Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B: Đức Giêsu, Đền thờ mới của Tân ước

Vào những năm cuối của thập niên 1980, một bộ phim khá nổi tiếng thời bấy giờ do Liên Xô sản xuất đã được trình chiếu rộng rãi ở trong miền Nam. Bộ phim có tựa đề ‘Sám hối’. Có lẽ, cảnh ấn tượng và ý nghĩa nhất của bộ phim chính là phần kết của tác phẩm. Tác giả cho diễn xuất cảnh một thanh niên tìm đến một đền thờ để cầu nguyện, sau khi đã cảnh tỉnh và thể hiện tâm thức sám hối. Anh ta đứng trước ngã ba đường và hỏi một cụ già: “Thưa cụ, đây có phải là con đường dẫn đến đền thờ hay không?”. Cụ già nheo mắt với đầy vẻ tinh anh và đĩnh đạc trả lời: “Này anh bạn trẻ, con đường này nếu không dẫn đến Đền thờ thì nó được làm ra để làm cái gì”.

Cuộc sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng là một con đường, và con đường đó phải hướng về đền thờ đích thực là chính Đức Giêsu. Ngài là ‘Đền thờ mới’ của Tân ước, là trung tâm của mọi sinh hoạt phượng tự và cũng là đối tượng của niềm tin mà chúng ta phải quy chiếu vào. Đây là sứ điệp nồng cốt mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay diễn bày.

Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa tiến vào đền thờ ở Giêrusalem, và dùng roi xua đuổi phường bán buôn ra khỏi nơi đó. Sự kiện này được thánh ký Gioan thuật lại với nhiều ý nghiã thần học rất sâu xa. Trong phần kết của Tin mừng thứ tư, Thánh ký đã viết: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20,21). ‘Tin’ là chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ Tin mừng Gioan và đã được thánh ký nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Trình thuật hôm nay cũng lột tả đích nhắm này. Biến cố Chúa lên Giêrusalem trong dịp lễ vượt qua để thanh tẩy đền thờ nhằm tiên báo về cuộc vượt qua mới mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện bằng hành vi hiến tế của Ngài trên Thập giá. Vì vậy, không phải vô tình mà Thánh Gioan thuật lại câu nói của Chúa Giêsu: “Cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Đền thờ Giêrusalem chỉ là hình bóng, còn Đền thờ mới và cũng là Đền thờ đích thật, chính là thân thể mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu. Ngài trở nên căn nguyên ơn cứu độ, để ai tin vào Ngài sẽ có sự sống đời đời. Đền thờ Giêrusalem cũ rất kiên cố và được xây dựng ròng rã trong suốt 46 năm, đã bị sụp đổ tan tành vào năm 70 sau công nguyên. Song, Đền thờ tân ước là chính Đức Giêsu sẽ mãi mãi không thể bị phá hủy, mặc dầu Đức Giêsu đã bị phân thây trên Thập giá như một tên trộm cướp. Ánh sáng Phục sinh là chìa khóa giải đáp cho mọi vấn nạn nhân sinh, và vinh quang của ‘Đấng Sống lại’ sẽ luôn phủ ngập ngôi Đền thờ mới này.

Vì thế, trong trình thuật hôm nay, thánh Gioan cắt nghĩa: “Vậy, khi Người từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại những điều Người đã nói. Họ tin vào Kinh thánh và tin vào lời của Đức Giêsu” (Ga 20,22). Đồng thời, trong dịp lễ vượt qua năm ấy, nhiều người đã tin vào danh Đức Giêsu (c. 23). Đức tin là điểm nhấn mà thánh Gioan muốn nhắm đến.

Thập giá, con đường dẫn đến Đền thờ mới

Trong cựu ước, dân Do Thái dùng lễ vật chiên bò hay bồ câu để hiến dâng cho Thiên Chúa, biểu tỏ hành vi thờ phượng. Vì thế mới có chuyện buôn bán trong đền thờ như được thuật lại trong Tin mừng hôm nay. Trong tân ước, Đền thờ mới chính là Đức Giêsu. Ngài vừa là tế nhân vừa là tế vật. Ngài dâng lên Chúa Cha của lễ là chính thân thể được sát tế của Ngài, đồng thời Ngài cũng là vị Thượng tế đời đời một cách đúng nghĩa nhất. Chúng ta nhớ lại điều tương tự khi Chúa nói với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp: “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và Chân lý” (Ga 4,21-24). Chúa Giêsu muốn vén mở cho đám đông về chân dung cứu thế của Ngài, và dung mạo Messia nơi Ngài sẽ được hiển thị cách tròn đầy ngang qua Thập giá. Vì thế, Giáo hội chọn bài đọc hai trong phụng vụ hôm nay để trình bày về linh đạo của thánh Phaolô, đồng thời đó cũng phải là sự chọn lựa duy nhất mà mỗi người chúng ta cần thể hiện. Thánh tông đồ viết: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1,22-23). Sau đó thánh Phaolô giải thích cho giáo đoàn biết rằng, đây là một nghịch lý vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đã thể hiện ngang qua cái chết của Đức Giêsu. Quả thật, đây là một nghịch lý đối với não trạng con người, bởi vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người. Cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. Nghịch lý còn được các thánh ký nói tới rất nhiều lần. Một Thiên Chúa cao cả lại trở nên thấp kém trong kiếp người hèn hạ, một Thiên Chúa vô cùng thánh thiện lại bị kết án và chết cách nhục nhã như một tên tội phạm. Nghịch lý này cũng được lập lại một lần nữa trong bài Tin mừng hôm nay, khi Chúa vén mở về sự phục sinh vinh thắng của Ngài. “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây lại”.

Thập giá, lề luật mới của tình yêu

Trong Tin mừng Gioan, thánh ký thuật lại cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô. Ngài nói: “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Thập giá là cách thức thể hiện tình yêu của Thiên Chúa một cách tròn đầy nhất. Tình yêu ấy được hiện lộ cách rõ nét khi Con Người được giương cao giống như con rắn đồng trong sa mạc Sinai ngày xưa (c. 14). Đức Giêsu đã thiết định một lề luật mới qua máu của Ngài đổ ra trên Thập giá, và lề luật đó chính là luật của tình yêu. Giao ước mới được ký kết bằng máu Thập giá đã thay cho giao ước cũ. Vì vậy, Chúa Giêsu nói đi nói lại về lề luật mới mà Ngài thiết định, đó là luật của tình yêu, là luật tối thượng và duy nhất mà Chúa đã để lại cho các môn sinh như một di chúc thiêng liêng. “Thầy để lại cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Không ai có tình yêu nào cao cả hơn mối tình của người hiến thân vì bạn hữu” (Ga 14,34). Vì thế Giáo hội đã chọn bài đọc thứ nhất trong phụng vụ hôm nay để nhắc đến thập giới, là lề luật cũ của dân Do Thái khi xưa. Đức Giêsu đã đến trần gian không phải để phá hủy nhưng để hoàn thiện bộ luật cũ bằng chính hy lễ và cái chết của Ngài trên Thập giá. Thập giới cũ gồm 10 điều răn, tóm lại trong 2 chiều kích, ‘Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình’. Cũng vậy, lề luật mới được viết nơi Thập giá của Chúa Giêsu cũng gồm 2 thanh gỗ đan nối với nhau, thanh dọc (vertical) và thanh ngang (horizontal). Thanh dọc vút lên trời cao ám thị về tình yêu đối với Thiên Chúa và thanh ngang vươn hướng đến tha nhân ám thị về tình yêu đối với đồng loại.

Kết luận

Chúng ta trở về với câu nói của bà cụ trong bộ phim Sám hối vừa nói ở trên: “Nếu con đường này không dẫn đến đền thờ thì nó được làm ra để làm gì?”. Cũng vậy, cuộc đời chúng ta nếu không hướng về Đền thờ đích thực là Thập giá của Đức Giêsu thì chúng ta sống để làm cái gì?. ‘Thập giá là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta’ (Đức Cha Lambert de la Motte). Đó không phải là đối tượng để chúng ta chỉ cung chiêm hoặc suy ngắm, nhưng chúng ta cần phải sống và thực hành linh đạo Thập giá trong cuộc sống đức tin mỗi ngày.

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB


Visited 1 times, 1 visit(s) today