Ai đang tổn thương ai? Cần một lối nhìn trách nhiệm về hiện tượng “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”

Ai cũng có nỗi đau, và lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta trải qua những giai đoạn khó khăn đến mức không thể hiểu nỗi và không biết làm cách nào để vượt qua.

Trong lúc đau khổ như vậy, có gì quan trọng cho bằng việc bạn được lắng nghe, bạn được gọi tên, và được là một ai đó trong một tập thể? Đột nhiên, những ràng buộc xã hội biến mất, bạn được chấp nhận như chính bạn là? Rồi bạn nhận ra cuộc đời thật ngắn ngủi, sẽ sớm kết thúc thôi, và khi đó, để bước vào một thế giới mới, cuộc sống mới phồn vinh hơn, nơi bạn không bị phán xét bởi những việc xấu bạn đã làm trong quá khứ, bạn cần bắt đầu dùng hết thời gian và những gì bạn có trong khoảng đời còn lại để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và để “đền tội”. Liệu bạn có sẵn lòng không? Liệu bạn có thấy rằng đây là lối thoát khả dĩ nhất cho những bế tắc hiện tại không?

Và đây là cách mà “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” dùng để mời gọi thành viên mới. Trong bài này, người viết cố gắng sử dụng luận điểm khách quan nhất có thể, và cũng mời đọc giả hãy gạt bỏ những định kiến vốn có, để cùng tìm ra nguyên nhân cốt lõi mà những thành viên của hội này trở nên cuồng tín đến như vậy.

Việc các bài viết tràn lan trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc (nơi chốn, thời gian,…) khiến cộng đồng có một cái nhìn phản cảm về hội này. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu trên trang web chính thức của hội1, cũng như loạt bài phỏng vấn của NBC2 về các thành viên của hội, nghe các “lời chứng” (testimony) của thành viên hội, và cả những “lời cáo buộc” của những người đã từng gia nhập hội, xin được đúc kết một số điều như sau:

1. Đối tượng được “chiêu sinh” không phải là sinh viên hay phụ nữ, mà là tất cả những người nhẹ dạ, có tín ngưỡng tâm linh nhưng lại hời hợt. Đối tượng đang trải qua những khủng hoảng nhất định trong cuộc sống, đang tìm kiếm sự an ủi và đồng cảm, đang cần một sự hướng dẫn trong hành trình tìm ra ý nghĩa sống của mình. Đây là những người đang thấy cuộc đời của mình bất chợt thật trống rỗng và vô nghĩa. Họ được tiếp cận, và mời gọi tham gia vào một cộng đồng yêu thương, cho họ tất cả những cảm giác mà họ đang tìm kiếm.

Vậy, vấn đề đầu tiên được đặt ra đó là khao khát được đồng hành thiêng liêng và được lắng nghe. Sự hiện diện và đồng điệu của những tâm hồn khi gặp phải các khó khăn trong cuộc sống là một nhu cầu không thể chối cãi. Phải chăng việc nhiều người dễ dàng bị thuyết phục bởi hiện tượng tôn giáo mới này này chứng tỏ chúng ta đã đánh mất nghiêm trọng khả năng lắng nghe nỗi khổ của nhau trong cuộc sống? Hơn nữa, việc có tín ngưỡng tâm linh hoặc hướng thượng giúp con người ta sống tốt hơn khi biết tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, hướng về trời cao thôi chưa đủ, cần phải có một niềm tin và hiểu biết về đức tin của mình nữa. Cần phải cắm rể vào đức tin của mình để tin và yêu3, bởi vì đức tin không chỉ là việc của trái tim mà còn là việc của khối óc nữa.

2. Có người nói về việc sử dụng các loại bùa lú, thuốc mê, thôi miên… thật ra không có kiểm chứng đáng tin cậy về điều này. Người viết đặt giả thiết về việc hội này đã sử dụng rất tốt lợi thế của “tâm lý đám đông” (mob psychology). Tâm lý đám đông được định nghĩa là “khi một nhóm các cá thể cùng tham gia và phản ứng về một chủ đề, các phản ứng của họ thường đơn giản, dễ đoán và đi kèm các cảm xúc mãnh liệt”4. Và các nhà nghiên cứu tâm lý học cũng cho thấy rằng, khi tách rời các cá nhân này ra khỏi tập thể cuồng nhiệt, cách hành xử, suy nghĩ, phản ứng của từng cá thể này cũng sẽ thay đổi5.

Như vậy, nếu không có những người bị cộng hưởng bởi sức ép của đám đông và sợ mình khác mọi người khi can đảm làm điều ngược lại với đám đông và đấu tranh cho giá trị mình tin, thì liệu hội này có lôi kéo được ai không?

3. Sau khi tìm hiểu, người viết nhận thấy các “nhà thờ” của hội này luôn có rất nhiều các hoạt động, và bạn gần như có thể ở suốt ngày trong “nhà thờ” mà vẫn không hết việc. Họ khuyến khích, thúc ép, và thuyết phục thành viên sống với và sống trong cộng đoàn, đóng góp 200% năng lượng cho các việc “truyền giáo” và trau dồi giáo lý. Khi bạn không còn thời gian để dành cho các tương quan xã hội như gia đình, bạn bè, công việc, giải trí và quân bình cuộc sống, thì lúc đó bạn trở nên dễ bị chinh phục nhất. Thân xác mệt mỏi, trí óc kiệt quệ, bạn mất đi khả năng phán đoán và kháng cự. Hơn nữa, khi liên tục được “tuyên truyền” về một ngày tận thế đang dí sát sau lưng, bạn được chỉ cho thấy rằng bạn đã sống tội lỗi như thế nào, và bạn cần làm nhiều hơn để kịp đền bù những bất xứng. Bạn được “mặc khải” về một thiên chúa bảo vệ bạn dựa trên những việc bạn làm chứ không phải một Thiên Chúa yêu thương và tôn trọng tự do của con người. Khi bị ám thị bởi quá nhiều những mặc cảm tội lỗi, quá nhiều những điều cấm kỵ, bạn trở nên yếu đuối trước mặt một đấng khiến bạn sợ hãi hơn là thấy bình an. Và khi ngày tận thế sẽ đến sớm thôi thì việc sinh ra một đứa trẻ là tàn nhẫn và ích kỷ, chính vì vậy họ khuyến khích việc phòng tránh thai, và phá thai6.

Đến đây, người viết nhận ra, với cùng cách gọi “Thiên Chúa” nhưng Thiên Chúa mà chúng ta đang tin lại rất khác với vị thiên chúa mà hội này đề cập tới, dù sử dụng chung nhiều nguồn sách Kinh Thánh.

4. Cuối cùng, điều đáng tiếc là chúng ta bị mắc phải thói quen tiếp nhận thông tin và từ chối kiểm chứng, và một lần nữa, chúng ta bị cuốn theo đám đông. Chúng ta nhặt cục đá lên để ném trước khi tự hỏi “mình có vô tội không”. Ngược lại, chúng ta dễ dàng tin tưởng những điều chúng ta tưởng là hay mà không buồn kiểm tra xem điều đó hợp lý tới mức nào, những thông tin đó từ đâu mà có, nguồn gốc có đáng tin cậy không?

Bạn biết đó, những bình luận và thoá mạ nhau trên internet sẽ không bao giờ mất đi, nó nằm ở một đám mây ảo nào đó, nó vẫn được lưu trữ cách này cách khác trên mạng truyền thông. Và hơn hết, nó sẽ tạo một vết hằn trong lòng những người bị chỉ trích.

Nếu chợt có ai đó nhận ra họ đang lạc lối và mong muốn quay lại, nhưng khi vừa quay đầu lại đã bị bức tường dị nghị chặn lối và những lời phỉ báng của bạn làm cho tổn thương sâu hơn, bạn nghĩ họ sẽ quay lại nữa không?

Truyền thông phát triển là cơ hội và thách thức của Giáo hội và Xã hội. Chính bạn là người sẽ góp bão hay góp bình an cho GIáo hội. Bạn quyết định góp điều gì? Và với một nguồn năng lượng hữu hạn của con người, bạn sẽ dùng năng lượng này để ném đá hay để dang rộng vòng ta và tìm cách an ủi những người anh chị em của mình?

_____________________________

Các nguồn tham khảo:

1 https://wmscog.com/beliefs/
2 https://www.youtube.com/watch?v=dvM8JvUn9CI
3 Thông điệp của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong Đại hội Giới trẻ thế giới 2011 tại Madrid
4  The Corsini Encyclopedia of Psychology
5 Psychology of the crowds
6 Former Members Allege New Jersey Church, South Korea-Based World Mission Society Church of God, is Actually a ‘Cult’

Bài viết của HNTT, một giáo dân Công Giáo


Visited 3 times, 1 visit(s) today