NỀN MÓNG CỦA BẦU KHÍ GIA ĐÌNH
Trong cuốn “Những hình phạt được áp dụng trong các nhà Sa-lê-diêng”, Don Bosco viết như sau: “Các con biết trong thời đại chúng ta đang sống, dù chỉ một sự bất cẩn nhỏ nhoi thôi cũng thật dễ dàng gây ra biết bao hậu quả trầm trọng… Cách chung, hệ thống chúng ta sử dụng với tên gọi Dự phòng, hệ tại ở việc chuẩn bị tâm hồn các em sao cho các em thực hiện ước muốn của chúng ta mà không cần phải dùng bất cứ hình thức bạo lực bên ngoài nào. Với hệ thống đó, Cha muốn nói với chúng con rằng không bao giờ được sử dụng những phương tiện của cưỡng bức, nhưng luôn luôn và duy chỉ dùng đến sự thuyết phục và đức bác ái”.
Cho dù đã qua gần hai trăm năm, nhưng ngày nay, nền móng này vẫn thực sự đúng hơn bao giờ hết. Trong ngày sống, biết bao lần các bậc cha mẹ phải đau đầu chọn lựa một trong hai hệ thống giáo dục: dự phòng hay cưỡng bức. Đây không là vấn đề lý thuyết mà là thực hành.
Chúng ta thử hình dung khung cảnh xảy ra tại một gia đình nào đó, vào buổi chiều tối, trong bữa ăn chiều. Anna, cô bé 4 tuổi ngồi trên chiếc ghế dựa như mọi ngày. Cô bé không ăn cách ngoan ngoãn, mà thò tay vào chén bốc lộn đồ ăn lên, chẳng may, một lá rau xà lách rơi xuống bàn. Mẹ nhìn bé và ra lệnh cách rõ ràng: “Anna, nhặt rau lên con!”. Đứa trẻ giận dỗi, nó phùng mang trợn mắt nói: “Không!”, rồi ngồi yên, không động đậy. “Thưa quý cô, cô đã làm rớt đồ ăn xuống bẩn hết rồi. Bây giờ cô có chịu nhặt lên cho tôi không?”, người mẹ tiếp tục đay nghiến. Anna nhìn mẹ với ánh nhìn ngạo mạn cứng đầu của một đứa trẻ lên bốn và trả lời: “Không!”.
Trong trường hợp này người mẹ có thể làm gì? Rõ ràng là bà đã thua cuộc vì quyền tối cao trong gia đình không được tuân thủ. Giả như bà mẹ này bắt buộc đứa trẻ vâng lời (có khi bằng một trận đòn ra trò) thì bà vẫn sẽ cảm thấy một sự hạ nhục nào đó, bởi bà hiểu rõ rằng việc đánh một đứa trẻ bốn tuổi là điều chẳng nên làm. Ngoài ra, khi làm điều này có thể bà sẽ gặp thái độ phản đối từ người chồng: “Bây giờ em bắt đầu biết đánh đập con rồi à? Em dạy con hay đấy nhỉ!”.
Nhưng nếu bà mẹ đầu hàng, cúi xuống nhặt lá rau lên và lau sạch bàn ăn dưới ánh mắt đắc thắng và lạnh lùng của cô con gái nhỏ, thì bà mẹ này có thể cảm nhận được rằng đứa trẻ đã chiến thắng một cách vô lối. Và dĩ nhiên người chồng sẽ đổ dầu vào lửa khi nói: “Con nó mới có 4 tuổi mà đã sai khiến được em đấy!”.
Và như thế, ngay cả trong một gia đình nhỏ bé cũng đều có thể xảy ra những bất hạnh.
“Tôi không biết phải làm gì!”
Trong những tình huống khác nhau nhưng đại loại thuộc kiểu này, các bậc cha mẹ cần phải nhớ một nguyên tắc căn bản trong Hệ thống Dự phòng dành cho cha mẹ, đó là “Trong mọi cuộc xung đột của cha mẹ với con cái, giải pháp quan trọng nhất là tha thứ”.
Chúng ta phải hiểu rõ điều này là thật vô ích khi đặt đứa trẻ hay thiếu niên trước lệnh buộc phải thực hiện ý muốn của chúng ta. Bà mẹ của bé Anna đã mắc vào một cuộc chiến nguy hiểm, đặt nền trên suy nghĩ “Ai là người ra lệnh ở đây?”. Một trận chiến có thể thấy trước là tiếp tục gây ra những tổn thương và nhục nhã. Một khi cha mẹ rơi vào cuộc xung đột với con cái, bắt buộc họ phải đi từ hình phạt này đến hình phạt khác, và kết quả là con cái ngày càng tức giận hơn thôi. Và tận thâm sâu, đứa trẻ có thể có suy nghĩ sau: “Ồ, nếu ba mẹ có quyền xúc phạm đến con, thì con cũng có quyền để làm điều ấy với ba mẹ!”. Vòng luẩn quẩn giữa trả đũa và báo thù cứ thế tiếp diễn, và đây là kết quả của những hình phạt.
Không may, các trẻ thường bướng bỉnh và cố chấp hơn người lớn rất nhiều. Các em có lợi thế trong việc xúi bẩy, tính toán, và bền chí hơn cha mẹ của các em rất nhiều. Điều này khiến cho cha mẹ rơi vào thế không thể chịu đựng nổi, và họ vò đầu bứt trán với tiếng kêu tuyệt vọng: “Tôi không còn biết phải làm gì nữa!”.
Ý tưởng của Don Bosco rất đơn sơ. Việc trừng phạt hay ý tưởng độc đoán “phải vâng lời ta, nếu không…” cần được thay thế bằng sự tôn trọng và đồng hợp tác lẫn nhau. Trẻ em cần có những người hướng dẫn, những người lãnh đạo tốt chứ không cần các hạ sĩ, hay trung sĩ. Một lãnh đạo giỏi sẽ truyền cảm hứng và khích lệ các thuộc hạ đến việc thi hành những hành động phù hợp hơn với hoàn cảnh: Đây phải là công việc của các bậc cha mẹ.
Con cái chúng ta cần sự hướng dẫn của chúng ta. Chúng sẽ chấp nhận sự dẫn dắt ấy nếu biết chúng ta tôn trọng chúng như những con người bình đẳng. Phẩm giá của một đứa trẻ bị lăng nhục sâu xa khi chúng ta đánh đập chúng và phẩm giá của người mẹ cũng không còn được đánh giá cao khi để điều này xảy ra.
Mẹ của bé Anna có thể nhận được nhiều hơn khi bà biết rút lui ra khỏi cuộc xung đột, và khích lệ sự đồng hợp tác của đứa trẻ, và làm phát sinh ý thức trách nhiệm nơi bé. Bà mẹ có thể nói, chẳng hạn: “Ôi, thật là lộn xộn quá! Chúng ta phải làm gì bây giờ hả con gái?”. Sẽ chẳng có cuộc chiến quyền lực nào xảy ra ở đây, và đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy ngay rằng việc lau sạch sẽ chỗ dơ là việc của nó. Gia đình sẽ không là một chiến trường nhưng là nơi mà được ngự trị bởi tình thương mến, bởi việc cùng nhau làm và vui sống hài hoà.
Đây cũng là diễn tả mà Gianni Rodari trong câu chuyện mang tên “Ai ra lệnh?”
“Tôi hỏi một đứa trẻ:
- Ở nhà, ai là người ra lệnh? – Đứa trẻ im lặng nhìn tôi.
- Nói đi cháu, ai là người ra lệnh cho các cháu: Ba hay mẹ? – Đứa trẻ nhìn tôi và không hé một lời.
- Nào, nói cho chú nghe đi: Ai là chủ trong nhà cháu thế? – Một lần nữa, đứa bé nhìn tôi dè dặt.
- Cháu không hiểu chữ ra lệnh có nghĩa là gì hả? – Bé gật đầu ra hiệu biết.
- Thì ra cháu không biết chữ ông bà chủ nghĩa là gì phải không? – Bé lại gật đầu.
- Vậy thì sao? – Bé vẫn nhìn tôi và yên lặng.
Ôi, chẳng lẽ tôi lại giận dữ sao? Mà có lẽ cô bé đó bị câm cũng nên. Tội nghiệp cô bé! Ngay lúc đó, cô bé vụt chạy đi, chạy thật nhanh đến đỉnh của khu vườn cỏ. Cô quay lại phía tôi, lè lưỡi trêu chọc rồi mỉm cười nói: ‘Chẳng có ai chỉ huy ở nhà cháu cả, bởi vì cả nhà yêu thương nhau’.”
Chúng ta hãy tránh những xung khắc vô ích.