(ANS – Hà Nội) – Trong những năm gần đây, nhiều nhà truyền giáo Salêdiêng Việt Nam đã đến Châu Âu. Ngày nay có khoảng 330 anh em hội viên Salêdiêng thuộc Tỉnh Dòng Thánh Gioan Bosco, bao gồm 33 cộng thể ở Việt Nam và 2 cộng thể ở Mông Cổ. Công cuộc của họ rất đa dạng về hình thức và quy mô, nhưng tất cả họ đều luôn bên cạnh và đồng hành với những người trẻ.
Trong bối cảnh chính trị xã hội mà Giáo hội Công giáo có nhiều thuận lợi hơn trong quá khứ, các Salêdiêng Việt Nam chủ yếu vẫn hoạt động ở các giáo xứ và các trường dạy nghề. Họ bắt đầu bằng việc hoạt động nơi các giáo xứ, và kể từ những năm 2000, một số trung tâm đào tạo dành cho những người trẻ nghèo bắt đầu đi vào hoạt động. Mỗi trung tâm mới thường khởi đầu một cách khiêm tốn và dần dần, dựa trên nguồn tài chính và nguồn lực, nó phát triển hơn trước. Trường Don Bosco ở Phước Lộc, bắt đầu hoạt động từ năm 1993, hiện có 700 học viên, với 150 học viên tốt nghiệp các ngành Cơ khí Ô tô, Cơ khí Chế tạo hoặc Hàn, với sự cộng tác của khoảng 40 giáo viên, trong đó có 8 Hội viên Salêdiêng Don Bosco.
Các trung tâm này thường không có nhiều nguồn lực, vì học phí vẫn được duy trì ở mức thấp để giúp sinh viên và gia đình của họ. Sinh viên thường ở trong nhà nội trú, vì nếu không sẽ quá khó cho họ mỗi khi trở về nhà vào cuối tuần. Ngoài ra, các Salêdiêng thường hỗ trợ tài chính cho các gia đình, và cho những người trẻ với ước muốn được thăng tiến trong việc học. Nhiều học viên đã xem ngôi trường của Don Bosco như là gia đình thứ hai của họ.
Để ứng phó với việc thiếu giáo viên có trình độ, các trung tâm thường tạo nên các mối tương quan hợp tác với các công ty, để các chuyên gia kinh doanh trực tiếp được giảng dạy, tiếp nhận, sau đó, các công ty sẽ thuê những học viên với khả năng chuyên môn được đào tạo chắc chắn ở các trường này.
Các trường chuyên nghiệp của Salêdiêng cũng tiếp đón những người trẻ di dân. Trên thực tế, như ở Ý trong thời của Don Bosco, đất nước đang trải qua một cuộc di dân từ các vùng nông thôn lên thành phố rất lớn: 50% người trẻ ở Việt Nam hiện đang sinh sống ở các khu vực thành thị; nhiều người đến từ các tỉnh để tìm kiếm một công việc. Khi đến với các trường Salêdiêng, nhiều người trẻ trong số họ ở cách xa những ngôi trường hơn 300 km.
Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Văn Quang cho biết, người Salêdiêng hôm nay cần phải đáp ứng những nhu cầu mới. Trước hết ở miền Bắc, một nơi dù đã có 9 cộng đoàn Salêdiêng, bao gồm các giáo xứ, trung tâm trẻ, trung tâm đào tạo việc làm, và một số nơi tương tự, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm cho người trẻ, và thậm chí một số Giám mục tiếp tục mời các Salêdiêng đến làm việc ở miền Bắc.
Gia Thi, SDB chuyển ngữ