Bản Ghi Nhớ Của Một Thiếu Niên Viết Cho Cha Mẹ Của Mình

Con đang thay đổi, con không còn là một đứa trẻ nữa. Con đang trở thành một thanh niên trưởng thành. Ba mẹ không thể kiểm soát như ngày con còn bé tí nữa.

Tuổi vị thành niên là một giai đoạn thực sự rắc rối đối với con. Trong thời gian này bản thân con phải đối mặt với nhiều sự thay đổi, đây là nét đặc biệt của lứa tuổi này. Nếu ba mẹ chịu khó hiểu được ít nhất một vài những thay đổi này và đối xử với con theo cách khác từ trước tới nay, thì con nghĩ ba mẹ và con sẽ đi đến một sự đồng thuận và vượt qua quãng tuổi nổi loạn của con mà không xảy ra những vấn đề đáng tiếc.

Con đang thay đổi, con không còn là một đứa trẻ nữa. Con đang trở thành một thanh niên trưởng thành.Ba mẹ không thể kiểm soát như ngày con còn bé tí nữa. Trái lại, xin ba mẹ hãy tìm cách đối xử với con như một trong những người bạn đồng đẳng. Xin ba mẹ nhớ rằng con học hỏi được nhiều điều từ một gương sáng hơn là một lời chỉ trích hay trách mắng. Con ước muốn mình được cư xử như một người lớn hơn là như một trẻ nít.

Tính đối đầu, sự cố chấp, bướng bỉnh, bất cần và ước mong độc lập là những thái độ đặc nét nơi một trẻ vị thành niên. Cho nên, ba mẹ đừng cảm thấy bị xúc phạm hay giận dữ nếu như khi con không đồng ý với ba mẹ, nếu như con có mối quan tâm, ý kiến khác với ý của ba mẹ. Nhưng trong mọi trường hợp, con xin ba mẹ hãy nhớ rằng con rất cần đến ba mẹ, nhất là trong lúc này.

Hãy tránh cãi cọ trực tiếp với con. Vẫn biết sức mạnh làm nên người chiến thắng và sự chiến thắng, và trong quá khứ, khi con còn bé tí thì ba mẹ luôn chiến thắng, nhưng bây giờ thì không thể nói như thế nữa. Ba mẹ nên đề ra những quy tắc chính xác đòi con phải tuân theo và đưa ra những hậu quả liên quan đối với những thái độ của con. Ba mẹ hãy tuân giữ và cũng đòi con phải tuân giữ những quy tắc ấy, đồng thời hãy cứ xử phạt con như những gì chúng ta đã thoả thuận, tuy nhiên, ba mẹ hãy làm điều ấy cách thanh thản và chỉ nhằm mục đích giáo dục con.

Ba mẹ đừng ép buộc con phải làm điều ba mẹ muốn. Với cách thức này, ba mẹ không chỉ dậy con về thói gây hấn, cáu kỉnh, mà còn dạy con quy tắc “với sức mạnh, người ta có tất cả”. Nó làm cho con càng nổi loạn và cứng đầu hơn. Tất cả những điều này rồi sẽ đưa con đến chỗ làm ngược lại những gì mà ba mẹ đòi hỏi con.

Hãy tránh đừng lải nhải với con cùng một điều, hỏi con cùng một câu hỏi và liên tục than phiền con. Nếu ba mẹ làm như thế là vì muốn bảo vệ con thì con sẽ phản ứng như một kẻ điếc đặc. Chúng ta không có nhiều cơ hội để ngồi vui vẻ chuyện trò như thuở trước bởi vì con quá bận rộn với lũ bạn qua điện thoại hay các cuộc dã ngoại, đi chơi đêm. Nhưng ngay cả điều này thì con thấy cũng chẳng phải là lý do để ba mẹ càm ràm về những thất bại, lầm lỗi, những gì con phải làm hay không được làm, và những thái độ tiêu cực khác. Ba mẹ chẳng làm gì ngoài việc đổ trên con những bài giảng từ sáng sớm đến chiều tối, tìm cách thuyết phục con hay bày cho con thấy “giá trị của đời sống”, “ý nghĩa của trách nhiệm”! Tại sao thỉnh thoảng chúng ta lại không ngồi lại nói chuyện với nhau cách thân tình? Tại sao ba mẹ lại không nói với con cả về những thành công của con, về mối quan tâm của con, về những điều con ưa thích?

Ba mẹ phải kiên nhẫn với con. Trong mọi sự, con tin mình là thiên tài! Con hiểu tất cả những gì mình phải hiểu. Những người mà xem ra cùng cấp độ thông minh với con chính là những bè bạn của con. Nhưng thời gian gần đây con nhận ra có biết bao điều con đã học được từ ba mẹ trong độ tuổi vị thành niên của mình, và con tin rằng con còn phải học thêm nhiều điều nữa từ cuộc sống.

Rất nhiều lần con lộn xộn trong việc sắp xếp ngăn nắp thứ tự những đồ cá nhân của mình, là điều con phải làm. Ba mẹ biết không, đối với con thì bạn bè, những cô bạn gái, tán gẫu trên điện thoại, đi chơi và các việc đại loại như thế quan trọng hơn rất nhiều so với việc làm bài, hoặc đổ rác, dọn phòng, sắp xếp nhà cửa. Đó không là lười biếng, mà chỉ đơn giản là con lo làm những điều hết sức quan trọng với con thôi. Con thích ở với bạn bè hơn là ở với cha mẹ và gia đình. Ba mẹ cũng đừng giận dữ khi con không nhận lời ra ngoài ăn tối với ba mẹ, không muốn đi thăm ông bà hay không muốn dành thời giờ để chuyện vãn với ba mẹ.

Có những lần, cả những điều nhỏ ba mẹ làm cũng đủ làm con nổi giận. Cả những câu hỏi vô thưởng vô phạt như “Hôm nay con có chuyện gì vui không?” thôi cũng có sức làm dậy lên trong lòng con một cục tức. Nếu có trường hợp thế này thì ba mẹ cũng đừng quá giận dữ với con, bởi có thể lúc ấy con đang bận lòng về một điều gì đó và thế là con tỏ vẻ khó chịu với ba mẹ. Đôi khi con nổi giận cả với chính mình vì con biết rõ rằng con đã sai trái đối với ba mẹ. Con đã luôn muốn trở thành người tử tế và tình cảm dễ thương với ba mẹ, nhưng giai đoạn này con không làm được. Con không muốn ba mẹ bận tâm về con. Con muốn tự mình vượt qua.

Cho dù con muốn cư xử như người lớn, đôi lần con nhận thức được rằng mình đã cư xử như một trẻ nít. Tuy nhiên, thay vì để con muốn làm gì thì làm, xin ba mẹ hãy nói chính xác cho con những gì con phải làm hay không được làm, để làm cho mình có được những ưu thế, những trách nhiệm và sự tự do của một người lớn.

Ngay cả khi xem ra con không muốn, thì ba mẹ cũng hãy biết và nhớ là con rất cần sự thông cảm, khích lệ, và quan tâm tích cực của ba mẹ. Với con, trên thế giới này, con chỉ tin tưởng vào ba mẹ thôi. Ba mẹ nhớ nhé!

Chuyển ngữ: Ngọc Yến


Visited 1 times, 1 visit(s) today