TRẺ EM ĂN CẮP: PHẢI ĐỐI XỬ THẾ NÀO?

Ngày 17-12-1859, khi ban huấn từ tối cho các học sinh của Nguyện xá, Don Bosco đã nói: “Mỗi tối, các con nên trả lại tất cả những đồ vật đã lượm được trong ngày, kể cả những đồ vật nhỏ bé, không ai trong các con được giữ lại đồ vật không phải là của mình… Ma quỉ bao giờ cũng xảo quyệt và có thể lừa gạt bất cứ người nào, các con đừng nghe nó, hãy nhớ rằng tật ăn cắp đồ người khác, là một tật xấu nhất trên thế gian này. Nếu một người bị phát giác là kẻ ăn cắp, người ấy sẽ chẳng bao giờ tránh được cái tên gọi xấu xa đó. Bạn bè sẽ nói: “Đó là đứa ăn cắp!” Các bạn cùng quê sẽ lặp lại: “Đồ ăn cắp kìa!” Người ấy sẽ bị mọi người tránh xa. Nhưng, lời đáng run sợ chính là lời của Chúa Thánh Thần: “Những kẻ ăn cắp sẽ không được vào Nước Trời”.

Các con có biết có bao nhiêu đồ vật trong con người không? Một cọng rơm, cũng không có. Về Thiên đàng cũng vậy. Trên Thiên đàng ai lấy một cọng rơm của người khác cũng không được vào. Một người chết mà còn giữ cây kim đã ăn cắp, cũng không được vào Thiên đàng ngay. Một cây kim chẳng đáng là gì, nhưng trong luyện ngục, người ta phải trả giá đắt.

Khi xưng tội ăn cắp, người ta chỉ được khỏi sau khi đã trả lại; đây là nói về những gì có thể trả được và là trường hợp ăn cắp nghiêm trọng. Các con hãy coi chừng, vì nhiều điều nhẹ sẽ dần dần gộp thành điều nặng. Hôm nay hai đồng, ngày mai chiếc cà vạt, sau đó là cuốn tập, cuốn sách: chẳng bao lâu người ta đã phải trả lẽ nghiêm ngặt trước tòa Chúa.

Bởi vậy, nếu chúng ta không muốn mất danh giá trước mặt mọi người, và không muốn bị lương tâm khiển trách nặng nề thì hãy coi chừng, đừng đụng tới vật gì không phải là của mình. Đồ của người khác phải được coi như là lửa. Nếu một tia lửa đến gần ta, ta thường tránh xa nó ngay. Cũng thế, nếu ta thấy bên cạnh ta có một đồ vật không phải của mình, cho dù đó là một cây viết, một bút chì, ta hãy để nó lại đó. Các con cần một đồ vật nào đó chăng? Các con hãy mượn các bạn: họ sẽ vui lòng cho các con mượn. Hơn nữa, còn có các bề trên: các vị sẽ cung cấp cho các con tất cả những gì các con cần” (MB VI,353).

Có thể chia các trẻ em ăn cắp thành ba loại:

* Trẻ em ăn cắp vì có dịp. Trong một trường Salêdiêng nọ, người ta mua một rổ táo và đặt trong tủ bên cạnh một cửa sổ mở toang. Thế là, một giờ sau, tất cả các trái táo đều biến mất. Chị nữ tu trông nom nhà bếp thấy Don Bosco đi bách bộ ngang qua đó, thì đến gặp ngài và nói: “Thưa cha, cha có biết lũ trẻ đã làm gì sáng nay không? Chúng con chuẩn bị những trái táo ngon cho bữa ăn trưa, nhưng lũ trẻ đã ăn cắp hết cả rồi”. Don Bosco điềm tĩnh trả lời: “Không phải lỗi của các em. Đó là lỗi của các con. Các con nhớ đừng bao giờ tạo cơ hội cho trẻ phạm tội: đó là Hệ thống giáo dục dự phòng của chúng ta”.

* Trẻ em ăn cắp vì tính yếu đuối. Có em ăn cắp vì bạn bè lôi cuốn và xúi giục; có em ăn cắp vì không biết chống lại ước muốn chiếm lấy những vật thích và đồ ăn mình thèm. Phận sự của nhà giáo không phải là đánh đập và kết tội em. Phải giúp em ý thức rằng điều em làm đã gây thiệt hại cho người khác. Nếu em đang giao du với những người bạn xấu, phải tìm cách cắt đứt mối quan hệ ấy. Trẻ em phải được giúp đỡ để có thể hoàn trả hay đền bù vật em đã ăn cắp bằng chính nỗ lực của em.

* Trẻ em ăn cắp do bị một sức thúc đẩy không cưỡng lại được, thường là sau một vài giờ hay một vài ngày dằn vặt không tả được. Sự dằn vặt khó tả ấy thường được thay thế bởi nỗi lo sợ sẽ bị bắt quả tang. Trẻ em ăn cắp thuộc loại này thường ăn cắp cùng một thứ đồ vật, nhưng sau đó lại không hề đụng tới. Đó là ăn cắp bệnh hoạn. Sự dằn vặt ấy cho thấy trẻ em ăn cắp để bù trừ hoặc để trả đũa vì đã không được cha mẹ yêu thương. Chẳng hạn, từ ngày mẹ đi làm xa nhà, thằng Du bắt đầu ăn cắp. Con Hoa thì vì bị bà mẹ cấm không cho mời các bạn tới nhà, nên đã lấy trộm tiền để mua kẹo phát ở trường; khi bà mẹ cho phép tiếp các bạn ở nhà, em không còn ăn cắp nữa.

Đối với những trẻ ăn cắp như vậy, cha mẹ và nhà giáo không có cách cư xử nào khác với cách cư xử của Don Bosco. Trên bình diện luân lý, phải giúp chúng có cái nhìn siêu nhiên, dạy chúng ý thức và biết nhìn nhận những sai trái của mình; trên bình diện giáo dục, phải dạy chúng biết gớm ghét sự ăn cắp và nhất là phải tỏ cho chúng thấy ta tín nhiệm, cảm thông và yêu thương chúng như Don Bosco đã làm.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 16 times, 1 visit(s) today