Cha có một giấc mơ nữa cho Gia đình Salêdiêng và cho các bạn hữu Don Bosco khắp trên thế giới, như hoa trái của 200 năm kỷ niệm Don Bosco sinh ra mà chúng ta đã sống như năm ân sủng của Thiên Chúa; giấc mớ ấy là điều đã từng là chuẩn mực của đời sống ngài: mang nơi cõi lòng mình những người nghèo khổ nhất, cách riêng trẻ em, thiếu niên nam nữ, những người trẻ, những người cơ cực nhất, những người kém may mắn nhất.
Khi cha viết cho anh chị em, cha vẫn có trước mắt và trong lòng mình cuộc thăm viếng 18 ngày cha đã sống ở Sierra Leone, ở đó cha có thể gặp một số những lý lẽ chân chính cho niềm hạnh phúc sâu xa: các thiếu niên được thu thập từ các đường phố, những thiếu nữ được giải phóng khỏi sự khai thác tình dục vốn đã từng kiềm chế họ, những người trẻ đã trở nên côi cút vì bệnh dịch Ebola. Nhìn thấy tất cả trong nhà Salêdiêng ở Freetown, và nhìn thấy đời sống họ nay đã có một chân trời khác như thế nào đã cho cha cùng niềm vui mà Don Bosco ở Valdocco và Mẹ Maria Mazzarello cảm nhận ở Mornese với những người trẻ đầu tiên của họ.
Khi thăm nhà tù của thủ đô, trong cuộc gặp gỡ với 10 phần trăm của những kẻ bị câu lưu (160/1600) trong đó trên 1200 là người trẻ giữa khoảng tuổi 18 và 25, cha có cùng một tình cảm như DB đã có tại nhà tù “Generala” ở Turin.
Khi ở Accra, thủ đô của Ghana, cha gặp các nữ tu FMA với những thiếu niên được quy tụ trong nhà của họ và khi tại “Don Bosco” cha thấy những trẻ em và thiếu niên vốn là nạn nhân của việc buôn người, cha không thể không cảm động và tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta ân sủng như Gia đình Salêdiêng để là một tia sáng giữa chốn tối tăm muôn vàn.
Ở Mecanisa, Addis Ababa (Ethiopia) khi cha gặp 500 em mà mỗi ngày tại nơi chốn của chúng ta có thể có một bữa ăn ngon và đến trường và khi cha chúc mừng các thiếu niên thoát khỏi hè phố mà nay đang học nghề hay 28 người trẻ hằng ngày đến từ hè phố để ăn uống, ở lại với bạn bè chúng và với các Salêdiêng để quyết định xem có trở lại cuộc đời lang bạt của họ hay thuộc vào hàng những học sinh của nhà chúng ta, trái tim cha đập cùng nhịp với trái tim của Don Bosco mà chắc chắn đã hoàn toàn duy trì điều này cùng với Đức Giêsu, Đấng tiếp tục xin chúng ta đi ra và vươn tới những người nghèo khổ nhất.
Các bạn hữu xa gần của Don Bosco và những anh chị em thuộc Gia đình ngài thân mến, vì thế, một lần nữa cha lặp lại cho anh chị em niềm xác tín của mình rằng những người nghèo khổ nhất là lý sống của chúng ta như là Gia đình Salêdiêng, trong Giáo hội; sự tận hiến của chúng ta cho họ là lý lẽ của đời sống chúng ta. Cha thâm tín chứng từ của rất nhiều hội viên hằng ngày ban tặng cuộc sống mình với niềm đam mê giáo dục và phúc âm hóa chân thật quý báu biết bao; cha thâm tín rằng nhiều sự hiện diện Salêdiêng của chúng ta nhìn đến người nghèo với niềm vui sướng đặc biệt.
Cha tạ ơn Chúa về điều này và cha lặp lại: anh chị em thân mến, “chúng ta phải đi xa hơn nữa, chúng ta phải tiến xa hơn”. Chúng ta tất cả phải có một trái tim như của vị Mục Tử Nhân Lành, và của Don Bosco, cũng như của những người nam nữ thánh thiện thuộc gia đình tôn giáo này vốn nhắm đến việc trao ban những gì tốt nhất của mình để yêu thương giới trẻ. Chúng ta phải kết hiệp sự cam kết này của chúng ta cho tới mọi người thiện chí.
Đức Giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp cho những người được thánh hiến nói: “Hãy thức tỉnh thế giới, soi sáng thế giới với chứng tá ngôn sứ và nghịch trào lưu văn hóa của anh chị em!”.
Cha thật sự nghĩ rằng để soi sáng thế giới một cách ngôn sứ và nghịch tôn giáo phương pháp Salêdiêng phải được đâm rễ sâu nơi tất cả chúng ta và trong các nhà chúng ta. Anh chị em đừng nghi ngờ chút nào rằng bằng cách sống và làm việc theo lối này, ngay cả không cần lời nói, sứ điệp ấy khơi gợi những câu hỏi và mang sức mạnh chứng tá lớn lao; anh chị em đừng nghi ngờ rằng bằng cách sống như thế anh chị em sẽ thiếu những phương thế để vươn đến những người nghèo nhất. Chúng ta đều nhớ Don Bosco tin tưởng vững chắc vào Chúa Quan phòng.
Nếu điều này là đúng, có cái gì khác phải làm không? Câu trả lời là tiếp tục hành trình đi lên này cho đến khi mọi người Salêdiêng, mọi người Con Đức Mẹ Phù hộ, mọi người giáo dân của Gia đình Salêdiêng gồm 31 nhóm thành lập nên cây cổ thụ mọc từ đoàn sủng Don Bosco, trong sâu thẳm của lòng mình cảm thấy hối tiếc không thể cứu giúp mọi trẻ em nam nữ nghèo khổ đang cần chúng ta. Nếu cõi lòng chúng ta đã có một tình cảm như thế, chúng ta sẽ luôn tìm được những giải pháp và chúng ta sẽ luôn trung thành với sự chọn lựa ưu tiên dành cho giới trẻ nghèo nhất. Trong Evangelii Gaudium Đức Thánh Cha trích lại Giáo phụ Gioan Kim Khẩu nói rằng: “Không chia sẻ tài sản của mình với người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi phương kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta đang giữ không phải của chúng ta nhưng là của họ”.
Giáo hoàng nhắc nhớ chúng ta về sự toàn cầu hóa của sự dửng dưng vốn làm chúng ta không thể cảm thương trước tiếng kêu gào của người nghèo, trong nền văn hóa của giàu sang làm chúng ta u mê (EG 54). Với sức mạnh lớn lao ngài kêu gọi chúng ta chú ý đến thứ “văn hóa dùng xong vất bỏ”, mà xã hội chúng ta đã tạo nên và trong đó “cái bị loại đi không phải là những kẻ ‘bị khai thác”, nhưng là “kẻ bị ruồng bỏ”, là “đồ thừa thãi” (EG 53).
Theo ánh sáng của lối nói này mà cũng là một lối nói nền tảng và cốt yếu của đoàn sủng chúng ta, cha nói với anh chị em rằng theo hướng này chúng ta không cần lo âu về căn tính của sứ mệnh chúng ta hay về sự trung thành của chúng ta. Chúng ta đang đi đúng đường!
Cha chúc lành cho anh chị em hết thảy, ước chi Chúa tiếp tục làm đầy cuộc sống anh chị em với sự sung mãn mà CHỈ ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA MÀ THÔI.