Tuổi trẻ thật đáng giá…

Cảm nghĩ về những bài học cuộc sống qua một bộ phim.

Khi nỗi sợ lên đến đỉnh điểm…

Khi sự chịu đựng bị kéo dãn đến tận cùng…

Khi nỗi cô đơn là điều cuối cùng còn sót lại…

Tôi xem phim “Hiểm họa rừng chết” (Jungle, 2017) trong một tình huống không mấy mong đợi nhiều. Thị trường phim ảnh quá ào ạt các thể loại bom tấn trong và ngoài nước, đầu tư tiền tỉ và sẽ lại bị lãng quên vài tuần, vài tháng sau đó; vậy nên, tôi đi xem với một tâm thế “cuối tuần, giải trí”.

[Bài viết có tiết lộ nội dung phim]

Phim lấy bối cảnh Bolivia những năm 1981, và xoay quanh câu chuyện về một người trẻ vứt bỏ cuộc sống êm đềm, dấn thân vào những hiểm nguy tiềm tàng trên những chuyến phiêu lưu để tìm kiếm “tự do đích thực”. Yossi Ghinsberg, một quân nhân trẻ vừa hoàn tất nghĩa vụ quân sự, lên đường theo tiếng thôi thúc của con tim để đi khám phá thế giới, anh đấu tranh với gia đình để bức mình ra khỏi những cái nếp của xã hội hiện tại: đại học, công việc văn phòng, lập gia đình. Trên chuyến hành trình về Nam Mỹ xuyên qua rừng rậm Amazon, anh gặp những người bạn, đại diện cho những người trẻ điển hình: Markus, một giáo viên trẻ thích khám phá, lương thiện, và thận trọng; Kevin, một nhiếp ảnh gia đam mê phiêu lưu, tham vọng, và bộc trực.

Cũng tại đó, Yossi có cuộc gặp định mệnh với Karl cùng với một cái bánh vẽ hấp dẫn về lời mời tìm kiếm một bộ tộc Anh-Điêng bị cô lập sâu trong rừng, hứa hẹn sẽ mở mang tầm mắt cho bất kỳ ai gặp gỡ. Ở giữa hành trình, Markus và Karl tách ra để quay trở về khi những vết lở ở chân Markus không cho phép anh tiếp tục, hoặc sẽ trì hoãn tiến độ của mọi người. Kevin và Yossi xuôi theo con sông để tiếp tục cuộc hành trình.

Khi chiếc bè tự làm va phải đá, Yossi bị cuốn phăng theo con nước để lại Kevin phía sau. Trong hơn 10 ngày một mình trong rừng sâu một thân một mình, không có dụng cụ cần thiết, Yossi trải qua gần như đủ loại cung bậc cảm xúc, từ hoang mang, quyết tâm đến ảo giác, tuyệt vọng, tiếc nuối, và tạ ơn.

Đó là câu chuyện trên phim.

Hãy nói một chút về những thứ đằng sau hình ảnh truyền tải.

Tôi xem và khá tâm đắc với dàn diễn viên, Daniel lột xác hoàn toàn, không còn là cậu bé Harry Potter mà nhiều năm trước tôi biết, hay Alex Russell ngông nghênh, liều lĩnh khác xa với hình ảnh lãng tử thường ngày. Dàn diễn viên quá xuất sắc đã giúp cho kịch bản được chuyển tải quá tốt.

Tôi thích chi tiết Yossi quyết định mang theo cuốn kinh Do Thái nhỏ được ông chú tặng bên mình ngay cả khi bỏ lại đồng hồ và những thứ giá trị hơn. Bởi lẽ, khi chúng ta để lại những thứ vật chất và chọn mang theo cho mình một niềm tin, thì có lẽ, ít nhất, tâm hồn chúng ta đủ đầy.

Tôi tâm đắc với cảnh Yossi lột vớ với những vết loét và bật khóc vì chính anh đã có lúc khinh thường người bạn Markus của mình chỉ vài ngày trước thôi, vì chân anh ta cũng lở loét và khiến cả đoàn chậm lại. Chúng ta không bao giờ hiểu được nỗi đau của người khác khi chúng ta chưa thật sự trải qua, và dù có trải qua một nỗi niềm tương tự, điều đó cũng không cho chúng ta cái quyền để phán đoán độ nặng của sự việc trong lòng người khác.

Tôi thích những cảnh chèn ảo giác về quá khứ, về gia đình, về cha mẹ, về những tiện nghi xẹt nhanh qua tâm trí Yossi những lúc anh đứng trước vực thẳm của sự chết. Lúc anh lả người trong đầm lầy, anh nhớ đến lời chúc phúc của ông chú; lúc anh quanh quẩn lạc trong rừng, anh nhớ lời can ngăn giận dữ của cha và cái siết tay của mẹ; lúc anh nằm co dưới tán cây, anh nhớ những ngày vui vẻ ấm êm….Chúng ta đi qua những nỗi buồn để biết trân trọng những niềm vui, và ở tột cùng của sự sợ hãi, nỗi cô đơn, sự ân hận…nhà là nơi để quay về.

Khi dùng hết sức bình sinh để chạy ra phía bờ sông, anh sắp các cây gỗ thành chữ Y rất to, tôi đoán để làm hiệu nếu trực thăng có bay qua sẽ để ý thấy, hoặc có thể một dấu ấn cuối cùng ở cuộc đời, để cho người ta biết, Yossi đã từng tồn tại, ở đây. Đêm đó, khi ngắm nhìn những vì sao rực rỡ giữa rừng thẳm, anh thì thầm lời tạ ơn Thương Đế. Đây là điều tuyệt vời tôi yêu thích, bởi vì ở những giây phút cuối cùng, trước cái chết, anh vẫn nhận ra hồng ân lớn lao của Đấng Sáng Tạo.

Cuối cùng, Kevin sau khi được cứu và đưa về một khu dân cư gần đó đã tìm mọi cách để quay lại tìm người bạn của mình với một niềm tin “bạn mình còn sống” dù đã lạc trong rừng thẳm 14 ngày. Và khi Kevin đưa được Yossi về, một người phụ nữ địa phương đã đến trước mặt anh và nói “tạ ơn Chúa đã đưa anh về”.

Bộ phim được dựng theo hồi ký của Yossi Ghinsberg, cũng giống như “Tìm về thiên nhiên” (Into the wild) được dựng trên câu chuyện có thật về Chris McCandless cũng vào những năm 1980, 1990. Điều khác biệt là Yossi có cơ hội để tự kể câu chuyện của mình, còn câu chuyện của Chris được một nhà thám hiểm khác kể lại khi tìm thấy xác khô của anh cùng toàn bộ các ghi chép.

Vì đâu nên nỗi?

Những người trẻ khao khát vén mở bức màn bí mật của thiên nhiên, và thao thức câu hỏi “tự do đích thực là gì?” Ở những nơi người ta đề cao quyền con người, đề cao chủ nghĩa cá nhân, thì tự do chưa bao giờ là đủ trong những thực tại tiện nghi, người ta chọn cách thách thức sự chịu đựng của bản thân để chứng tỏ cái tôi them khát sự tôn vinh và trầm trồ, hoặc một cái tôi bất an, tìm kiếm những thành tựu để nhắc nhở mình tồn tại. Ở giây phút sinh tử, Yossi nhận ra quyết định tham gia chuyến đi này là ngu ngốc, và lẽ ra anh nên nghe theo lời can ngăn của gia đình. Ở giây phút hấp hối của mình, Chris đã them khát sự sống, anh những mong sẽ ăn được thứ gì đó, có thể cho anh đủ sức để ra khỏi rừng và về với gia đình. Những người trẻ hừng hực nhiệt huyết, thèm khát trải nghiệm và mong muốn được phá kỷ lục của chính mình và tự thấy cái tôi của mình quan trọng hơn việc khiêm tốn nhìn nhận mình nhỏ bé, bởi vì, chỉ khi nhận ra mình nhỏ bé trong thế giới vĩ đại này, mình mới nhận ra hạnh phúc và ân sủng, tự do và bình an.

Trailer: https://www.youtube.com/watch?v=3yYbBG4S24A
Hình ảnh:
Jungle: https://i2.wp.com/teaser-trailer.com/wp-content/uploads/Jungle-UK-Poster.jpg?ssl=1
Into the wild: http://thenewleam.com/wp-content/uploads/2017/09/into-the-wild-670×448.jpg

HNTT


Visited 13 times, 1 visit(s) today