Tông huấn Christus Vivit: hành trình Emmaus của Giáo Hội và Giới Trẻ (Tiếp theo) – Sự nối dài của tông huấn Evangelii Gaudium trong việc tổ chức mục vụ giới trẻ

Nguyễn Xuân Quang, sdb

2. Sự nối dài của tông huấn Evangelii Gaudium trong việc tổ chức mục vụ giới trẻ

Khi nói đến việc xem xét các lĩnh vực hoạt động của mục vụ giới trẻ, Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris [IL])của Thượng Hội Đồng tập trung chủ yếu vào việc sinh động và tổ chức mục vụ giới trẻ. Chương cuối cùng của IL rất quan trọng (nó là kết quả của một quá trình làm việc kéo dài khoảng 2 năm với 20.000 trang giấy) đúc kết lên những giá trị hữu ích.

Để có thể thấy được tầm quan trọng và giới thiệu được nội dung chính yếu của chủ đề, tôi mời gọi chúng ta cùng lắng nghe những đoạn đúc kết sau đây (từ số 198 đến 211). Chỉ bằng cách này chúng ta mới thấy được sự liên hệ mật thiết với tông huấn Evangelii Gaudium (EG) và sự nối kết trãi dài của tông huấn với nội dung tông huấn Christus Vivit (ChV) mà ta có sau này:

198. Để đồng hành với người trẻ trong việc biện phân ơn gọi của họ, không những cần có những người có năng quyền, mà còn cần có các cơ cấu sinh động hóa thoả đáng nữa, những cơ cấu không những hữu hiệu và có hiệu năng mà còn phải hấp dẫn và có tính tỏa sáng do phong cách sống có tương quan và động lực tính huynh đệ của họ nữa. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cảm thấy sự cần thiết phải có một “sự hồi tâm định chế”. Dù luôn tôn trọng và tích hợp các khác biệt hợp pháp của mình, chúng ta nhìn nhận hiệp thông như là cách ưa thích để truyền giáo, mà không có nó, ta không thể vừa giáo dục vừa truyền giáo được. Do đó, việc xác minh không những việc chúng ta đang làm “những gì” cho người trẻ, mà cả việc chúng ta đang làm điều đó “thế nào” nữa, ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Tính chủ động của người trẻ

199. Một thanh niên đã nói thay cho nhiều người khác khi anh trả lời như sau cho Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng : «Chúng tôi muốn được can dự, được đánh giá, cảm thấy cùng có trách nhiệm đối với những gì đang được thực hiện». Là những người đã chịu phép rửa, những người trẻ tuổi cũng được kêu gọi làm “các môn đệ truyền giáo”, và nhiều bước tiến lớn đã được thực hiện theo hướng này (xem EG 106). Theo sau văn kiện Apostolicam Actuositatem của Công đồng, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng người trẻ «không nên chỉ được coi như đối tượng của quan tâm mục vụ đối với Giáo hội: sự thực, người trẻ đang và nên được khuyến khích để họ tích cực hoạt động nhân danh Giáo Hội như những nhân vật lãnh đạo trong việc truyền giáo và những người tham gia việc canh tân xã hội » (CL 46). Đối với nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, đây là điểm chủ yếu của việc chăm sóc mục vụ tuổi trẻ: chuyển dịch một cách can đảm từ việc chăm sóc mục vụ “cho người trẻ” qua việc chăm sóc mục vụ “với người trẻ”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thường thúc giục giới trẻ trở thành nhân vật chủ đạo trong việc truyền giáo: «Các bạn trẻ thân mến, các bạn là những nhà truyền giáo đầu tiên giữa những người đương thời của các bạn!»[1], vì «cách tốt nhất để phúc âm hóa một người trẻ là tiếp xúc được với anh ta/ cô ta qua một người trẻ khác»[2]. Các lĩnh vực ưu tiên cho tính chủ động của người trẻ sẽ phải được nhận diện. Một vài HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC phê phán tình trạng “giáo sĩ trị”, coi nó như một vấn đề không thể nào vượt qua vào lúc này: «một Hội Đồng quả quyết rằng “nhiều người trẻ của chúng tôi tin rằng Giáo hội chỉ bao gồm các thừa tác viên thụ phong và các người thánh hiến đại diện cho Giáo hội». Xóa bỏ viễn kiến này vẫn còn là một mục tiêu mà nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC hy vọng đạt được, nhờ lập trường rõ ràng được Thượng hội đồng chấp nhận về điểm này.

Giáo hội trong các cộng đồng địa phương

200. Toàn bộ dân Chúa là tác nhân của việc truyền giáo trong Kitô Giáo (xem EG 120) và công việc này diễn tiến với các trách nhiệm khác nhau và ở nhiều bình diện sinh động hóa khác nhau.

Vị kế nhiệm Thánh Phêrô liên tục cho thấy sở thích của ngài đối với người trẻ, vốn là một điều được người trẻ thừa nhận và đánh giá cao. Việc ngài là tâm điểm sự hợp nhất hữu hình của Giáo Hội, và tác động truyền thông hoàn vũ của ngài, đặt ngài vào một vị trí lãnh đạo biết nhìn nhận và khuyến khích sự đóng góp của mọi đặc sủng và định chế đang phục vụ các thế hệ trẻ.

Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cung cấp một dịch vụ trung tâm dành riêng cho việc chăm sóc mục vụ giới trẻ, nhưng tác nhân được ưa thích vẫn là Giáo Hội đặc thù, dưới sự chủ tọa của vị Giám mục và được vị này sinh động hoá cùng với các người cộng tác của ngài, nhờ thế, cổ vũ sự hiệp lực (synergy) và nâng cao các kinh nghiệm hiệp thông tích cực giữa tất cả những ai đang làm việc cho lợi ích của người trẻ. Trong khi nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng các dịch vụ có phẩm chất cao đang được cung cấp trong lĩnh vực mục vụ này, thì ở một số nơi trên thế giới, vẫn còn nhiều tính ngẫu hứng và ít có tổ chức.

Nhìn từ quan điểm của cộng đồng địa phương, giáo xứ – tức Giáo hội ở giữa các mái ấm – là nơi thông thường của việc chăm sóc mục vụ và giá trị của nó đã được thời đại chúng ta nhắc lại rõ ràng (xem EG 28). Một người trẻ trả lời Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng như sau «bất cứ nơi nào các linh mục thoát khỏi các bổn phận tài chính và tổ chức, các ngài mới có thể tập trung vào công việc mục vụ và bí tích gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người ta». Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhắc đến sức sống của giáo xứ, nhưng các Hội Đồng khác tin rằng dường như các giáo xứ không phải là chỗ thỏa đáng cho người trẻ, những người trông mong các kinh nghiệm khác của Giáo hội phù hợp hơn với tính di động, nơi sống và việc tìm kiếm tâm linh của họ hơn.

Phần tiếp theo: Sự đóng góp của đời sống thánh hiến

[1] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28 năm 2013, ngày 18 tháng 10 năm 2012.

[2] x. Ibid.

Visited 20 times, 1 visit(s) today