Giáo dục đến một cảm thức đạo đức nhạy bén

Ngày nay, chúng ta hay nói đến việc đạo đức xuống cấp, và đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các nguyên do. Một trong nguyên do lớn nhất đó là chủ nghĩa cá nhân, sự ích kỷ, mà sâu xa hơn đó là sự con người không có ý thức về “người khác” trong đời sống mình.

Trong việc giáo dục cảm thức đạo đức cho người trẻ thì vai trò đầu tiên thuộc về gia đình. Nhưng trong khi vai trò của gia đình rất hệ trọng trong việc hình thành cảm thức đạo đức nơi tuổi thơ và niên thiếu, thì xã hội lại có tầm ảnh hưởng rất mạnh trong việc phát huy hay bóp chết cái cảm thức đạo đức ấy. Đây là điều cần nắm rõ trong việc giáo dục giới trẻ hôm nay.

Cảm thức đạo đức hình thành từ giáo dục gia đình

Cảm thức đạo đức được khởi đi từ việc được giáo dục để biết sống với người khác ngay từ bé. Theo Alessandro Ricci, Giáo sư tâm lý học tại Đại Học Giáo Hoàng Sa-lê-diêng, cảm thức đạo đức và biết nghĩ cho người khác của một đứa trẻ được hình thành trước tiên trong gia đình. Bắt đầu từ việc bắt chước bố mẹ mình trong việc tôn trọng người khác, trân quý các giá trị và lối cư xử hay trong cuộc sống. Việc dạy trẻ trân trọng người khác và có trách nhiệm tự thực hiện những bổn phận của riêng mình như tự làm bài tập, cho đến việc tập cho trẻ tự gánh vác những trách nhiệm nho nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành cảm thức về sự công bằng, cảm thương và biết giúp đỡ.[1]

Một học giả khác là linh mục Giuseppe Morandini, một chuyên gia về sư phạm tôn giáo ở Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana, thì thêm rằng bầu khí đức tin tôn giáo trong gia đình là môi trường hết sức quan trọng trong việc hình thành cảm thức đạo đức nơi đứa trẻ. Khi lên 6-7 tuổi, đứa bé bắt đầu cảm nhận được về người khác và những nhu cầu của họ. Đây là thời điểm để hình thành cho trẻ cảm thức cơ bản về tình liên đới, cần tập cho trẻ nghĩ về người khác dựa trên kinh nghiệm của chính đứa trẻ, bằng lối so sánh rằng họ cũng có những sở thích, nỗi buồn hay ước ao giống mình. Có thể nói đây là giai đoạn bản lề của việc giáo dục. Từ 12-14 tuổi, người thiếu niên lại đang cần những động lực để hình thành những thói quen tốt. Đây là độ tuổi thích phê bình, chống đối và hay thắc mắc. Thái độ giáo dục duy nhất là đối thoại, kiên nhẫn lắng nghe và giải thích. Những hình thức cầu kỳ và những bài học rập khuôn cũ kỹ sẽ không có tác dụng mấy, nhưng việc sử dụng khéo léo phương tiện truyền thông và các hội đoàn (nơi đứa trẻ tham gia) là những phương tiện hữu hiệu hơn cả.[2]

Dù vậy, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng gia đình là nơi đầu tiên hình thành cho trẻ cảm thức đạo đức, nhưng không phải một mình gia đình có thể làm hết mọi chuyện. Trường học, truyền thông, môi trường xã hội của người thanh thiếu niên… là những yếu tố khác hết sức quan trọng.

Trong khuôn khổ hạn hẹp, xin trình bày một vài yếu tố quan trọng, đó là ảnh hưởng của văn hoá tiêu thụ – hệ quả của kinh tế thị trường – trên việc hình thành cảm thức đạo đức của giai đoạn tiếp theo: tuổi thanh niên và người trưởng thành.

Kẻ thù của cảm thức đạo đức: Văn hoá tiêu thụ

Stefano Bartolini, một nhà kinh tế xã hội học của Đại Học Siena (Ý), khẳng định rằng kẻ thù làm cho các tương quan đạo đức hiện nay nghèo nàn chính là văn hoá tiêu thụ. Lý do là lối sống tiêu thụ âm thầm giết chết các động lực đạo đức và thay thế bằng các động lực ích kỷ, tiền bạc và hưởng lợi. Từ đó người ta làm mọi chuyện với người khác chì vì một mục đích là được lợi kinh tế.

Các khảo cứu này cho thấy những người đặt nặng việc tìm vui trong mua sắm và xài tiền thì luôn ít cảm thấy hạnh phúc, hay lo lắng, dễ tự ái và có nguy cơ trầm cảm cao hơn. Những nghiên cứu của Khanna và Kasser (2001) cho thấy những người mắc chứng thích mua sắm thường tự cảm thấy cô đơn và lẻ loi hơn trong xã hội, dễ quỵ luỵ trong các mối tương quan. Một cách vô thức, họ nuôi những ước mơ đi ngược với việc gia tăng tình nghĩa sâu đậm với bạn bè.

Cũng theo Kasser, việc tìm hạnh phúc trong tiêu xài cũng làm nghèo nàn tình nghĩa với bạn bè và người yêu. K. M. Sheldon và M. Flanagan (2002) thì cho thấy rằng những người thích mua sắm và hưởng thụ thường có những hành vi hung dữ và bất đồng với người yêu hơn. Theo P. Cohen và J. Cohen (1996), khẳng định bản thân bằng hàng hiệu và việc tiêu xài khiến giới trẻ có những cung cách lập dị và quá chú tâm đến bản thân trong giao tiếp, khiến họ gặp khó khăn trong việc tạo nên những mối quan hệ chân tình, kết quả là mất tin tưởng vào cuộc sống và tạo nên tính cách tiêu cực.

Nói tóm lại, các nhà tâm lý xã hội học này cho thấy một sự liên hệ chặt chẽ giữa văn hoá tiêu thụ, cách khẳng định bản thân và lối cư xử với người khác.

Đi tìm lý do chủ nghĩa tiêu thụ làm nghèo nàn quan hệ tình nghĩa

Đâu là lý do khiến nền kinh tế thị trường và văn hoá tiêu thụ trở thành kẻ đại thù của cảm thức đạo đức? Một nghiên cứu của A. Belk (1985) cho thấy những người đặt nặng vai trò của việc mua sắm và hưởng thụ thì cũng kém quảng đại với người khác hơn. Còn Mc Hoskey (1999) thì chứng minh những người nuôi khát vọng cao về kinh tế thường dành ít cơ hội cho các hoạt động giúp gia tăng xã hội tính, như giúp đỡ bạn bè, làm thiện nguyện. Năm 2002 Kasser và Sheldon làm một nghiên cứu về văn hoá tiêu thụ và sự thấu hiểu – tức khả năng đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Theo đó, người biết thấu hiểu là người đồng ý với quan niệm rằng “trước khi phê bình ai, hãy cố đặt mình vào cảm giác của người đó” và không đồng ý rằng “không cần phải mất giờ lắng nghe ai làm gì, nếu tôi đã biết chuyện đó rồi”. Hai nhà nghiên cứu kết luận là người càng đề cao niềm vui tiêu xài và mua sắm thì càng ít thấu hiểu người khác.

Năm 2001 Khanna và Kasser nghiên cứu một sự liên quan giữa các giá trị đạo đức và “tình bạn thực dụng”, tức là xu hướng chọn chơi với những người bạn giúp mình thăng tiến trong sự nghiệp mà thôi. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi đề cao việc tiêu xài, người ta cũng đặt nặng mục đích thực dụng khi kết thân với bạn bè. Quan niệm phổ biến trong văn hoá tiêu thụ là: “Tôi thích chơi với người tài giỏi vì họ giúp tôi trở nên tài giỏi” và “nếu một người bạn không giúp ích gì cho tôi thì tôi nên kết thúc tình bạn với họ”.

Lý thuyết về sự thay đổi động lực

Nền kinh tế thị trường phải tự tạo động lực cho mình bằng cách kích thích nhu cầu, từ đó tạo nên lối sống được gọi là chủ nghĩa tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ đề cao việc tìm vui trong mua sắm và tiêu xài, đẩy người ta đến lối đánh giá mọi sự bằng đồng tiền. Khi chỉ đánh giá nhau bằng đồng tiền và vật chất, người ta giết chết chữ tâm trong mọi tương quan tình nghĩa và đạo lý.

Khẳng định trên được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu thực tiễn của các nhà xã hội học[3]: Đó là lý thuyết về khả năng đồng tiền giết chết cái tâm đạo đức một cách êm ái như một quy luật.

Từ những năm 70, nhà xã hội học Tismuss (1970) đã thử nghiệm sức mạnh của đồng tiền bằng cách thưởng tiền cho những người đi hiến máu nhân đạo ở Anh. Kết quả là sau khi áp dụng việc thưởng tiền, số người đi hiến máu giảm hẳn xuống. Lý do đơn giản là trước đây người ta đi hiến máu vì nghĩ đến mạng sống của người khác. Khi thưởng tiền cho việc họ làm, người ta bắt đầu không còn nhớ đến động lực đạo đức trước đây nữa. Người ta đi hiến máu chỉ còn vì tiền, và khi không cần tiền nữa thì cũng không cần phải hiến máu nữa. Vậy mạng sống người bệnh thì sao?

Nghiên cứu thứ hai được thực hiện bởi hai nhà tâm lý học Deci và Ryan, thử nghiệm trên hai nhóm người chơi ráp hình puzzle. Nhóm thứ nhất được thưởng một số tiền nếu ráp xong hình. Nhóm thứ hai chỉ được mời gọi làm một tác phẩm ráp hình để ngắm thôi, chứ không có thưởng gì. Kết quả là nhóm một làm rất nhanh và cẩu thả cho xong, rồi ai nấy nhận tiền và về nhà mình. Nhóm hai thì làm một cách tỉ mẫn, sau đó họ còn ở lại chơi với nhau rất lâu để ngắm nghía tác phẩm của mình. Kể từ đó tình bạn giữa những người trong nhóm hai càng thắt chặt hơn rất nhiều.

Lý giải cho các hiện tượng này, các nhà tâm lý xã hội học dựa trên sự phân biệt giữa hai loại động lực dẫn tới hành động: một là động lực bên trong (động lực nhân bản, đạo đức, tôn giáo…) và một là động lực bên ngoài (động lực thực dụng, ích kỷ: ví dụ lợi ích kinh tế…). Hai loại động lực này có xu hướng thay thế nhau, loại trừ nhau, nếu ta cố tình gia tăng một bên. Khi gia tăng kích thích kinh tế trên việc hiến máu, thì động lực kinh tế thay thế và giết chết luôn cái động lực đạo đức.

Việc tìm vui trong tiêu thụ và đánh giá nhau bằng lợi ích kinh tế làm cho đời sống chung trở thành một thị trường thực dụng để trục lợi. Động lực đạo đức hình thành từ thuở ấu thơ dần thay thế bằng ích lợi kinh tế. Điều này đã góp phần chính yếu làm chai lỳ lương tâm đạo đức, bóp chết khả năng tha thứ và biết nghĩ cho người khác, làm tê liệt cái khả năng mở ra để sống với nhau và cho nhau. Việc giáo dục cảm thức đạo đức cho giới trẻ cần quay về với việc đề cao các mối quan hệ nghĩa tình, biết trân trọng người khác vì bản thân mỗi người có giá trị duy nhất và cáo quý, trước khi biết họ có khả năng và tài sản gì và chân nhận bản chất con người vốn có tính liên đới, tức là đã sống là phải sống với người khác, sống cho ai đó và sống nhờ công ơn của ai đó.

Lm. Bart. Phan Trần Thái, SDB

_________________________________

[1] x. Alessandro Ricci, Famiglia tra risorse ed emergenza, LDC, Torino, 2011, 77-78.
[2] x. Giuseppe Morandini, La famiglia cristiana oggi, Proposta Cristiana, 1997.
[3] x. S. Bartolini, Manifesto per la felicità, Donzelli, Roma, 2010, 110.


Visited 1 times, 1 visit(s) today