chúa Giêsu đề cao gương khiêm nhường của một người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện với tâm tình sám hối. Tuần này, Thánh Luca cũng thuật lại cuộc hành trình trở về của Giakêu, cũng là một người thu thuế với bao tội lỗi. Giakêu không chỉ là một viêc chức quèn, nhưng còn là một cán bộ cao cấp và có thế giá trong ngành thuế vụ. Với chức vụ đó, đương nhiên ông ta rất giàu (c.2). Ông là người có dáng vóc nhỏ bé. Có lẽ Thánh Luca còn hình tượng hóa, không phải chỉ nói về sự nhỏ bé thể lý, nhưng cũng diễn bày sự bé nhỏ nơi tâm hồn của ông, khi ông ý thức được những lầm lỗi của chính mình. Cuối cùng, Giakêu đã hoán cải sau khi gặp được Đức Giêsu. Lộ trình trở về của Giakêu gồm 3 yếu tố: Biết Chúa – Biết người – và Biết về chính mình.

Biết Chúa.

Khởi đầu Giakêu muốn biết Chúa chỉ vì tò mò. Chúa Giêsu khá nổi tiếng lúc bấy giờ và được dân chúng nể phục. Nhân lúc Đức Giêsu sắp đi ngang qua, Gia kêu trèo lên một cây sung để xem rõ mặt mũi nhân vật nổi tiếng ấy như thế nào. Đây là điểm khởi đầu để dần dần ông được Chúa biến đổi, cho dẫu sự bắt đầu chỉ thuần mang tính nhân loại.

Ông Pchychari khi còn là dự tòng và đang trên con đường tìm kiếm Chúa, vẫn chân thành dâng lên Chúa lời cầu nguyện : “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, xin hãy tỏ ra cho con biết Chúa là ai.” Biết Chúa không phải là động thái của tri thức, nhưng trên hết, đó là thái độ của tâm hồn. Đi vào thế giới của mầu nhiệm, không cần chúng ta phải vắt óc để lý luận, nhưng cần mở rộng cõi lòng để ánh sáng chân lý soi chiếu. Nhiều triết gia lỗi lạc đã nặn óc suy tư với những lý luận sắc bén, nhưng đã không thể tiếp cận và biết về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện với Chúa Cha : “Lạy Cha, Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (Mt 11,25). Cuộc hành trình trở về của Giakêu bắt đầu từ việc ông khao khát biết Chúa, cho dầu động cơ nơi ông có như thế nào chăng nữa.

Biết người.

Sau khi Chúa gọi Giakêu lúc ông đang ở trên cây, ông đã vui mừng tụt xuống ngay và tiếp đón Đức Giêsu đến nhà mình cách trọng thị (c.6). Điều này cho thấy rằng cho dù ông đã làm nhiều điều xấu, đã thu quén tiền bạc một cách bất chính, nhưng căn gốc sự thiện vẫn còn nơi tâm hồn ông và nay được dịp bùng phát. Chúa Giêsu đã khơi dậy sự thiện hảo nơi ông, vốn đã bị vùi lấp từ lâu do sự cuốn hút của tiền bạc. Kết quả là ông đã được biến đổi. “Thưa Thầy, tôi xin lấy phần nửa tài sản của tôi cho người nghèo. Nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì , tôi xin đến gấp bốn”. Từ chỗ biết Chúa, Giakêu đã đi đến việc biết người. Biết người tức là biết chia sẻ, biết lưu tâm đến cận nhân nghèo khổ sống chung quanh. Một người giàu có đã từng chỉ biết thu gom tiền bạc để hưởng thụ cách ích kỷ, bây giờ can đảm chia một nửa tài sản cho người nghèo, là một con người rất đáng trân quý. Sự cao quý nơi Giakêu ở chỗ, ông đã can đảm phá vỡ pháo đài ích kỷ vốn đã xơ cứng nơi tâm hồn mình, bây giờ trở thành trái tim thịt mềm, một trái tim biết rung lên những giai điệu đồng cảm và yêu thương. Giakêu đã được biến đổi vì ông đã biết Chúa và biết người.

Biết mình.

Căn gốc của sự hoán cải chính là tự biết mình. Giakêu biết rõ mình là con người tội lỗi và bị mọi người khinh ghét. Nhưng ông còn biết rõ hơn, là chính Thiên Chúa không ghét bỏ ông.  Đức Giêsu đã tuyên bố cho mọi người cũng như cho ông biết rằng : “Con người đến để tìm kiếm những gì đã hư mất”. Chúng ta vẫn thường đi xưng tội, và trước khi xưng tội, chúng ta phải xét mình. Xét mình không phải chỉ là liệt kê một bản danh sách các tội một cách máy móc và điền đại vào đó số lần để xưng cho xong. Khi xét mình, chúng ta cần phải đi sâu vào tĩnh lặng để bới tìm những bẩn thỉu ẩn kín sâu tận bên trong. Chúng ta rất dễ bới móc cái rác trong mắt của tha nhân mà vẫn không nhận ra cái đà to đùng nơi con mắt của chúng ta (Mt 7,3). Chúa Giêsu nói điều đó với chút cường điệu để dạy chúng ta phải khiêm tốn nhìn vào nội tâm, chứ đừng vội vã kết án người khác. Đây là phương thức để chúng ta biết về mình cách thực sự.

Tiến trình trở về của Giakêu là như thế. Tiến trình này được thể hiện do chính Đức Giêsu chủ động và lôi kéo. Thiên Chúa luôn đi bước trước để gọi mời, còn chúng ta hoàn toàn tự do để đáp trả hay từ chối. Giakêu đã nghe tiếng Chúa gọi. Ánh sáng từ đôi mắt Chúa đã hắt dọi vào tâm hồn ông và ông đã được biến đổi hoàn toàn. Ông đã gặp Chúa, đã tiếp đón Chúa tại nhà và đã được biết Chúa là ai, là ‘Đấng đến tìm kiếm và cứu chữa những gì hư mất’. Chúa đã soi sáng để ông cũng biết đến tha nhân bằng cách mở rộng cõi lòng chia sẻ. Nhưng quan trọng nhất, ông đã biết về chính mình với bao yếu đuối và tội lỗi. Sự biến đổi nội tâm nơi Giakêu là mô hình để chúng ta thực hiện cuộc trở về mỗi ngày.

Kết luận

Xin được kết luận bằng một câu chuyện dân gian Việt Nam. Một chàng thư sinh rất tự mãn về kiến thức của anh ta. Trên đường trở về quê, anh chàng phải đi qua một con sông lớn và bác lái đò quê mùa ở đó vẫn ngày ngày chở khách qua sông. Trên thuyền, chàng sinh viên khoe khoang hỏi bác lái đò : “Bác ơi bác có biết đọc biết viết hay không? – Cậu ơi, tôi không biết. Chàng thư sinh nói tiếp : “ Thế là bác chết một phần tư đời người rồi”. “Bác ơi, bác có biết về khoa học hay kỹ thuật gì không?”. Bác lái đò vẫn bình thản trả lời : “Cậu ơi, tôi quê mùa có biết gì về văn minh khoa học tí nào đâu” – Tiếc cho bác, thế là bác chết thêm một phần tư đời người nữa rồi”. Chàng thanh niên tiếp tục khoe mẽ : “Thế, bác có biết chút gì về nghệ thuật hay không ? -Tôi đã bảo là tôi mù tịt, không biết gì cả. – “Thế là bác chết thêm ¼ cuộc đời nữa, tội nghiệp bác quá”. Đi đến giữa sông, trời bỗng nổi cơn giông rất mạnh. Bác lái đò hỏi chàng thanh niên :“Cậu ơi, cậu có biết bơi không”. “Thưa bác, không”. Chàng thanh niên run sợ trả lời. Bác lái đò nhẹ nhàng nói : “Thôi, thế là cậu sắp chết cả đời người rồi, tiếc cho cậu quá”.

Triết gia Socrates đã nói: “Khởi đầu của sự khôn ngoan là hỡi người, hãy ‘biết’ về chính mình.” Chúng ta hãy học lấy thái độ của Giakêu để thực hành cuộc sám hối trở về, bằng cách biết Chúa, biết người và biết rõ về mình.

Văn Hào, SDB


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today