
Dưới đây là những cách hiệu quả nhất giúp con cái của bạn trở nên vui tươi, hạnh phúc, tự tin và thành công.
- Cần xem lại Việc Bạn Khen ngợi Con cái
Hẳn nhiên con cái của bạn cần những lời khen ngợi như một động lực kích thích chúng khi chúng làm được một điều gì đó, thế nhưng con cái của bạn sẽ trở nên nhàm chán với những lời khen như “Con làm tốt lắm!”, “Thật là tuyệt vời!”, khi chúng nhận ra những lời khen của bạn chỉ mang tính chiếu lệ hoặc quá đáng so với những gì chúng làm được, chẳng hạn như lời khen “Thật là một điều tuyệt vời mà mẹ chưa từng thấy!”.
Đừng khen ngợi con cái nếu chúng chỉ làm những gì thuộc bổn phận chúng phải làm, như việc đánh răng, bỏ quần áo dơ vào giỏ đồ giặt, dọn phòng ngăn nắp… một lời nói “cám ơn con” cũng đủ rồi. Nhưng với những nỗ lực từng bước của chúng để đạt đến một mục tiêu, những lời khen ngợi quả cần thiết để giúp chúng thăng tiến: Khi nhìn vào bức vẽ của đứa con, bạn đừng vội khen: “Con đúng là một thiên tài!”, nhưng chỉ cần đưa ra một lời nhận định khích lệ: “Con biết sử dụng mầu xanh đẹp đấy!”.
- Đừng vội ra tay nghĩa hiệp để cứu con cái của bạn
Tất nhiên, bạn cần bảo vệ con cái khỏi những gì làm chúng bị tổn thương, cảm thấy bị thất đảm, hay phạm phải những sai lầm. Nhưng một khi bạn muốn can thiệp vào chuyện của chúng, có thể bạn chẳng làm điều gì tốt cho con cái cả. Con cái của bạn cần biết chấp nhận cả những thất bại và cái hệ quả tự nhiên là cảm giác buồn, lo lắng hay tức giận nữa. Tuy nhiên, chúng cần biết nỗ lực để vượt thắng những cản trở mà chúng phải đối diện, chứ bạn đừng loại bỏ những cản trở đó giùm con cái của bạn. Tiến sĩ Kathy Hirsh-Pasek, giáo sư tâm lý của Đại học Temple tại Philadelphia nói rằng: “Các trẻ em cần có cơ hội để chơi đùa, kể cả liều lĩnh một chút mà không sợ bị cha mẹ phê phán hay chỉnh sửa như thể chúng làm một điều gì đó sai hoặc không nên”. Bà khích lệ các bậc cha mẹ cứ để cho con cái phải lúng túng, lo lắng một chút, thậm chí chủ ý để chúng mắc phải những sai lầm một chút, và chuyện đó sẽ tốt hơn cho chúng.
- Hãy để Con cái lấy quyết định
Khi con cái của bạn còn nhỏ và có dịp để chọn lựa hay quyết định một điều gì đó, thì chính con cái sẽ cảm thấy tự tin hơn trong phán đoán của chúng. Tất nhiên, con cái của bạn thích tự ý làm, nhưng lại bị cha mẹ kiểm soát từng chút một. Do đó, tốt nhất nên đưa ra cho con cái của bạn 2 hay 3 dạng thức để chọn. Chẳng hạn, bạn đừng hỏi đứa con 3 tuổi của bạn rằng bữa trưa nay con muốn ăn gì, nhưng hãy đưa ra những thứ để đứa con chọn: Con muốn ăn bánh với bơ đậu phọng hay thịt dăm bông hoặc với cá hồi…
- Lưu tâm đến Tâm trạng của con cái
Nếu con cái của bạn dễ rơi vào thất vọng, hãy giúp chúng biết lạc quan hơn. Tiến sĩ Karen Reivich trong tác phẩm “Giúp Con cái sống lạc quan”, đã nói rằng: Thay vì dễ dàng đảm bảo với chúng về “sự thành công chắc chắn”, thì khích lệ chúng suy nghĩ đến những cách thế đặc biệt nào đó để cải thiện hoàn cảnh và đạt đến gần những mục tiêu hơn. Chẳng hạn, nếu con cái của bạn kém các bạn cùng lớp của nó về việc đọc sách, thì hãy giải thích rằng mọi người ai cũng đều phải học hỏi theo mức độ tiếp thu của mình, và rồi sau đó hãy dành thêm thời gian để đọc sách với chúng. Nếu con của bạn buồn bực vì không được đóng vai chính trong vở kịch của nhà trường, thì đừng nói: “Dù sao con vẫn là ngôi sao sáng giá nhất ở trường mà!”. Thay vào đó hãy nói: “Mẹ biết con thất vọng lắm. Nhưng thôi, chúng ta hãy lên kế hoạch để con có nhiều cơ hội hơn trong lần tới nhé!”.
- Hãy nuôi dưỡng những sở thích đặc biệt của con cái
Hãy để cho con cái có dịp tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng, và khích lệ chúng khi chúng tìm thấy hoạt động nào đó mà chúng ưa thích. Những đứa trẻ mà có niềm đam mê nào đó, chẳng hạn thích những trò chơi khoa học giả tưởng, thích nấu ăn, thích những hoạt động sáng tạo…, thì thường cảm thấy hãnh diện về khả năng của chúng về điều đó, và cũng thường thành công trong những lãnh vực khác trong cuộc sống. Dù con cái bận rộn với những bài vở ở trường, nhưng nếu chúng có những sở thích đặc biệt nào đó, thì cha mẹ hãy giúp chúng thực hiện được điều đó, và nếu được, tìm cách nối kết với những đứa trẻ khác. Chẳng hạn, nếu con cái của bạn thích vẽ, nhưng đa số đứa trẻ trai ở trường lại thích chơi thể thảo, thì bạn hãy khích lệ con cái mình hãy vẽ những bức hình về thể thao, rồi đóng tập và cho các bạn khác trong lớp xem.
- Khích lệ việc tìm cách giải quyết vấn đề
Tiến sĩ Myrna Shure, tác giả của tập sách Giúp trẻ trở thành người biết suy nghĩ (Raising a Thinking Child), đã viết rằng: “Các trẻ rất tự tin khi chúng có thể thương thuyết để đạt được điều chúng muốn”. Việc nghiên cứu của bà cho thấy rằng bạn có thể dạy con cái của mình tự biết cách để giải quyết những vấn đề. Nếu con cái của bạn đến với bạn và phàn nàn rằng một đứa khác đã lấy mất cái xe tải nó đang chơi ở sân, thì bạn hãy hỏi nó xem nó có nghĩ ra cách nào tốt nhất để lấy lại cái xe tải đó không. Ngay cả khi nó trả lời là sẽ giằng lại cái xe tải đó, thì bạn hãy hỏi nó xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó làm như thế. Rồi bạn hãy hỏi tiếp xem có cách nào khác hơn để lấy lại mà chẳng xảy ra chuyện đó. Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Shure về vấn đề này, một đứa trẻ 4 tuổi đưa ra một ý tưởng rất ngạc nhiên và trưởng thành như sau: “Này bạn, bạn sẽ vui hơn nếu bạn chơi chung cái xe đó với mình, hơn là bạn chơi một mình thôi!”.
- Tìm cách để giúp người khác
Tiến sĩ Brooks phát biểu: Khi con cái bạn cảm thấy thích làm một điều gì đó khác lạ, thì chúng thường cảm thấy tự tin hơn. Trong gia đình, con cái nên được trao phó những trách nhiệm làm một số những việc nào đó. Ngoài ra, cha mẹ cũng hãy xin chúng giúp đỡ trong một kế hoạch nào đó: “Con có thể giúp mẹ một tay không?”. Tiến sĩ Hirsh-Pasek nhận định rằng: Khi đó, đứa trẻ sẽ cảm thấy nó được tham gia vào những công việc dành cho người lớn, và đòi nó phải cố gắng hơn. Tất nhiên, chuyện này sẽ dễ hơn với chúng khi chúng phải làm việc trong tương lai.
- Tìm những cơ hội để con cái dành thời gian làm việc với người lớn
Trẻ em thường thích giao du với bạn bè cùng trang lứa, nhưng cũng thật quan trọng khi chúng có cơ hội tiếp xúc và làm việc với người lớn. Dành thời gian tiếp xúc và làm việc với người lớn giúp con cái của bạn mở rộng cái thế giới của trẻ em, thúc đẩy chúng giao tiếp với người lớn ngoài bạn ra, đồng thời cho chúng có những cách suy nghĩ khác.
Các nghiên cứu cho thấy một khi có giao tiếp và làm việc với những người lớn như thày cô giáo, chú bác, người giúp việc trong gia đình, hay với cha mẹ của bạn bè,… sẽ làm cho con cái của bạn có sức bật hơn.
- Mơ mộng về Tương lai
Nếu trẻ em biết mơ ước làm điều gì đó quan trọng hay cần phải hoàn tất một điều nào đó khi chúng khôn lớn trong tương lai, chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn vào lúc này. Hãy nói cho con cái bạn về chính bạn, về những người lớn khác mà chúng biết để giúp chúng định hướng sự nghiệp trong tương lai. Chẳng hạn, con cái bạn có thể mơ ước trở thành ca sĩ nhạc đồng quê, một phi hành gia… và đừng bao giờ coi thường những mơ ước của chúng. Ngay cả khi chúng có những sự thay đổi về những mơ ước của mình, thì điều quan trọng là chúng vẫn luôn nghĩ đến mục tiêu đó.
Bài viết: Alina Tugend
chuyển ngữ: Ban Truyền thông Sdb