Chúa Nhật 6 Thường Niên Năm B: Lòng thương cảm đối với người cùi

Tại một thị trấn nọ có một người đàn ông sống rất chan hòa với mọi người. Dân làng quý mến ông và tỏ ra khá thân thiết đối với ông. Thế rồi một bữa nọ, ông ta thấy có một vài vết lở loét trên da thịt mình, liền vội đi tìm bác sĩ để khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán ông ta bị cùi. Nghiệt ngã thay, kết luận của vị bác sĩ giống như một bản án chung thân dành cho ông. Dần dần, người đàn ông bị gia đình và xã hội bỏ rơi, chẳng ai dám đến. Trẻ em nhìn thấy ông vội cắm đầu cắm cổ chạy nhanh. Không gian duy nhất còn lại dành cho ông chỉ là cái gường chật chội và căn lều nhỏ bé. Ông bị nghiêm cấm tuyệt đối không được bước chân ra khỏi nhà.

Không chịu nổi sự cô quạnh, một bữa kia người đàn ông lẻn trốn ra bờ sông cạnh nhà và tự vẫn. Oái ăm thay, khi khám nghiệm tử thi, hội đồng y khoa xác nhận nơi thân thể ông không có bất cứ một con vi trùng Hansen gây ra bệnh cùi nào cả.

Câu truyện trên lột tả số phận bi thương của những người cùi, đặc biệt trong xã hội Do Thái ngày xưa. Người bệnh phải gặm nhấm nỗi đau khi thân thể bị hủy hoại dần dần. Song sự đau đớn khủng khiếp nhất, chính là tình trạng bệnh nhân sẽ bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Chúa Giêsu chạnh lòng thương cảm

Thánh Marcô đã dùng thuật ngữ ‘Splanchnizomai’ trong tiếng Hy Lạp để nói về sự thương cảm mà Chúa Giêsu tỏ hiện đối với người cùi. Trái tim của Chúa đã rung lên giai điệu đồng cảm trước nỗi đau của bệnh nhân. Ngài giơ tay sờ chạm đến anh và chữa lành cho anh. Theo luật Lêvi, ai mắc bệnh cùi sẽ bị nhiễm uế và ai đụng vào họ cũng bị nhiễm uế theo. Chúa Giêsu vẫn luôn tuân thủ lề luật, song đối với Ngài, việc chạm đến bệnh nhân không thể làm cho Ngài ra ô uế. Cho dù Chúa không khinh suốt lề luật, nhưng Chúa đã hành xử theo một lề luật mới, đó là luật của tình yêu, một thứ luật lệ vượt trổi trên tất cả mọi rào cản do con người thiết định. Người đàn ông bị bệnh đã ý thức được số phận hẩm hiu nơi mình. Anh đã đến với Chúa, không dám nài ép Chúa và chỉ thốt lên một ước muốn giản đơn: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Mơ ước này biểu thị một động thái xác quyết và đầy tin tưởng, và anh ta còn nói tiếp theo: “Ngài có thể làm được việc này”. Đây là một hành vi đức tin, biểu tỏ sự khiêm tốn và rất chân thành.

Cuối cùng phép lạ đã xảy ra. Thánh Marcô muốn từ từ vén mở chân dung cứu thế nơi Đức Giêsu, mặc dầu nơi sách Tin Mừng thứ 2, tác giả vẫn hay đề cập đến điều mà các nhà chú giải vẫn thường đề cập đến, đó là ‘Bí Mật Thiên Sai’ (Messianic Secret). Phép lạ Chúa thực hiện không phải nhằm phô diễn một kỳ tích, nhưng để diễn bày lòng thương mến sâu tận của Thiên Chúa đối với con người. Người đàn ông mắc bệnh cùi là đại biểu cho cả một thế giới đang bị vi trùng Hansen thiêng liêng tấn công và hủy hoại tâm hồn dần dần. Chúa Giêsu luôn mở rộng tấm lòng đối với tất cả chúng ta, chỉ cần chúng ta đến với Ngài và thưa với Ngài tâm tình đơn sơ gống như anh cùi hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Tái hòa nhập với cộng đoàn

Thời Chúa Giêsu, nỗi đau lớn nhất nơi người cùi là bị xã hội bỏ rơi và bị cô lập hoàn toàn (Lêvi 13,45-46). Họ bị coi là ô uế, phải sống lang thang ngoài bìa rừng như những con chó hoang và không ai dám đến gần. Họ tuy sống nhưng kể như đã chết. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã công bố: “Tôi đến để cho họ được sống và sống dồi dào”. Thánh giáo phụ Irênê cũng đã viết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người chúng ta được sống”. Chi tiết quan trọng trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, là Chúa mở toang cánh cửa để dẫn đưa người cùi trở về hội nhập với cộng đoàn và được sống như một con người. Chúa nói với anh ta: “Hãy đi trình diện tư tế vì anh đã được sạch, và hãy dâng những gì Môise đã làm để chứng thực cho người ta biết (Mc 1,44). Lòng thương cảm sâu xa của Chúa được thể hiện qua động thái này. Khi đã chữa lành cho bệnh nhân, Chúa Giêsu không chúc mừng anh bằng một cái ôm hôn thắm thiết, hay bằng một cái bắt tay thân tình. Ngài nói với anh là hãy đi làm những gì mà sách luật đã viết (Lêvi 14,1-32) để anh được tái hòa nhập với cộng đồng. Theo luật, vị tư tế phải kiểm tra, và thời gian kiểm tra kéo dài ít là một tuần lễ. Đức Giêsu đã đem anh trở lại cuộc sống làm người cách thực sự, phục hồi cho anh những giá trị căn bản, để anh được sống và được sống dồi dào. (Ga 10,10).

Những loại bệnh cùi đa dạng

Ngày nay, biết bao cha mẹ khổ tâm vì những căn bệnh nan y nơi con cái mình. Đó không phải là bệnh hủi, hay bất toại giống như vào thời của Đức Giêsu, song còn nhiều căn bệnh khác cũng nan giải và ghê gớm không kém.

Nhiều phụ huynh đã phải đắng lòng gửi con vào những trại cai nghiện ma túy hay  nghiện games, nghiện sex, khi con cái họ có những những biến thái tâm lý bệnh hoạn và lệch lạc. Phần đã những căn bệnh này xuất phát từ sự vô tâm của những người làm cha làm mẹ, đã không biết quan tâm giáo dục con cái. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu. Ngài đến với bệnh nhân bằng trái tim của một vị Mục tử. Ngài biểu tỏ lòng thương cảm sâu xa để lo lắng và giúp đỡ bệnh nhân. Trong khoa sư phạm giáo dục của Don Bosco, Cha Thánh dùng thuật ngữ ‘Amorevolezza’ để diễn bày lòng thương mến này. Đó là 1 trong 3 yếu tố của sự thành công: Lý trí, tôn giáo và lòng thương mến. Nếu không có lòng thương mến, Chúa Giêsu đã không chạm đến người cùi và chữa lành cho anh. Cũng vậy, nếu thiếu vắng trái tim tình yêu, chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể chữa lành cho con cái khi chúng sa vào những cạm bẫy của tội ác như chúng ta đang thấy đầy dẫy trong xã hội ngày hôm nay.

Kết luận

Chúa Giêsu không phải là một nhà phù thủy tài ba, cũng không phải là một con người chuyên đi làm công tác từ thiện xã hội. Ngài là một thầy thuốc cao tay ấn và thang thuốc Ngài sử dụng chính là lòng thương xót đối với con người. Người cùi hôm nay đã trải lòng mình ra để đến với Chúa và đã hưởng nhận thang thuốc qúy giá này. Còn chúng ta thì sao ?. Ngạn ngữ phương Tây cũng đã viết : “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn” (Aides toi toi-même, le ciel  t’aidera). Chúng ta hãy tự cứu chúng ta bằng cách đến với Chúa, để Chúa sờ chạm đến những vết lở loét nơi tâm hồn và chữa lành cho chúng ta.

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB


Visited 4 times, 1 visit(s) today