Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm A: Trả về cho Xê-da, trả lại cho Thiên Chúa

Vào năm 1920, ông Mahatma Gandhi đã hô hào dân chúng không đóng thuế cho đế quốc Anh, để phát động chiến dịch đòi lại độc lập cho người dân Ấn Độ. Cuộc đảo chính không tiếng súng, không bạo động đã dẫn đến thành công và Anh quốc đã phải trao trả tự do cho Ấn Độ sau nhiều năm tháng đô hộ.

Những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nêu ra một câu hỏi rất nham hiểm về việc đóng thuế nhằm gài bẫy Chúa Giêsu: “Thưa thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa, Xin thầy cho biết ý kiến, có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”

Đây là cái bẫy xảo quyệt họ dương ra nhằm buộc tội Chúa Giêsu. Nếu Chúa trả lời là phải nộp thuế, họ sẽ quy cho Ngài tội phản bội dân tộc, làm tay sai cho đế quốc Rôma và chống lại nhân dân. Nếu Chúa trả lời rằng không, họ sẽ đi tố cáo với chính quyền để kết tội Ngài như một con người mưu phản và xách động. Tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Câu trả lời của Chúa rất khôn ngoan: Hãy trả về cho Xê-da những gì của Xê-da, hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Câu nói của Chúa hàm ngậm những sứ điệp rất quan trọng mời gọi chúng ta suy nghĩ để đem ra thực hành.

Bổn phận của một công dân trong xã hội trần thế

Là con người sống trong một đất nước hay một cơ cấu dân sự, chúng ta có bổn phận thi hành những nghĩa vụ, nếu những điều đó không đối kháng với lề luật của Thiên Chúa. Là một công dân Do thái, cho dầu sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma, Chúa Giêsu cũng đã nộp thuế giống như mọi người. Ngài đã từng nói với Phê-rô hãy ra bờ biển thả câu và mổ bụng con cá câu được để lấy một đồng tiền vàng đi nộp thuế. Chúa Giêsu đã sống như một con người bình thường giống hệt chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài chu toàn những bổn phận của một công dân và tuân thủ những lề luật của Do Thái giáo trong xã hội lúc bấy giờ. Đức cố Viện phụ Hoàng tại Đan viện Châu Sơn có kể lại giai thoại khi ông Hồ Chí Minh đến thăm Đan viện Xi-tô tại Nho Quan, Ninh Bình vào những năm cuối của thập niên 1940, Ngài đã đón tiếp ông ta rất trọng thị. Quy tụ cộng đoàn lại, Đức Viện phụ đọc cho mọi người những giáo huấn trong thơ gửi tín hữu Rôma chương 13, nói về việc phục tùng chính quyền. Thánh Tông đồ viết: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi TC. Chính quyền là người thực hành quyền bính của TC để giúp bạn làm điều thiện” (Rm 13,1-16).

Cũng vậy, cho dầu đã trải qua những năm tháng tù ngục một cách oan khiên, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận trong tập sách ‘Đường Hy vọng’, đã ghi lại bài thơ sau đây, diễn bày lòng yêu mến quê hương nơi Ngài: “Con có một tổ quốc Việt Nam, quê hương yêu quý ngàn đời. Con hãnh diện, con vui sướng. Con yêu non sông gấm vóc, con yêu lịch sử Việt nam, con yêu đồng bào cần mẫn, con yêu chiến sĩ hào hùng. Đất tuy hẹp nhưng chí lớn. Nước tuy nhỏ nhưng danh vang. Con phục vụ hết tâm hồn. Con trung thành hết nhiệt huyết. Con bảo vệ bằng xương máu. Con xây dựng bằng tim óc. Vui niềm vui của đồng bào, buồn nỗi buồn của dân tộc. Một nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam, một tâm hồn Việt Nam, một văn hóa Việt Nam, một truyền thống Việt Nam. Là người Công giáo Việt Nam con phải yêu tổ quốc gấp bội. Chúa dạy con, Hội thánh dạy con phải yêu thương tổ quốc của mình”.

Đó là những dòng tâm sự của một Hồng y, một Giám mục rất thánh thiện, đã ý thức những bổn phận trần thế nơi mình cho dù Ngài phải trải qua 13 năm đen tối trong tù ngục, chỉ vì lý do mang tính chính trị độc đoán một chiều.

Đức Cha Aloysius Jiu Luxian, một Giám mục Trung Quốc lão thành, luôn khắc khoải về tự do tôn giáo tại Trung Hoa lục địa, đã trả lời phỏng vấn tờ báo ‘30 Giorno’: “Là những công dân, chúng tôi phải tuân thủ luật pháp dân sự nếu những luật đó không chống lại Thiên Chúa”. Điều này, chính thánh Phaolô cũng đã gợi nhắc trong thơ Rôma 13,1-7: “Hãy vâng phục các nhà cầm quyền và kính trọng họ”.

Bổn phận của một công dân nước Trời

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên vế thứ hai rất quan trọng trong câu trả lời của Chúa Giêsu ‘Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ lẫn lộn giữa thần quyền và thế quyền. Câu trả lời của Chúa Giêsu không mang mầu sắc chính trị, nhưng là một định hướng căn bản cho tất cả chúng ta, những công dân của Nước Trời. Bởi vì tất cả quyền bính trần gian được con người hành xử, đều phát xuất từ chính Thiên Chúa. Không một nhân vật nào, một lãnh tụ nào, một chế độ nào có thể tiếm quyền của Thiên Chúa. Chỉ một mình Ngài là Đấng Tối Cao, nắm quyền trên tất cả thụ tạo.

Chúng ta biết đồng bạc của người Do Thái ngày xưa có in hình hoàng đế Xê-da với hàng chữ ghi ở dưới “Tiberius Cesar, Divi Augusti Filius Augustinus Pontifex Maximus”, nghĩa là ‘Xê-da Tibêriô, con và thượng đế uy linh của Angusto thần thánh’. Đồng tiền được ghi bằng tiếng La-tinh, nhưng cũng có thể ghi bằng tiếng Hy Lạp với ý nghĩa tương tự. Xê-da đã kiêu ngạo coi mình như thượng đế cao cả, bá chủ nhân loại.

Đứng trước sự ngạo mạn ngông cuồng này, Chúa Giêsu đã nói cho mọi người rằng, chỉ có Thiên Chúa là Thượng đế tối cao. Trọn vẹn cuộc sống chúng ta phải quy hướng về Ngài và không ai được chiếm đoạt quyền năng tối thượng của Ngài. Đức cố Hồng Y Sheen, nguyên Tổng Giám mục giáo phận Manila, đã từng kêu gọi dân chúng mạnh mẽ chống lại luật cho phép phá thai mà chính quyền ban hành, bởi vì luật đó đi ngược lại lề luật của Thiên Chúa. Tại nhiều quốc gia, nhất là tại các quốc gia vô thần, có rất nhiều điều khoản do chính phủ quy định, đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội, và gián tiếp chống lại Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại lời khẳng quyết của Thánh Phêrô trước công nghị: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người” (Cv 5, 29).

Kết luận

Chúng ta vẫn biết ăn cắp là một tội. Điều răn thứ bảy dạy chúng ta như thế. Trong xã hội hiện nay tình trạng ăn cắp vẫn thường xảy ra khắp nơi. Người thợ xây ăn cắp xi măng bằng cách bớt xén. Người thợ may ăn cắp vải. Viên chức nhà nước ăn cắp thời giờ bằng cách đi muộn về sớm. Ngay cả người Kitô hữu chúng ta cũng bị ảnh hưởng sâu đậm não trạng văn hóa này, đến độ nhiều người coi đó như chuyện rất bình thường khi nghĩ rằng, của chung hay của chùa, tôi không lấy người khác cũng sẽ lấy. Lối suy nghĩ như thế sẽ rất nguy hiểm vì nó dần dần làm chai cứng lương tâm của chúng ta. Tuy nhiên, có một dạng ăn cắp khác mà chúng ta ít khi để ý tới. Chúa nói: “Những gì của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa”. Nhưng, những gì thuộc về Thiên Chúa? Thưa là tất cả những thứ chúng ta đang có, như thời giờ, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… Mọi sự đều là của Chúa (Totus tuus), còn chúng ta chỉ là người quản lý. Ý thức như vậy, chúng ta phải sử dụng của cải một cách khôn khéo và đừng lún sâu vào tội ăn cắp mà chúng ta thường hay mắc phải.

Lm. GB Trần Văn Hào, SDB


 

Visited 19 times, 1 visit(s) today