Khi viết những dòng này, tôi có trước mặt như in định hướng của GIÁO HỘI tại VN: Giáo hội trong lòng dân tộc (thư chung 1980) cũng như hướng mở của Đại hội Dân Chúa 2010: GIÁO HỘI thi hành sứ mệnh của Chúa giữa những con người tầm thường và đau khổ. Không chỉ có thế. Không chỉ là những tờ giấy và chữ viết, bởi lẽ chữ viết thì chết, tinh thần mới tác sinh. Biết bao anh chị em giáo dân, các bạn trẻ, các giáo lý viên cũng như tu sĩ nam nữ, những người rất thường, đang hiện lên trong tôi. Tôi thấy họ đang đi vào những đường cụt của đời sống. Thế nhưng, họ đã và đang là những lá thư rất sống động của Giáo hội ấy: từ kinh tế mới đến trợ giúp các người nhiễm HIV đến covid-19. Nơi tất cả họ, nổi lên rõ ràng điều này: những nỗi đau, những nhu cầu của anh chị em đang ở bên cạnh lay động và xác định những quyết định của họ hầu tỏ lộ rằng Thiên Chúa đang chăm lo những con dân nghèo khổ của Ngài. Rõ ràng qua họ, Giáo hội đang đi vào từng hoàn cảnh nhân sinh như người bạn lữ hành.
Dòng chảy ấy không tuôn đổ về GIÁO HỘI. GIÁO HỘI không khác hơn một đoàn các tôi tớ của một ông CHỦ ra lệnh: hãy ra khắp các ngả đường và mời mọi người vào dự tiệc (x. Mt 22:9). Ông Chủ đó ra lệnh cho Giáo hội đi vào mọi hoàn cảnh với mệnh lệnh: “Không một ai bị loại ra, không một nhu cầu nào cảm thấy ở xa hay loại khỏi tình yêu xót thương này.” (sứ điệp ngày truyền giáo thế giới 2021).
Như vậy, len lỏi vào mọi trạng huống nhân sinh, GIÁO HỘI không làm như thể đó là sáng kiến của mình. Không bao giờ. Phải hơn, GIÁO HỘI học từ Vị Thầy của mình. GIÁO HỘI chứng kiến Đức Giêsu đã vào bàn tiệc với người Biệt phái Simon, với những người thu thuế và tội lỗi như Giakêu. GIÁO HỘI thấy vị Thầy đó lấm láp giữa những người lao động bị bỏ rơi. Ngài lặng lẽ bên bà goá thành Nain đang than khóc con một mình đã mất. GIÁO HỘI chứng kiến tình yêu mãnh liệt và đến cùng của Đức Chúa luôn chuyển động. Và tình yêu đó được chuyển sang cho chính mình, vì mọi sự đã được ban cho Ngài để ngài lại ban cho Hiền thê của mình. GIÁO HỘI không làm gì khác hơn là biết vui, biết buồn với nhân sinh hôm nay. GIÁO HỘI lặp lại những gì Đức Giêsu đã làm. Giáo hội không gì khác hơn là ký ức sống động về vị Thầy và Đức Chúa duy nhất của mình.
Nếu vậy, GIÁO HỘI đi vào mọi trạng huống nhân sinh như dấu chỉ và phương thế của lòng xót thương Thiên Chúa. Trong những cơn sóng thần của dịch bệnh covid, trước cám dỗ “trá hình và biện chính cho sự dửng dưng và lãnh cảm nhân danh giãn cách xã hội cho lành mạnh”, GIÁO HỘI được mời gọi để làm cho “sự giãn cách cần thiết” trở thành một cơ hội gặp gỡ, chăm sóc của người Samari nhân hậu. (Phanxicô, sứ điệp ngày truyền giáo thế giới 2021). GIÁO HỘI có hàng trăm lời bào chữa để mình “Giáo hội sang mé đường bên kia mà đi.” Thế nhưng, ngay lúc đó Giáo hội biết rõ mình đã thất bại khủng khiếp, đã khước từ căn tính là môn đệ “chạm đến những thân xác bầm dập của Chúa mình.” Chỉ có một con đường: GIÁO HỘI từ bỏ “sự an toàn, thoải mái và vui thích của mình” để làm cho mình thành phiền toái vì những người bạn lữ hành của mình đang phiền muộn. Sự khả tín của GIÁO HỘI như môn đệ Đức Kitô buộc phải được đổi lấy bằng sự nhọc mệt, lấm láp và ngay cả hiểm nguy đến tính mạng của mình. Chỉ tình yêu xót thương của Thiên Chúa mới cứu con người được mà thôi. “GIÁO HỘI thực thi sứ mệnh loan báo Tin mừng, điều ấy chỉ tìm được sự hoàn thành bên ngoài trong sự biến đổi thế giới chúng ta và chăm sóc cho tạo thành.” (Phanxicô, sứ điệp ngày truyền giáo thế giới 2021).
Sứ mệnh này không phải dành riêng cho một số người ưu tú. Nó dành cho mọi người được Đức Giêsu chạm đến. Các tín hữu sơ khai đã được Đức Kitô chụp bắt và họ lao vào trong mọi ngóc ngách cuộc đời. Các tín hữu Việt Nam ban đầu được Tin mừng chạm đến đã dám đi vào cả trong những ngục thất với các tù nhân. “Tất cả đã làm thế với sự quảng đại, tri ân và cao thượng tiêu biểu của những người gieo hạt và biết rằng những người khác sẽ vui hưởng hoa trái của những nỗ lực và hy sinh của mình.” (Phanxicô, sứ điệp ngày truyền giáo thế giới 2021). “Ngay cả những người yếu đuối, giới hạn và khó khăn nhất vẫn có thể là những vị truyền giáo theo cách của chính mình, vì sự thiện hảo luôn có thể được chia sẻ, mặc dù nó hiện hữu dọc theo nhiều giới hạn.” (Christus Vivit, 239). Giáo hội đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống nhân sinh là thế đó.
Tôi muốn mời bạn đọc hãy mang lấy những lời khích lệ này như một hành trang suốt dòng đời môn đệ của mình. Lời khích lệ ấy, bạn hãy coi không chỉ như xuất phát từ đấng Kế vị Phêrô, nhưng như tiếng vang vọng của Đức Chúa được yêu mến trên hết mọi sự, được GIÁO HỘI phụng sự trong mọi lúc và mọi nơi.
Ngày hôm nay Đức Giêsu cũng cần những cõi lòng có khả năng kinh nghiệm ơn gọi như một câu chuyện tình chân thật vốn thúc đẩy họ đi tới những vùng biên cương của thế giới chúng ta như những sứ giả và tác nhân của lòng xót thương. Ngài ngỏ tiếng gọi này cho mọi người, theo những cách khác nhau. Chúng ta có thể kinh nghiệm về những vùng ngoại vi quanh chúng ta, trong chính trung tâm thành phố hay gia đình chúng ta. Sự rộng mở cho mọi người để yêu thương có một chiều kích không phải địa dư song hiện sinh. Luôn luôn và nhất là trong những ngày dịch bệnh, điều quan trọng là tăng trưởng trong khả năng hằng ngày của mình để nới rộng phạm vi của mình, để vươn đến những người khác, mà cho dù gần với chúng ta về thể lý, lại không thuộc phần thiết thân trực tiếp với “phạm vi quan tâm” của chúng ta. (cf. Fratelli Tutti, 97). (Phanxicô, sứ điệp ngày truyền giáo thế giới 2021).
Chúa Giêsu đang đi cùng với bạn, với Giáo hội trong đó bạn sống và hoạt động, vào trong mọi ngõ ngách cuộc sống nhân sinh.
Giuse Văn Am SDB