Qùa tặng Tình yêu
Cách đây hơn 80 năm, có nhiều đoàn di dân đông đảo từ Âu Châu đến Úc Châu để lập nghiệp. Trong đoàn người du cư đó, người ta bỗng nghe thấy những tiếng khóc xé lòng của một đứa bé bên vệ đường. Tiến lại gần, đám đông nhận ra một thằng bé còn đỏ hỏn đang giãy dụa nằm khóc bên cạnh xác chết của một phụ nữ. Mẹ đứa bé đã chết vì đói khát và nhọc mệt. Khuôn mặt tím tái và hốc hác của bà trông thật lãnh lẽo. Bầu vú của người phụ nữ hầu như đã cạn kiệt, nhưng kỳ diệu thay đứa bé vẫn còn sống. Nó đang mân mê mút những đầu ngón tay của người mẹ và những giọt máu hiếm hoi của bà đã cứu sống đứa con. Chính người phụ nữ xấu số với tình mẫu tử bất tận đã truyền những giọt máu cuối cùng của mình cho đứa con để nó được sống. Tuy đã chết, nhưng bà ta vẫn còn sống mãi trong tâm hồn của đứa trẻ thơ. Năm mươi năm sau, đứa bé lớn lên và trở thành chủ tịch quốc hội nước Úc. Trong một phiên họp, ông đã kể lại câu chuyện cảm động trên trước hội nghị và đề nghị thành lập ngày lễ quốc gia tôn vinh tình mẫu tử cao cả và cũng để tưởng nhớ hương hồn của người mẹ thân yêu, đã trao hiến những giọt máu quý giá cuối cùng để cho ông ta được sống.
Ngày hôm nay, Giáo hội cũng kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khác tương tự, nhưng câu truyện hôm nay còn sâu xa hơn và thâm thúy hơn rất nhiều. Câu truyện ấy mang tựa đề ‘Quà tặng tình yêu’ được hiển thị qua lời tuyên bố của Đức Giêsu : “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”. Đây không phải là một câu chuyện hư cấu hay hoang tưởng, nhưng đã thực sự xảy ra cách đây 2000 năm và câu truyện ấy đang được lập lại mỗi ngày nơi bàn tiệc Thánh thể trên bàn thờ.
Bữa tiệc tình yêu
Đó là quà tặng cao cả nhất mà Thiên Chúa hiến ban. Một nhà tu đức đã nói : “Thiên Chúa không thể làm điều gì vĩ đại hơn thế nữa. Ngài đã thực hiện một giấc mơ hết sức điên rồ, là phân thây xẻ thịt chính người con một yêu dấu để trao tặng chúng ta”. Khi đàm đạo với Nicôđêmô, Đức Giêsu đã nói : “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính Người Con một yêu quý, để ai tin vào người con ấy, sẽ được sống đời đời” (Ga 3,16). Chúng ta là những thực khách được mời ‘free – of – charge’, không phải trả đồng nào trước sự quảng đại của Thiên Chúa. Đó là mối tình ‘cho không, biếu không’ mà Thiên Chúa đã chủ động thực hiện. Thánh Tôma Aquinô đã viết : “Điều sỉ nhục lớn nhất đối với Thiên Chúa là khi Ngài trao ban tình yêu cao cả không điều kiện, nhưng chúng ta lại nhẫn tâm từ chối”.
Bàn tiệc hiệp thông
Bí tích Thánh Thể vẫn được Giáo hội gọi là Bí tích của sự Hiệp thông (Holy Communion). Sau khi thiết lập Bí tích Thánh Thể tại nhà tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha ‘Xin cho họ nên một’ (Ut unum sint) như chúng ta là một. Chúng ta hãy bắt chước cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, như sách Tông đồ Công vụ thuật lại :‘Họ chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Họ sống hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Tất cả đều đồng tâm nhất trí. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ (Cv 3, 42 – 46). Đây là hình mẫu để các cộng đoàn tín hữu chúng ta noi theo.
Bàn tiệc đức tin
Trên hết, Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc đức tin. Ngay sau khi truyền phép, vị chủ tế công bố ‘Đây là mầu nhiệm đức tin’. Trong lăng kính đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy Đức Kitô hiện thân nơi vị linh mục khi Ngài cử hành Thánh lễ. Vị linh mục ‘In Personna Christi’, mặc lấy chính ngôi vị của Đức Kitô đang làm tái hiện hy lễ Thập giá trên bàn thờ. Nếu không có đức tin, chúng ta chỉ đến nhà thờ giống như đi xem một vở kịch, hoặc thậm chí chỉ là đi tham dự một lễ hội với những nghi thức ầm ĩ bên ngoài. Nhiều giáo xứ vẫn thường tổ chức những ngày chầu lượt rất sầm uất và đông đảo, nhưng nếu chúng ta đến nhà thờ mà không phát xuất từ cảm thức đức tin, tất cả đều trở nên vô nghĩa và rất thừa thãi.
Một trong những giấc mơ in đậm dấu ấn trong cuộc đời của Cha Thánh Gioan Bosco, đó là giấc mơ về con thuyền Giáo hội lênh đênh giữa biển khơi ngập đầy bão tố. Người lạ mặt nói cho Don Bosco biết rằng, muốn cho con thuyền khỏi tròng trành và không bị nhấn chìm, hãy neo chặt nó vào hai cây cột ở phía trước. Trên cột thứ nhất có Mình Thánh Chủa và hàng chữ đi theo ‘Salus Credentium’ (Ơn cứu độ của các tín hữu). Trên cột thứ hai có tượng Đức Mẹ và hàng chữ đính kèm ‘Auxilium Chistianorum’ (Sự phù trợ của các Kitô hữu). Vì thế, Don Bosco luôn nhắc lại cho các con cái của Ngài 3 lòng yêu mến (devotion) mà chúng ta cần thể hiện: Yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể; Yêu mến Mẹ Maria và yêu mến Giáo hội (hiện thân nơi Đức Thánh Cha).
Tại Paris, giữa một thành phố nhộn nhịp đầy những tụ điểm ăn chơi, cộng đoàn nữ tu ‘L’Eau de Vie’ (Nước Sự sống) cũng mở một nhà hàng với rất đông thực khách ở phía dưới. Ở tầng trên, các nữ tu đặt Mình Thánh Chúa và thay phiên nhau cầu nguyện 24/24 để tôn kính Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống đức tin Kitô hữu. Đây là quà tặng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện để diễn bày tình yêu cao cả của Ngài.
Kết luận
Thánh Tôma Aquinô đã nói : “Bánh mì nuôi sống con người, nhưng sẽ giết chết những con chim diều hâu”. Diều hâu ăn bánh mì vào, nó sẽ bị nghẹt thở và sẽ chết. Cũng thế, khi được mời ngồi vào bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cần phải loại bỏ tất cả những trái tim mang hình thái diều hâu ra bên ngoài, tức là những hận thù, ghét ghen, gian dối, lọc lừa hay những tham lam bất chính. Thánh Phaolô từng cảnh báo : “Ai lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa một cách bất xứng, kẻ đó tự lãnh lấy án phạt cho mình”. Vì thế, mỗi khi lên rước lễ, Giáo hội dạy chúng ta hãy khiêm tốn xin Chúa tẩy rửa tâm hồn với lời nguyện : “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành sạch”. Nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu, Đấng Cứu chuộc muôn dân (IHS –Iesus Hominum Salvator) đang hiện thân và Ngài chính là quà tặng vĩ đại nhất được hiến trao cho nhân loại.
Xin Chúa kiện cường đức tin yếu kém nơi mọi người, mỗi khi chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể.
Văn Hào, SDB