Trung ương – “Cách thức những người Salêdiêng sống và mục vụ giới trẻ trong nền văn hóa kỹ thuật số”: đối thoại với Cha Gildasio Mendes, SDB – Tổng cố vấn Truyền thông

(ANS – Rome) – Trong phần “Hướng dẫn và Chỉ thị” của Công báo Ban tổng cố vấn số 440, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2023, có một lá thư của cha Gildasio Mendes, Tổng Cố vấn về Truyền thông Xã hội, với tựa đề : “Đồng hành với giới trẻ trong nền văn hóa kỹ thuật số”. Tài liệu này, được thúc đẩy bởi những yêu cầu từ nhiều nơi khác nhau trong thế giới Salêdiêng, là kết quả của công việc chung được thực hiện trong Lĩnh vực Truyền thông Xã hội, sau các cuộc đối thoại với từng Cố vấn, các chuyến thăm và nhiều cuộc gặp gỡ. Tài liệu này được trao cho mọi Salêdiêng như một lời mời học hỏi thêm về những phương tiện không thể thiếu này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, học cách liên hệ với chúng và sử dụng chúng sao cho mang tính mục vụ giới trẻ.

Vì lý do này, hãng thông tấn Salêdiêng (ANS) đã phỏng vấn cha Tổng cố vấn truyền thông và trong cuộc phỏng vấn này, với việc trả lời 10 câu hỏi, cha Gildasio Mendes giới thiệu tài liệu và giải thích ý nghĩa cũng như mục đích của nó.

🍁Tại sao Ban Truyền thông Xã hội lại công bố Thư “Đồng hành cùng giới trẻ trong nền văn hóa kỹ thuật số”?

Chúng ta đang trải qua một cuộc cách mạng trong thế giới truyền thông và sẽ không còn điều gì giống như trước nữa. Chúng ta, những người Salêdiêng, được mời gọi đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mang tính thời đại mà sự thay đổi to lớn này đang mang lại. Công nghệ thay đổi, nhưng giá trị Kitô giáo vẫn không thay đổi. Bức thư nhắc lại những giá trị này, những giá trị đối với chúng ta là điểm tham chiếu thiết yếu cho việc giáo dục giới trẻ. Trong bối cảnh đang phát triển này, điều quan trọng là chúng ta phải giải thích thực tại kỹ thuật số, bắt đầu từ quan điểm Salêdiêng.

🍁Bức thư được viết ra từ một câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể sống và truyền tải Don Bosco và đoàn sủng của ngài trong thế giới kỹ thuật số mà không đánh mất tâm hồn mình?”. Vậy giờ đây, làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó?

Mục tiêu của chúng ta là luôn theo kịp thời đại. Cùng với giáo dân, chúng ta muốn trở thành những nhà thông dịch về thế giới đương đại: lắng nghe các thế hệ mới; đồng hành với người trẻ trong thế giới xã hội của họ; tìm những ngôn ngữ mới và những phương pháp mới để giáo dục họ về tình yêu, ý nghĩa cuộc sống, trách nhiệm cá nhân và xã hội, việc xây dựng kế hoạch sống của họ, bắt đầu từ các giá trị của Tin Mừng và Hệ thống Dự phòng. Tức là truyền thông và truyền giáo, truyền thông và giáo dục.

🍁Bức thư nêu rõ rằng chúng ta phải đảm bảo rằng “không gian trực tuyến không chỉ an toàn mà còn mang lại sự sống về mặt tinh thần”. Làm thế nào để thực hiện được điều này?

Đối với chúng ta, kỹ thuật số không phải là một xu hướng. Đó là cơ hội để giao tiếp với những người trẻ trong môi trường sống của họ. Trong môi trường này, các bạn trẻ mang theo ước mơ, câu chuyện, thử thách và sự sáng tạo của mình. Không chỉ thế. Họ tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng đối với cuộc sống của họ. Đây là lý do tại sao việc thiết lập một cuộc đối thoại với họ là điều cần thiết. Điều này có nghĩa là hiểu ngôn ngữ của họ, đồng hành với họ trên hành trình của họ, chỉ ra những giá trị mà không khiến họ cảm thấy bị phán xét. Thông qua sự hỗ trợ này, một hành trình chia sẻ và mang lại sự sống sẽ ra đời.

🍁Nếu chúng ta muốn tác động đến cuộc sống của giới trẻ, chúng ta cần đào tạo các tông đồ và nhà truyền giáo kỹ thuật số. Cha có nghĩ rằng những người Salêdiêng đã được đào luyện đầy đủ về khía cạnh này không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét những khuyến nghị của Giáo hội, vốn luôn phải đối mặt với những thách thức lớn lao của thế giới đương đại. Trên thực tế, nó mời gọi chúng ta đào sâu hơn vào chiều kích nhân học và đạo đức của thế giới kỹ thuật số. Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, “Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi” nêu rõ rằng “Môi trường kỹ thuật số đại diện cho một thách thức đối với Giáo hội trên nhiều cấp độ; do đó, điều cần thiết là phải đào sâu kiến thức của chúng ta về động lực và ý nghĩa của nó theo quan điểm nhân học và đạo đức” (số 145).

Gần đây, Tài liệu của Phiên họp thứ nhất của Thượng hội đồng Giám mục thường niên lần thứ XVI đã tuyên bố rằng “chúng ta không thể Phúc âm hóa nền văn hóa kỹ thuật số nếu trước tiên không hiểu nó” (số 17, d). Với sự giúp đỡ của các nhà thần học và các nhà giáo dục, điều quan trọng là phải đào sâu và khuyến khích những kinh nghiệm mà chúng ta hiện có được trong lĩnh vực này.

🍁Giáo dục và truyền giáo là hai trụ cột của sứ mạng Salêdiêng. Tu hội đang thực hiện những nỗ lực nào để truyền giáo trong môi trường kỹ thuật số?

Tu hội Salêdiêng đã tạo ra một phong trào các nhà truyền thông liên tục theo dõi sự phát triển của kỹ thuật số. Chúng tôi đã kích hoạt suy tư liên ban ngành, tận dụng kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu từ các trường đại học của chúng tôi. Hơn nữa, Ban truyền thông – cùng với Ban Mục vụ giới trẻ, Đào luyện, Truyền giáo và Kinh tế – đã phát triển một chương trình đầy đủ các cuộc họp đào luyện và sự kiện để hiểu và quản lý hiện tượng này một cách thông minh và sáng tạo. Trong quá trình này, người trẻ luôn là nhân vật chính, thông qua các tác phẩm video, phim ảnh, âm nhạc, khiêu vũ và mọi hình thức nghệ thuật.

🍁Báo cáo của Thượng Hội đồng nêu rõ rằng điều quan trọng là tạo ra mạng lưới những người có ảnh hưởng, bao gồm những người thuộc các tôn giáo khác, hoặc thậm chí những người không tuyên xưng bất kỳ đức tin nào, nhưng muốn cộng tác vì những mục đích chung nhằm thúc đẩy phẩm giá con người, công lý và chăm sóc Ngôi nhà chung. Cha nghĩ sao?

Sứ mệnh của Giáo hội và Tu hội là việc truyền giáo bắt đầu từ tính liên văn hóa. Nên duy trì cuộc đối thoại sống động, tôn trọng các quan điểm khác nhau. Làm việc với những người thuộc các tôn giáo khác, hoặc không theo tôn giáo nào, là điều rất quan trọng đối với chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể phát triển men sự sống, men tình yêu, tinh thần liên đới có nơi mỗi người. Bạn không chiến thắng một mình. Chúng ta là một phong trào lớn gồm những người hoạt động ở các nền văn hóa và lục địa khác nhau, nhằm phục vụ giới trẻ, đặc biệt là những người nghèo nhất. Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể chăm sóc Ngôi nhà chung và xây dựng hòa bình. Là những nhà truyền thông, chúng ta luôn là những nhà giáo dục cho giới trẻ.

🍁Cha đã nói rằng, nếu Don Bosco có mặt ở đây ngày hôm nay, ngài sẽ là một nhà thám hiểm kỹ thuật số và sẽ ngay lập tức cống hiến hết mình cho các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để truyền thông và tiếp cận giới trẻ. Theo cha, cụ thể, Don Bosco sẽ làm gì?

Don Bosco nói rằng người Salêdiêng phải “đi cùng thời đại”, “yêu những gì người trẻ yêu thích”. Điều này có nghĩa là có mặt ở nơi người trẻ đang ở, ở bên cạnh họ. Don Bosco là người đi đầu, và tôi nghĩ hôm nay ngài cũng muốn như vậy. Ngài sẽ không có thái độ từ chối kỹ thuật số, mà lắng nghe những yêu cầu, cơ hội và nguy hiểm nảy sinh trong đó.

🍁Làm thế nào để chuẩn bị cho người Salêdiêng đối mặt với tương lai kỹ thuật số?

Ngày nay chúng ta đang đắm chìm trong cuộc cách mạng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh thay đổi, điều quan trọng luôn là bắt đầu từ căn tính của chúng ta là những người Salêdiêng tận hiến cho giới trẻ. Chủ đề của Tổng Tu nghị lần thứ 29 là “Đam mê Chúa Giêsu Kitô, tận hiến cho giới trẻ. Vì một cuộc sống trung tín và mang tính ngôn sứ trong ơn gọi Salêdiêng của chúng ta”. Chúng ta phải trung thành với ơn gọi của mình và làm chứng cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô và những người trẻ nghèo nhất.

Chúng ta phải đảm bảo năng lực giáo dục và kỹ thuật để duy trì đời sống tinh thần và cảm xúc lành mạnh. Hơn nữa, điều quan trọng là phải nuôi dưỡng tinh thần biết phê bình đối với kỹ thuật số, hiểu rõ các cơ chế và trò chơi quyền lực của nó. Sứ mệnh của chúng ta là nhân đạo hóa kỹ thuật số, bắt đầu từ các giá trị của Tin Mừng, luôn đảm bảo rằng giới trẻ là nhân vật chính của quá trình này.

🍁Bất chấp tất cả những đổi mới về công nghệ, tầm quan trọng của sự hiệp thông huynh đệ trong truyền thông là gì?

Lá thư về Kỹ thuật số đã nhấn mạnh rằng nền tảng của truyền thông Kitô giáo là Tin Mừng. Truyền thông bắt đầu từ Tin Mừng có nghĩa là khẳng định các giá trị của tình huynh đệ, lòng thương xót, lòng trắc ẩn, bác ái và sự liên đới đối với những người nghèo nhất. Ngay cả trong truyền thông kỹ thuật số, thông điệp của chúng tôi bắt nguồn từ những trải nghiệm mà chúng tôi sống hàng ngày thông qua các công việc của mình nhằm phục vụ người khác.

🍁Để kết luận, bằng cách đưa ra câu hỏi được đặt ra ở phần mở đầu lá thư: làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục là những người truyền thông, trung thành với Don Bosco và đặc sủng của ngài, trong một thế giới đang thay đổi?

Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục sống và làm chứng cho đoàn sủng Salêdiêng trên bình diện toàn cầu. Giới trẻ là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Ở giữa họ, lắng nghe họ, cùng đi với họ, như Don Bosco đã dạy chúng ta, là cách tốt nhất để không mất liên lạc với họ. Don Bosco luôn khẳng định rằng luôn có một kế hoạch cho mỗi người chúng ta: sống với niềm vui và lòng quảng đại cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đây là trái tim của thông thực sự!

Link Download tài liệu: infoans.org/…/304_c94448607b834728fb8de67a39dc2679

Nguồn: infoans.org/…/19597-rmg-how-salesians-live-and-respond-pastorally-to-young-people-in-digital-culture-in-conversation-with-fr-gildasio-mendes-sdb 

Chuyển ngữ: Augustinô Đỗ Phúc, SDB

Visited 120 times, 1 visit(s) today