GIÁO DỤC VỀ LÒNG NHÂN ÁI

(Trích trong tập Chuyên đề số 28)

Không ai phủ nhận sống trên đời cần một tấm lòng. Nhưng tận sâu thẳm, lòng người đã bị phân rẽ. Vì thế, để yêu thương đích thực không thể không có sự giáo dục. Thế mà, đây lại là điều chúng ta dễ bỏ quên và coi nhẹ, trong khi nó là điểm phải tới của việc giáo dục.
Rất nhiều người, lớn cũng như nhỏ, thường nghĩ đến giáo dục tức là cung cấp kiến thức, cống hiến nghề nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, khi có kiến thức, có nghề nghiệp thì chúng ta lại thấy nhan nhản những vũ khí, những trái bom, những xung đột không dứt. Chính vì vậy, chúng ta buộc phải nhận ra rằng “Giáo dục để yêu thương và yêu thương để giáo dục” trở thành nguyên lý sống động trong việc học làm người.
Đức Giáo hoàng Phanxicô kể câu chuyện sau cho thiếu niên:
Một Rabbi vào khoảng năm 1200 thời Trung cổ đã giải thích cho người do thái thời đó về lịch sử của tháp Babel. Xây tháp Babel đâu dễ dàng gì. Họ phải làm ra những viên gạch. Làm gạch thế nào? Bùn, rơm hòa lẫn, biết bao việc phải làm và thật vất vả. Rồi người ta làm ra được những viên gạch và chúng trở thành một gia tài thật sự. Đoạn, họ phải đưa gạch lên để xây tháp Babel. Bởi mất biết bao công lao họ mới có được viên gạch, cho nên khi một viên gạch rơi xuống liền bị coi là một thảm cảnh! Trái lại, nếu một người ngã xuống thì lại chẳng có gì đáng nói!
Từ đó, ngài rút ra bài học: xã hội chúng ta hiện tại đang gặp khủng hoảng về nhân vị hơn là về kinh tế, về công ăn việc làm. Vì lẽ, ngày nay nhân vị không đáng gì, còn đồng xu đồng tiền mới đáng giá. Nhưng ta thấy, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã cho con người toàn thế giới, toàn thể tạo thành để họ chăm sóc. Người không ban con người cho tiền bạc. Đây thực sự là một khủng hoảng về nhân vị bởi vì ngày nay con người là một nô lệ!
Suy nghĩ này không áp dụng đúng cho hiện trạng của chúng ta hay sao? Vì thế, đối diện với cuộc khủng hoảng về giá trị nhân vị, nhất thiết ta phải thấy rõ việc giáo dục để yêu thương trở nên khẩn cấp như thế nào đối với chúng ta.
Sau khi đặt vấn đề như thế, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn về giáo dục, như chìa khóa cho những khủng hoảng về nhân vị hiện nay. Ngài nói:
“Việc giáo dục không phải là một nghề nghiệp cho bằng một thái độ, một lối sống; để giáo dục, nhất thiết ta phải ra khỏi chính mình và ở với người trẻ, đồng hành với họ trong những giai đoạn tăng trưởng và đặt mình bên cạnh họ.[…] Sứ vụ của người giáo dục đi xa hơn việc dạy những bài học. Đó là kích thích sự khao khát tìm kiếm chân lý […] Nhà giáo dục trao cho người trẻ niềm hy vọng và lạc quan để chúng bước đi trong trần thế. Dạy chúng nhìn ra vẻ đẹp và thiện hảo của tạo thành và con người […] Những nhà giáo dục chuyển giao tri thức và giá trị bằng lời nói; nhưng lời nói của họ sẽ có một hiệu quả sâu sắc trên trẻ nếu được đi kèm bằng chứng từ, lối sống nhất quán. Nếu nhà giáo dục không có sự nhất quán trong đời sống sẽ không thể giáo dục!
Định hướng cốt yếu của giáo dục trong mọi cấp chính là thủ đắc một ‘tri thức siêu việt tri thức’. Cách nói có vẻ khó hiểu này chỉ muốn diễn đạt rằng không đào tạo được những nhân cách biết yêu mến có trách nhiệm và tự do, thì đúng là thất bại trong giáo dục.
“Yếu tố chính ở trường là học để nên cao thượng. Điều đó có nghĩa là có một tâm hồn vĩ đại, một tâm trí rộng lớn; nó có nghĩa là có những lý tưởng cao thượng, ước muốn những điều lớn lao để đáp lại điều Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Vì chính lẽ này, mà ta làm những điều thông thường hằng ngày, các công việc lớn nhỏ và gặp gỡ người khác với tâm hồn cao thượng rộng mở cho Thiên Chúa và tha nhân. Vì vậy vun trồng đào luyện nhân bản hướng tới sự cao thượng quả là quan trọng. Nhà trường không chỉ làm phát triển chiều kích tri thức mà cả chiều kích nhân bản nữa. Hãy chăm lo phát triển những nhân đức nhân bản: trung thành, kính trọng, trung tín và tận hiến.”
Học để nên cao thượng đồng nghĩa với học để biết yêu thương, tạo bình an cho mọi người. Nếu vậy, có hai điều thật sự mang tính chiến lược đối với một nền giáo dục nhằm đào tạo tâm hồn quảng đại, vui tươi: tự do và phục vụ.
Trước hết, hãy là những người tự do. … Có thể có người nghĩ rằng tự do có nghĩa là làm mọi thứ mình thích, hay là xem ta có thể đi bao xa bằng cách cố gắng say sưa và vượt thắng sự buồn chán. Đấy chưa phải là tự do. Tự do có nghĩa là có thể nghĩ về chúng ta làm gì, có thể lượng giá cái gì tốt và cái gì xấu, đấy là loại hành xử dẫn tới phát triển; tự do có nghĩa là luôn chọn điều tốt. Hãy tự do để làm điều tốt. […] luôn tự do để chọn điều thiện, quả thật là đòi hỏi; […] Điều thứ hai là phục vụ. Trong trường các con hãy tham gia vào những hoạt động khác nhau vốn làm cho các con quen không rút lui vào chính mình hay vào thế giới nhỏ bé của mình, nhưng đúng hơn mở rộng cho tha nhân, nhất là những người nghèo và thiếu thốn nhất. Chúng sẽ làm cho các con quen chịu khó để cải thiện thế giới trong đó chúng con sống. Hãy là những người với kẻ khác và cho kẻ khác: những là quán quân đích thực trong việc phục vụ người khác.
Trẻ em, một con người đang lớn lên, không phải là con đinh vít cố ép vào cho mọi thứ. ‘Ép’ người trẻ làm thế này thế kia mà không thể khơi dậy nơi họ xác tín điều ấy thật thiện hảo và chân thật sẽ chỉ đưa tới những nhân cách ù lỳ. Cũng thế, lối giáo dục ‘cho con trẻ mọi sự dễ dãi để yên thân mình’ sẽ đưa tới những nhân cách ích kỷ và ‘chảnh’, chỉ qui về mình. Trái lại, “trường học trở thành nơi chốn cho đối thoại, cho sự trao đổi thanh thản để khích lệ những thái độ kính trọng, lắng nghe, tình bạn và cộng tác.”
Suy tư trên không muốn đưa chúng ta đến ảo tưởng. Giáo dục không hành trình trên siêu xa lộ. Giáo dục cũng có nghĩa là tập đi trên đường. Giáo dục như tập đi trên đường yêu mến và nhân ái. Ý tưởng thật tuyệt! Đức Phanxicô khai thác lối nhìn này để mời gọi các nhà giáo dục và giới trẻ hướng tầm mắt lên cao hơn:
Bước đi là một nghệ thuật; nếu luôn vội vã, chúng ta sẽ mệt và không thể đến đích được. Cũng thế, nếu ngồi bệt lại, chúng ta cũng không thể tới đích. Bước đi chính là nghệ thuật nhìn rộng tới chân trời, nghĩ về mình muốn đi đâu cũng như đương đầu với những mệt mỏi trên đường đi. Hơn nữa, đường đi thì không dễ dàng […] Nhưng… đừng sợ té ngã. Trong nghệ thuật đi, quan trọng không phải là không ngã, song là không “nằm lỳ”. Đứng lên nhanh chóng và tiếp tục bước đi. Hằng ngày làm việc, bước đi mỗi ngày, đó thật là đẹp đẽ.
Không một ai khi tập đi mà đã không ngã ít nhất một lần. Nhưng sợ ngã để rồi cứ ngồi lỳ lại thì chẳng bao giờ biết đi. Giáo dục cho tự do và mến yêu trong phục vụ không bao giờ là một ‘đường đời bằng phẳng’; nó chỉ dành cho những người “không ngại núi e sông”, cho kẻ mạnh mà thôi. Chính vì thế, nhà giáo dục buộc phải làm cho ‘mình trở nên nghèo hơn một chút’ để có thể giáo dục người trẻ và trình bày một diện mạo thế giới tương lai khác hơn hiện tại. Trước một thế giới đầy tài nguyên song cũng vô số kẻ đói ăn, thiếu mặc, thất học, và nghèo khổ đang lên tiếng. Để giáo dục người trẻ đến lòng nhân ái, quảng đại và vui tươi, thì Thiên Chúa chính là gương mẫu cho hành động của chúng ta.
Mọi sự trên kia sẽ là ảo tưởng nếu chiều kích đối thoại sâu xa nhất của con người hoàn toàn vắng bóng: đối thoại với Đấng Tối cao, với Đức Giêsu Kitô. Cuộc đời là lời đáp lại tiếng Ngài gọi và các con sẽ hạnh phúc và xây dựng đời mình cách tốt đẹp, nếu các con đáp lại tiếng gọi này. Cha ước mong các con luôn cảm nghiệm Chúa hiện diện trong cuộc đời. Ngài gần gũi từng người, như một người bạn biết cách để giúp đỡ và hiểu các con, khích lệ các con trong những lúc khó khăn và không bao giờ bỏ mặc các con.
Lối đi ấy mới dẫn tới một nền giáo dục của tình thương mến; nó làm cho ta nên quảng đại theo gương Thiên Chúa ‘tự nguyện nên nghèo’ vì chúng ta. Nhờ đó chúng ta cũng biết khôi hài, chấp nhận chính mình.

Văn Am, SDB

Visited 27 times, 1 visit(s) today