TRUYỀN GIÁO TRÊN MIỀN ĐẤT CỦA VŨ ĐIỆU SAMBA

Bra-xin & Nhu cầu Truyền giáo

Khí nói đến đất nước Bra-xin, người ta nghĩ đến một nền kinh tế đứng thứ 7 của thế giới, một đất nước có được những cơ hội lớn: World Cup, Đại hội Giới trẻ Thế giới và sắp tới là Olympic. Những tưởng những dự án lớn lao đó cộng với một nền kinh tế lớn như thế và là một nước chiếm tới 80% dân số Công giáo, thì việc gọi là truyền giáo không còn là điều đáng nói. Nhưng thực sự, sứ vụ truyền giáo ở nơi đây cũng vẫn còn khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Giáo Hội Bra-xin đã hiện diện hơn kém 500 năm ở miền đất này. Theo thống kê 2011, Giáo Hội Bra-xin có khoảng 450 giám mục, 20.701 linh mục; 10.802 giáo xứ với hơn 48.000 tu sĩ nam nữ.

Tu Hội Sa-lê-diêng thì có 6 Tỉnh Dòng, trong đó có 2 Tỉnh Dòng đang đảm trách công cuộc truyền giáo cho người da đỏ là Tỉnh dòng Manaus và Campro Grande.

Người Da đỏ & Truyền giáo

Những người anh em da đỏ với bộ tộc Bororo và Xavante chủ yếu sống trong những vùng rừng núi và gềnh thác thuộc bang Mato Grosso. Khi đối diện với việc đô thị hóa, một mặt họ muốn thoát ra khỏi những căn nhà lá ọp ẹp nơi rừng sâu để có thề sống văn minh hơn trong những ngôi nhà khang trang, nhưng mặt khác họ cũng bị tiêm nhiềm bởi những tập tục uống rượu bia và các thức uống có cồn, điều mà trước đây họ không hề biết. Thuốc phiện và ma túy cũng đã xâm nhập và len lỏi vào trong các làng của ho., Nhiều thanh niên đã sa đà vào tình trạng này. Thêm vào đó, người trẻ bản địa sống nhờ săn bắn và hái trái cây trong rừng, họ không có thói quen làm việc nên giúp họ thực hiện việc canh tác trồng trọt là chuyện không dễ dàng gì vì đòi họ phải thay đổi cả một tập quán trước của họ.

Ở những làng mạc xa xôi, việc cử hành phụng vụ cho họ là cả một vấn đề lớn vì có ít người dám dấn thân vào vùng này. Tất cả việc cử hành Thánh lễ đều là Phụng vụ ngày Chúa nhật dù là hôm đó chỉ là ngày thường. Sở dĩ thế vì việc đi lại thật khó khăn và chỉ có vỏn vẹn 3 linh mục phục vụ cho 46 làng khác nhau, mỗi làng cách nhau khoảng từ 20 đến 200 cây số. Hơn nữa, việc di chuyển rất khó khăn vì thường phải băng rừng, vượt thác.

Việc giáo dục cũng thật khó khăn vì phần lớn các buôn làng chỉ biết tiếng thổ ngữ. Hiếm có một người trẻ nào của dân Bororo và Xavante đủ năng lực về học ngôn ngữ Bồ Đào Nha và từ đó có thể theo học các trường đại học hay cao đẳng. Những giáo viên hay những nhà truyền giáo muốn đến được với họ thì buộc phải học tiếng thổ ngữ – một thứ tiếng khó học và ít thông dụng, để có thể truyền đạt cho họ những điều cần thiết của niềm tin, đạo lý.

Cảm nghiệm và ước mơ

Truyền giáo cho những người anh em thuộc bộ tộc Xavante mà không hề được trang bị kiến thức, ngôn ngữ bản địa, và ngay cả tiếng Bồ Đào Nha vốn được dùng như ngôn ngữ chính của dân Bra-xin, chúng tôi cảm thấy đó là một trở ngại rất lớn cho việc dấn thân truyền giáo của mình. Đã hẳn thời gian đầu chúng tôi đã phải dùng ngôn ngữ tay chân và cử điệu để có thể thông đạt và chơi với các trẻ em bộ tộc Xavante. Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy nản lòng vì rào cản ngôn ngữ, những phong tục tập quán, thời tiết cũng như môi trường sống khắc nghiệt, mệt mỏi vì không thấy kết quả… Thế nhưng nhờ ơn Chúa, gương sáng của các Sa-lê-diêng tiền bối, niềm cảm thương những khuôn mặt đáng thương và tương lai của người dân Xavante, chúng tôi lại được tiếng Chúa mời gọi để cùng nhau thực thi sứ mạng yêu thương cho những con người nghèo khổ này.

Xin mọi người nhớ đến chúng tôi trong lời cầu nguyện, và khi nhìn thấy đất nước Bra-xin với những sự kiện mang tính quốc tế lớn lao, thì cũng xin nghĩ đến những vùng đất xa xôi với những bộ tộc còn kém may mắn trên đất nước này. Tất cả vẫn luôn cần đến lời cầu nguyện và sự nâng đỡ trong sứ vụ truyền giáo cho đất nước này.


Visited 3 times, 1 visit(s) today