
CHA MATTHEW TCHONG, SDB (1923 – 1982)
Lm. GB. Trần Văn Hào SDB[1]
- Tiểu sử cuộc đời
Cha Matthew Tchong, tên tiếng Việt là cha Mátthêu Chung, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1923 tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Hoa. Khi đang theo học tại chủng viện với mong ước trở nên linh mục, cậu Matthew Tchong đã bị một căn bệnh khá hiểm nghèo về mắt khiến cậu phải ngưng việc học và trở về gia đình. Tuy nhiên sau đó, cậu đã đến Bắc Kinh, và tại đây, cậu gặp cha Mario Acquistapace, SDB. Cha Mario là vị truyền giáo dòng Don Bosco đến từ Italia. Chính ngài đã tiếp nhận cậu Matthew Tchong đến sinh sống tại cộng đoàn Don Bosco như một tu sinh trong giai đoạn tìm hiểu. Cậu vốn là một con người cần cù và rất siêng năng, nên rất dễ thích ứng cuộc sống khó nghèo tại cộng đoàn. Vả lại, cậu có nhiều năng khiếu và rất thích làm việc với giới trẻ, nên cha Mario đã hướng dẫn cậu đi tu dòng Don Bosco.
Khoảng một năm sau, nhờ lời cầu nguyện và niềm phó thác dâng lên Đức Trinh nữ Maria, căn bệnh đau mắt của Matthew Tchong đã được cải thiện đáng kể. Cậu lại tiếp tục công việc học hành và bắt đầu theo đuổi ơn gọi Salêdiêng. Vào năm 1948, thầy Matthew Tchong chính thức gia nhập Tập viện và được tuyên khấn lần đầu vào ngày 16 tháng 8 năm 1949 tại Hong Kong. Sau thời gian học triết học và đi tập vụ, thầy được gửi tới Italia để học thần học tại Bollengo, miền bắc nước Ý. Thầy Matthew Tchong được truyền chức linh mục vào ngày 01 tháng 07 năm 1957. Sau đó, cha Matthew Tchong trở về tỉnh dòng Trung Hoa và nhận bài sai đi truyền giáo tại Việt nam.
Đầu tiên, khi mới đặt chân đến Việt nam, cha Matthew Tchong (Mátthêu Chung) được bề trên chỉ định đến làm việc tại Don Bosco Gò vấp. Một thời gian ngắn sau đó, ngài được điều chuyển về Trạm hành để phụ giúp cha Tập sư trong việc hộ trực các tập sinh. Kế đến, ngài cũng được bề trên tín nhiệm giao phó công việc phụ trách Đệ tử viện tại đây. Song song với công việc này, cha Mátthêu Chung trở thành Giám đốc tiên khởi của Don Bosco Trạm Hành với 2 công cuộc chính: Tập viện và Đệ tử viện (bao gồm các học sinh cấp II: từ lớp đệ thất [lớp 6] đến lớp đệ tứ [lớp 9]). Vào tháng 6 năm 1974, cha Mátthêu Chung thôi chức vụ Giám đốc cộng đoàn. Ngài được bài sai về Đà nẵng để chuẩn bị mở một trường kỹ thuật và tạm thời phụ trách công việc mục vụ, coi sóc một giáo xứ tại đây. Một thời gian ngắn sau đó, với biến cố 1975, ngài bị trục xuất ra khỏi Việt Nam, giống như các vị truyền giáo người ngoại quốc khác.
Sau khi rời Việt nam vào năm 1975, cha Mátthêu Chung trở về Hồng Kông và trông coi một trại giáo huấn, nuôi dạy các thiếu niên phạm pháp. Trại giáo huấn này tọa lạc tại đảo Coloane, Macao, do chính quyền thuộc địa Bồ Đào nha giao lại cho các tu sĩ dòng Don Bosco điều hành. Tại đây, cha Mátthêu Chung đã rất nhiệt thành làm việc để giúp các phạm nhân vị thành niên, là đối tượng đặc thù của các anh em Salêdiêng. Đến năm 1980, sau 5 năm làm việc không mệt mỏi, sức khỏe của cha Mátthêu Chung suy giảm khá nghiêm trọng. Bác sĩ cho biết ngài bị ung thư gan giai đoạn cuối, và chỉ có thể kéo dài cuộc sống tối đa thêm một năm. Ngài đã xin phép trở về Đài loan và Trung Hoa lục địa để chào thăm những người thân quen lần cuối trước khi chết. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau, ngài mới lìa đời. Cha Mátthêu Chung được Chúa gọi về vào ngày 13 tháng Tư năm 1982 tại bệnh viện thánh Januarius ở Macao, hưởng dương 59 tuổi.[2]
- Dung mạo thiêng liêng
2.1. Một nhà truyền giáo nhiệt thành
Được khởi hứng từ cha Mario Acquistapace SDB, cậu Mátthêu Chung (Matthew Tchong) đã đến ở trong cộng đoàn dòng Don Bosco như một tu sinh và sau đó theo đuổi ơn gọi này cho đến hơi thở cuối cùng. Sau khi được truyền chức linh mục, cha Mátthêu Chung đã tình nguyện và hăng hái lên đường truyền giáo không chút ngại ngần. Ngài đặt chân đến Việt Nam và bắt đầu sứ vụ truyền giáo. Khó khăn đầu tiên mà ngài gặp phải, chính là rào cản về ngôn ngữ, vì lúc đó cha chưa biết chút gì về ngôn ngữ và văn hóa tại Việt nam. Tuy nhiên cha đã kiên trì học tiếng Việt, và chỉ một thời gian ngắn sau đó, cha Mátthêu Chung đã có thể nói chuyện với các em học sinh một cách nhuần nhuyễn. Điều này những ai đã từng sống với ngài ở Trạm hành từ những năm 1966 đến năm 1974 đều có thể cảm nghiệm. Có lẽ, ngôn ngữ ý nghĩa và hiệu quả nhất mà vị truyền giáo này đã sử dụng, đó là ngôn ngữ của trái tim. Mỗi khi gặp các em học sinh, ngài luôn mở đầu trước bằng câu nói: “Con là con..”, và các học sinh trả lời: “con yêu quý nhất của cha”. Đây là câu nói rất quen thuộc mà bất cứ học sinh nào tại Trạm Hành đều thuộc lòng. Thật vậy, “cha Mátthêu Chung luôn sống sát, sống bên học sinh, từng em một. Ngài luôn đi bước trước, hỏi từng người: Con là con … trong khi tay phải của ngài áp vào má bên phải chúng con, và chúng con phải trả lời theo đúng ý ngài rằng: … yêu dấu của cha. Lần nào cũng phải như vậy, ai cũng phải như thế, nhiều lần như một, chỉ một khuôn mẫu tình thương như thế”,[3] để chứng tỏ rằng, ngôn ngữ của trái tim chính là loại hình ngôn ngữ mà nhà truyền giáo này sử dụng để tiếp cận các em học sinh, con cái của mình.
Khi tình nguyện dấn thân đi truyền giáo, cha Mátthêu Chung đã chấp nhận từ bỏ tất cả, từ quê hương xứ sở đến tất cả mọi người thân bằng quyến thuộc và không hy vọng có ngày được trở về đoàn tụ với gia đình. Suốt 17 năm làm việc truyền giáo tại Việt Nam, cha Mátthêu Chung không một lần trở về cố hương và ngài luôn nói với mọi người rằng, Việt nam là quê hương thứ hai của ngài. Mãi đến năm 1975, ngài mới có dịp trở về Hồng Kong, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam, vì là người ngoại quốc. Nhìn chung, ngài là một mẫu người truyền giáo rất hy sinh, rất quảng đại và cũng là một gương sáng cho chúng ta noi theo.
2.2. Một tu sĩ thánh thiện
2.2.1. Yêu mến Mẹ Maria
Cha Mátthêu Chung rất yêu mến Đức Maria. Một vài chứng từ cho thấy điều này. “Trên suốt hành trình từ Don Bosco Trạm Hành về Sài Gòn và ngược lại, con được đi với ngài 4, 5 lần trên xe Ford (diesel) cho chính ngài cầm lái. Ngài lái một mình, không bao giờ dừng ở quán để nghỉ. Theo tiếng lóng của giới xe máy thì gọi là ‘đi một ga’. Tất cả chỉ vì tập trung lần hạt kính Mẹ Phù Hộ. Có một lần từ Sài Gòn lên Trạm Hành, cha ghé Long Khánh thăm ba mẹ của con, thì cũng không nghỉ ngơi ăn uống gì. Tới nhà, tầng trệt rồi lên lầu, vừa đi vừa thăm nhà, vừa hỏi thăm rồi ban phép lành Mẹ Phù Hộ; sau đó, tiếp tục lên đường đi Trạm Hành”.[4]
“Cháu của con, kêu con bằng cậu, là Anrê Nguyễn Thông, sinh năm 1961, cùng lớp với con ở Don Bosco Trạm Hành năm 1972. Cháu con được Chúa gọi về để ở cùng Don Bosco và các thánh Salêdiêng với sự trợ giúp sau cùng của cha Giuse Nguyễn Tiến Mỹ, Giám Linh, tại Trạm Hành sáng sớm ngày 15 tháng 3 năm 1973. Hai giờ chiều cùng ngày, cha Mátthêu Chung lái xe Ford đưa thi hài Anrê Nguyễn Thông về gia đình ở Tân Mai, Biên Hòa. Vào thời điểm này, đi ban chiều tối là không an toàn, nhưng cha Mátthêu Chung vững tin vào Thiên Chúa và Mẹ Phù Hộ. Ngài lái xe và lần hạt suốt. Khoảng 10 giờ tối, chúng con đến và trao thi hài Anrê cho gia đình. Sáng hôm sau, ngày 16 tháng 3 chúng con trở về Trạm Hành bình an”.[5]
2.2.2. Đời sống gương mẫu
Tỉnh dòng Don Bosco Việt nam có khá nhiều gương sáng từ các vị bề trên cũ, nghĩa là các vị truyền giáo ngoại quốc, như cha Mario Acquistapace, cha Andrej Majcen, cha Lui Massimino, cha Attilio Stra… , trong đó có cả cha Matthew Tchong (Mátthêu Chung). Những ai đã từng sống với ngài đều có thể cảm nghiệm được điều này. Chính cha Mátthêu Chung đã kể cho chúng tôi nghe một giai thoại trong thời gian ngài làm tập vụ tại tỉnh dòng Trung Hoa. Thời đó, cha Giám đốc của ngài là một vị rất khó tính và không có thiện cảm với ngài. Một lần kia ngài đến phòng cha Giám đốc để gặp gỡ (rendiconto) theo lịch định kỳ. Vừa thấy ngài, cha Giám đốc lạnh lùng đóng sập cánh cửa và không thèm tiếp. Ngài vẫn không buồn, không giận và kiên nhẫn đợi chờ cho đến khi cha giám đốc mở cửa cho ngài vào. Đó là một kinh nghiệm để khi làm Giám đốc tại cộng thể, ngài luôn ân cần và niềm nở đón tiếp các hội viên đến bàn hỏi.
Trong thời gian làm Giám đốc tại Don Bosco Trạm Hành từ năm 1966 đến năm 1974, cha Mátthêu Chung luôn trở nên gương sáng cho các cha các thầy trong cộng thể, nhất là cho các tập sinh tại đây. Ngài sống rất giản dị, nghèo khó, siêng năng làm việc theo tinh thần của Hiến Luật. Trong những lần huấn từ tối cho các học sinh và các cha các thầy, cha Mátthêu Chung vẫn hay nói về Don Bosco với những đặc trưng Salêdiêng. Nơi ngài, chúng tôi dường như cảm nhận một bản sao sống động về hình ảnh của Đấng Sáng lập, nhất là tinh thần nghèo khó phúc âm, sự từ bỏ triệt để theo các giá trị của Tin Mừng. Sống trong cộng thể bên cạnh ngài còn có cha Andrej Majcen, cha Matthew King, cha Ricardo Musso, là những vị truyền giáo rất gương mẫu đã để lại nhiều dấu ấn cho các hội viên và các em học sinh, con cái của các ngài.
2.3. Một mục tử nhân lành
Những ai đã từng ở Don Bosco Trạm hành từ những năm 1966 đến năm 1974 đều cảm nghiệm tình yêu ngọt ngào từ cha Mátthêu Chung. Ngoài câu nói thường xuyên “con là con… yêu quý nhất của cha”, cha luôn thể hiện một đức ái mục tử sâu xa, qua lối sống và cách hành xử rất dịu hiền nơi ngài.
Một lần kia tại Trạm Hành, một em học sinh lâm bệnh và qua đời cách đột ngột. Cha Mátthêu Chung rất buồn và ngài thinh lặng quỳ cầu nguyện rất lâu bên thi hài của em nhỏ. Chúng tôi thấy những giọt nước mắt trào ra từ đôi mắt đẫm lệ của ngài. Đó là những giọt nước mắt của một người cha, một vị mục tử đã yêu thương con cái mình hết lòng. Ngài vẫn thường xuyên hiện diện giữa các em học sinh để cùng trò chuyện, cùng vui chơi, cùng học hành và cùng cầu nguyện với các em. Mỗi lần ngài phải đi họp với các bề trên và các thầy hộ trực, ngài để lại cuốn sách nguyện trên bàn hộ trực và dặn các em học sinh: “Cha không có mặt ở đây, nhưng quyển sách này thay cha, để cha luôn luôn ở với các con”. Các học sinh tin lời cha nói, ngồi học khá kỷ luật và ngoan ngoãn, như để đáp lại tấm lòng của người cha thân yêu.
Vì yêu mến các em học sinh, cha Mátthêu Chung vẫn hay lặn lội đi đến các trại lính Mỹ, hay đến gặp các vị ân nhân để xin họ giúp đỡ thực phẩm hoặc những đồ dùng cần thiết, theo gương của cha thánh Gioan Bosco năm xưa. Mỗi lần trước khi đi xa, ngài luôn xin các em học sinh ở nhà cầu nguyện. Nhờ thế, ngài luôn thành công bởi vì ngài vẫn thường dặn dò các con cái ở nhà, hãy luôn tin tưởng vào Mẹ Maria. Các học sinh tại Don Bosco Trạm hành trong những năm 1966 – 1974 đều ghi nhớ công ơn của ngài, nhất là các em không thể nào quên dung mạo của một mục tử nhân hậu, đã hết mình vì đoàn con thân yêu.
- Kết luận
“Vẻ đẹp mục tử của cha Mátthêu Chung đơn sơ, giản dị, biểu hiện nơi lối sống của ngài, diễn tả nơi con người, tấm lòng, sự thánh thiện và cung cách điều hành của ngài luôn êm ả, bình dị, hết mình, hết tình để luôn tỏ ra trước mọi học sinh về một tu sĩ của Don Bosco rất cụ thể là Cha – Thầy – Bạn của giới trẻ, gần gũi, yêu thương, khích lệ, động viên từng học sinh. Cha Mátthêu Chung đúng là một tu sĩ Salêdiêng Don Bosco, Qualis esse Debet”.[6]
Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam những vị truyền giáo rất hy sinh và quảng đại, đã gieo mầm đoàn sủng Salêdiêng trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, trong đó có cha Mátthêu Chung. Xét về chiều kích nhân loại, tuy vẫn còn nhiều thiếu xót do bản tính con người yếu đuối, nhưng các ngài vẫn luôn là những hạt ngọc sáng chói, đã gieo mầm ơn gọi Salêdiêng bằng biết bao hy sinh và nước mắt để có một tỉnh dòng Việt Nam ngày hôm nay.
Tất cả chúng ta, dù là các anh em tu sĩ dòng Don Bosco hay các cựu học viên Don Bosco, chúng ta đều đã thụ ơn từ các vị tiền bối, nhất là các vị truyền giáo năm xưa. Hầu hết các vị đã an nghỉ trong Chúa, như cha Attilio Stra (tên tiếng Việt là cha Lực) vừa mới qua đời cuối tháng Giêng vừa qua, hoặc vẫn còn sống trong tuổi già như cha Phanxicô Tchang, nhưng các ngài vẫn luôn là những vị ân nhân vĩ đại mà chúng ta không thể nào quên ơn.
Xin Chúa trả công bội hậu cho các ngài. Để thể hiện lòng tri ân, chúng ta hãy cố gắng phát huy đoàn sủng Don Bosco qua chính cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay, để những hạt giống mà các ngài đã gieo trồng, sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào, và mang lại nhiều thiện ích cho các linh hồn, nhất là cho các bạn trẻ.
Tham khảo
Lm. G.B. Nguyễn Văn Thêm SDB, Lịch sử Don Bosco Việt Nam theo Niên Giám (1952-1971), digital edition, Tp. HCM 2024.
Lm. Đa Minh Phạm Xuân Uyển, Lịch sử Salêdiêng Việt Nam. Tự thuật của cha Anrê Majcen nhà truyền giáo Salêdiêng tại Trung Hoa và tại Việt Nam, Xuân Hiệp, Tp. HCM 2017.
Các chứng từ của các Hội viên và anh em Cựu học viên Don Bosco Trạm Hành.
[1] Lm. GB. Trần Văn Hào SDB là học sinh Don Bosco từ năm 1968 đến năm 1975 (lớp 68 – 75), đã từng sống với cha Matthew Tchong 2 năm ở Don Bosco Trạm Hành.
[2] X. Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển, Lịch sử Salêdiêng Việt Nam theo vết chân hành trình truyền giáo cha Anre Majcen, Sài Gòn 2006, 593.
[3] Chứng từ của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Thuyến SDB, từng sống với cha Matthew Chung từ ngày 14 tháng 2 năm 1972 đến ngày 20 tháng 3 năm 1975 tại Don Bosco Trạm Hành, Đà Lạt.
[4] Chứng từ của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Thuyến SDB.
[5] Chứng từ của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Thuyến SDB.
[6] Chứng từ của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Thuyến SDB.