Chân Phước PHANXICÔ KESY và Bốn Bạn Tử Đạo

Phong Á Thánh ngày 12.06.1999


NĂM NGƯỜI TRẺ TỬ ĐẠO CỦA NGUYỆN XÁ

Ngày 01 tháng 09 năm 1939, Hitler xâm lăng nước Ba Lan, khởi đầu cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhà Sa-lê-diêng ở Poznan trên đường Wroniecka bị chiếm đóng và chuyển thành nhà kho của quân đội Đức. Những người trẻ vẫn tiếp tục gặp nhau trong những khu vườn ngoại vi thành phố và trong những khu rừng gần đó. Ngày ấy đã phát sinh số đông các hội kín.

Vào tháng 09 năm 1940, Phan-xi-cô Kesy và bốn đồng bạn thuộc nguyện xá đã bị bắt với lời cáo buộc thuộc về một tổ chức bất hợp pháp. Họ bị nhốt trong Fortezza VII ở chính tại Poznan, nơi đây họ đã bị hành hạ và tra khảo. Sau đó, họ bị chuyển đến nhiều nhà tù khác nhau, và không phải lúc nào họ cũng may mắn được ở cùng nhau. Họ bị dẫn trở lại Poznan, tại đây họ bị lên án và bị tố cáo về tội phản bội và bị kết án tử hình.

Họ đã sống trong tù với tinh thần đức tin và linh đạo Sa-lê-diêng. Họ đã cầu nguyện liên lỉ: lần hạt, tuần chín ngày kính Cha thánh Bosco và kính Mẹ Maria Phù Hộ, kinh sáng và kinh tối. Họ đã tìm cách liên lạc với gia đình ngang qua những sứ điệp mà họ có thể gởi một cách bí mật. Khi có thể, họ đã mừng những lễ theo phụng vụ cách vui tươi trong nhà tù. Đức tin của họ không bao giờ nao núng. Họ là những chứng nhân khả tín cho đến tận cùng. Vào ngày 24.08.1942, năm người trẻ đã chịu tử đạo ở Dresda.

Hồ sơ tử đạo của họ đã được công bố vào ngày 26.03.1999; được phong Á Thánh ngày 13.06. 2000 do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Kesy Franciszek

Phan-xi-cô Kesy sinh tại Berlino ngày 13.09.1920. Gia đình chuyển đến Poznan do công việc của người cha. Phan-xi-cô  đã là đệ tử của tiểu chủng viện của các Sa-lê-diêng ở Lad. Trong khi bị Đức xâm chiếm, cậu không thể tiếp tục việc học, và đi làm trong một xưởng công nghiệp. Thời gian rảnh cậu đảo qua Nguyện xá, là địa điểm mà cậu và bốn người bạn trong tình bạn vô cùng thân thiết – đồng chí hướng, đã truyền bá những hiệp hội và những hoạt động giới trẻ.

Nói về cậu, người ta thường nhớ đến một người rất nhạy cảm, đồng thời vui tươi, bình thản, thân thiện và luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Hầu như mỗi ngày cậu đều hiệp lễ; buổi chiều cậu lần hạt. Trong một sứ điệp gởi cho gia đình, cậu viết: “Ở Wronki, bởi vì tôi (con) ở một mình trong phòng giam, tôi (con) đã có thời gian để duyệt xét mình. Tôi (con)  đã hứa sống cách khác hẳn, như Don Bosco đã mời gọi chúng ta, sống để đẹp lòng Thiên Chúa và Đức Maria, Mẹ người, Maria Rất Thánh. […] Tôi (con)  cầu khẩn Thiên Chúa nhân lành để tất cả những sự hành hạ và trái ý này chạm đến tôi (con)  chứ không phải các bạn (ba mẹ, anh chị)”.

Edoardo Klinik

Sinh tại Bochum ngày 21 tháng 06 năm 1919, nhát và bình thản, cậu đã trở nên sống động hơn từ khi tham gia Nguyện Xá. Cậu đã là một học sinh có đầu óc hệ thống, có tinh thần trách nhiệm. Cậu nổi bật giữa những người khác bởi cậu rất nỗ lực trong mỗi lành vực hoạt động, và người ta rất ấn tượng vì sự nghiêm túc và chiều sâu nơi bản thân cậu.

Jarogniew Wojciechowski

Sinh tại Poznan ngày 05 tháng 11 năm 1922. Cậu là một người trầm tư chiêm nghiệm, ước muốn đào sâu ánh nhìn về những sự vật để hiểu về những biến cố. Cậu cũng là một sinh động viên trong nghĩa tốt nhất của hạn từ. Người ta nhận biết cậu bởi tâm trạng phấn chấn, sự nỗ lực và sự làm chứng.

Ceslao Józwiak

Sinh tại Lazynie, ngày 07.09.1919. Cậu có một tính khí khá nóng nảy, nhưng hồn nhiên, đầy năng lực, làm chủ chính mình, sẵn sàng chịu hy sinh, ngay thẳng và có uy. Người ta cảm nhận được nơi cậu sống cho sự hoàn hảo kitô hữu và thăng tiến chính mình.

Một người bạn tù viết về cậu: “Cậu có một tính khí tốt và một trái tim nhân hậu, cậu có một linh hồn giống như thuỷ tinh…Cậu đã tâm sự với tôi về một mối bận tâm: không bao giờ để mình bị nhơ bẩn bởi những điều không trong sạch”.

Edoardo Kazmierski

Sinh tại Poznan ngày 01.10.1919, cậu nổi lên với tính khí nhã nhặn, khôn ngoan và lòng tốt. Tại Nguyện Xá cậu đã có thể phát triển tài năng đặc biệt về âm nhạc. Đời sống tôn giáo được hít thở từ gia đình và từ bầu khí Sa-lê-diêng giúp cậu tiến nhanh đến sự trưởng thành kitô hữu.

Trong khi bị tù đày cậu đã diễn tả một tình yêu lớn lao hướng đến các bạn hữu, kể cả những người nhiều tuổi hơn. Cậu đã hoàn toàn giải thoát mình khỏi những tình cảm hận thù đối với những người bách hại, làm khổ mình.

Ngọc Yến, FMA


Visited 2 times, 1 visit(s) today