CÁCH NÓI CHUYỆN VỚI TRẺ EM

Một buổi chiều mùa thu năm 1860, Don Bosco vào tiệm cà-phê ở Consolata, ngồi trong một phòng riêng biệt để có thể thoải mái đọc và trả lời một xấp thư mang theo. Một cậu bé mảnh khảnh đang lo phục vụ khách hàng, tên là Cotella Giampaolo, 13 tuổi, gia đình ở Cavour, tỉnh Tôrinô. Mấy tháng trước, em đã trốn khỏi nhà vì bị cha mẹ liên tục la mắng dữ dội.

Ông chủ tiệm gọi nó:

– Cotella, đem một tách cà-phê cho linh mục ở phòng bên nhé.

– Tôi mà đem cà-phê cho linh mục à?

– Cậu bé đáp lại như thế vì cậu luôn nghe thấy người ta nói xấu các linh mục.

Ông chủ dứt khoát:

– Mày cứ mang đi

Em miễn cưỡng đi:

– Thưa ông linh mục, ông muốn gì nơi tôi?

Don Bosco nhìn thẳng vào em, rồi dịu dàng nói:

– Này em, tôi muốn một tách cà-phê, nhưng với một điều kiện.

– Điều kiện nào?

– Chính em đem lại cho tôi.

Cậu bé liền bị chinh phục bởi cái nhìn của Don Bosco. Em đem cà-phê lại và không thể rời khỏi Ngài. Với lòng tốt, Ngài bắt đầu hỏi em ở đâu, mấy tuổi và lý do tại sao em trốn khỏi nhà. Sau cùng Don Bosco hỏi:

– Em có muốn đến với tôi không?

– Tới đâu? 

– Tới Nguyện xá. Còn ở đây không thích hợp cho em.

– Đến đó để làm gì?

– Nếu em muốn, em có thể đi học.

– Nhưng Ngài muốn điều tốt cho tôi chứ?

– Ồ, đúng vậy. Ở đó em có thể vui chơi, cười đùa và giải trí.

– Được, tôi tới. Ngày mai có được không?

– Ngay chiều nay.

Và chiều hôm đó, một buổi chiều đầy sương mù và ẩm ướt, Ngài đưa cậu bé về Valdocco. Em ở lại đấy và hằng được yêu mến.

Đó là nghệ thuật Don Bosco dùng để đến với trẻ em: một nghệ thuật chỉ thực hiện được với sự quan tâm và tình thương. Ta có thể rút ra một vài qui tắc tổng quát về nghệ thuật ấy như sau:

* Hãy nhớ trẻ em không phải là một đồ chơi, hay đồ vật: do đó, cần đối xử với em như một con người.

* Khi trẻ em đang ở với bạn, đừng quên rằng em rất dễ dàng nhận ra những cử chỉ biểu lộ sự quan tâm của bạn đối với em.

* Đừng quên rằng cha mẹ hay người hữu trách là những người có trách nhiệm về thái độ và hành vi bình thường của trẻ, vì chúng đã được trao phó cho họ. Lấy quyền mà chế ngự trẻ em là một sai lầm. Ví dụ: “Tại sao con không nghe điều mẹ dạy, con đang ở nhà của mẹ. Tại sao con cứ làm theo ý riêng?” Đó là những lời dễ gây bất hòa.

* Hãy nói cho trẻ em điều em ưa thích và bằng những từ ngữ dễ hiểu. Cụ thể nếu có những nhận xét về điều em làm, chẳng hạn như viết chữ xấu (hãy giúp em tập trung chú ý vào việc em làm) chớ không phải vào khả năng của em. Một việc làm với thiện chí phải luôn được đánh giá cao; và mỗi khi nhận xét về việc trẻ em làm, phải để em tham dự vào cuộc đối thoại, thay vì bắt buộc em im lặng lắng nghe.

* Ngay cả khi trẻ em có vẻ đang say mê chơi đùa, cũng đừng nghĩ là có thể bàn về em, cho dù bằng tiếng ngoại quốc, vì tưởng rằng em không nhận ra ta đang nói về em. Em sẽ biết! Và tệ hơn: người ta tưởng rằng em hoàn toàn không hiểu những gì ta đang nói về em. Em sẽ hiểu và khi ấy sẽ phản ứng lại bằng cách làm những điều do trí tưởng tượng mãnh liệt bày vẽ cho em. Những tư tưởng được hiểu lờ mờ và những lời nói bị hiểu sai là lý do gây nên những âu lo trầm trọng cho các trẻ em.

* Điều quan trọng là chú ý tới trẻ em. Trẻ em ước ao học được cách sống trong thế giới của người lớn; và chúng chờ đợi được họ giúp đạt tới mục tiêu ấy. Một học sinh 15 tuổi đã viết trong nhật ký: “Con người, một hữu thể huy hoàng được thần linh hóa”.

Đó là lý do tại sao mỗi đứa trẻ phải được yêu mến cách sâu xa và siêu nhiên.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


Visited 1 times, 1 visit(s) today