TIẾNG KHÓC VẪN CÒN VANG…

Oa… oa… oa… Đó là tiếng nói đầu tiên của mỗi con người khi bước vào đời trần thế. Tại sao là tiếng khóc mà chẳng là tiếng cười? Phải chăng Tạo Hóa đã bắt con người phải khóc để đánh thức tấm lòng trắc ẩn của mọi người, để nhắc họ về thân phận nghèo hèn và đau khổ?…

Cho dù có nhiều cắt nghĩa khác nhau, cả về mặt khoa học về tiếng khóc của trẻ sơ sinh thì chúng ta vẫn thích lối giải thích về nỗi cảm nhận mang tính người và kinh nghiệm đau khổ này. Tuy nhiên, trong tất cả tiếng khóc của các trẻ sơ sinh từ khai thiên lập địa, thì tiếng khóc của trẻ Giêsu ở hang đá Bêlem vẫn đọng lại cái gì đó thật khác: Tiếng khóc đem lại sự ấm áp cho hang đá hoang lạnh, niềm bình an cho bao tâm hồn đang bồn chồn lo lắng, sự rộn rã trong bước chân của những tâm hồn đang hoang mang hay bị quên lãng. Tiếng khóc như muốn kéo muôn tinh tú trên trời cao phải hạ xuống. Vâng, đó chính là tiếng khóc của Hài Nhi Giêsu, được sinh ra giữa đêm đông lạnh giá ngoài thành Bêlem, trong hang bò lừa nhỏ bé và thấp hèn.

Hóa ra, niềm hạnh phúc của tiếng khóc nơi trẻ sơ sinh Giêsu ấy không bị lệ thuộc bởi điều kiện sống nghèo hèn hay thiếu thốn, nhưng hệ tại bởi sự mong ngóng đón chờ của mẹ Maria và bố Giuse. Tiếng khóc trẻ Giêsu thực sự là tiếng khóc hạnh phúc. 

Tiếng khóc hạnh phúc

Ngày nay, có nhiều tiếng khóc hạnh phúc của các trẻ được sinh ra. Các em là kết tinh của tình yêu nơi cha và mẹ. Các em được mong đợi. Cung lòng của người mẹ trở nên hang đá bảo vệ thai nhi. Em được che chở, được yêu thương bởi tình yêu vô bờ bến của tình mẹ, tình cha. Tình yêu làm người đang được hun đúc nơi cuộc đời của thơ nhi, để rồi tình yêu đó dần lớn lên theo năm tháng và khi được sinh ra giữa đời, tiếng khóc đầu đời như vỡ òa trong niềm hân hoan hạnh phúc.

Khi một đứa trẻ được sinh ra, bằng sự hiện diện của mình nó công bố với loài người rằng: “Tôi ở đây. Tôi có mặt”. Với người cha người mẹ, sự có mặt của em khởi động nơi họ một trách nhiệm mới: làm cha làm mẹ.

Tiếng khóc của đứa trẻ đánh thức nơi cha mẹ trách nhiệm này, và nó đem lại cho họ niềm vui khi dâng hiến, hy sinh, sức mạnh để không mệt mỏi giữa muôn vàn lao nhọc.

Tuy nhiên, tiếng khóc vẫn mang chở đâu đó nỗi thương đau, và có rất nhiều tiếng khóc xót xa bật lên từ cuộc sống.

Tiếng khóc xót xa và khát mong

Ngày nay, có nhiều trẻ em vô tội không kịp khóc hoặc tiếng khóc không tròn vì không được diễm phúc chào đời: Không một lần thấy ánh mặt trời, một lần nhìn đời, một lần phát biểu… Cung lòng của người mẹ ngày nay không còn là hang đá, không còn là nơi an toàn và ấm cúng nhất của thai nhi. Cung lòng người mẹ ngày hôm nay có thể bị tấn công bất cứ lúc nào bởi sự sợ hãi, tính toán ích kỷ. Cung lòng người mẹ không còn là nôi ấm vì chưa lúc nào nó được sẵn sàng để đón nhận mầm sống mới.

Mẹ ơi, mẹ ơi ! Đừng bỏ con mẹ ơi ! Xin cho con sống trên đời, xin cho con một kiếp người, mang cho con tình thương nồng ấm. Mong được đón yêu thương, mong được mẹ ôm ấp, ôi vòng tay mẹ hiền, vòng tay mẹ đâu rồi, đừng bỏ con mẹ ơi”: Từng lời ca trong bài hát Xin đừng bỏ con mẹ ơi do bé Bảo An trình bày, đã lấy không ít những giọt nước mắt của những tâm hồn thổn thức và xót xa. Lời ca là lời khát vọng và ước muốn làm người của biết bao thai nhi vô tội. Nhiều clip quay trực tiếp về các thai nhi đang vẫy vùng mong được sống đã là tiếng thét gào mãnh liệt nhất lên án tội ác này! Một tội ác mà Mẹ thánh Têrêsa Cancutta đã nói: “Nếu một người mẹ có thể nhẫn tâm lấy đi mạng sống của chính người con của mình thì có lý do gì ngăn trở để tôi không thể giết anh?”.

Đem niềm vui cho tiếng khóc còn vang  

Trong tập 33 chuyên đề Don Bosco, tác giả Thanh Huyền với bài viết Chuyện khó quên đã nêu lên câu chuyện về cô gái tên Ngân, vì lỡ yêu và mang thai với một chàng trai chỉ lợi dụng cô. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chỉ vì căn bệnh hiểm nghèo buộc cô phải bỏ cái thai trong mình. Nỗi day dứt về việc bị người yêu trốn chạy không đau khổ cho bằng nỗi sợ hãi cô sẽ không còn có khả năng để làm mẹ nữa. Phải chăng nỗi đau khổ lớn nhất của người phụ nữ là trong đời không được trở thành một người mẹ, không được nghe đứa con thơ bập bẹ hai tiếng “Mẹ ơi”. Thế mới biết được tình mẫu tử thiêng liêng và thánh thiện dường bao. Xin hãy đừng đánh mất tình mẫu tử thiêng liêng, tình phụ tử đầm ấm nơi mình. Bởi đó là tình yêu thương chân thành nhất của con người, là mối dây thiêng liêng cao quý nhất đã được in dấu trong cuộc đời này.

Giáng Sinh sắp về, mùa đông lạnh lẽo lại đến, và ngày mừng Hài Nhi Giêsu sinh ra đã cận kề. Tiếng khóc xưa kia của Hài Nhi trong an bình và hạnh phúc vẫn còn vang mãi trong cuộc đời, và tiếng khóc đó vẫn cứ vang vọng nơi mỗi tâm hồn con người. Nhưng dường như tiếng khóc của Ngài vẫn cứ kéo dài, kéo dài trong niềm hạnh phúc khi được mang lấy phận người để hiểu và để yêu mọi người, và cũng còn kéo dài trong nỗi xót xa đau khổ khi bao thai nhi đã bị từ chối, đã bị giết chết mà không thể nói lên lời lên tiếng. Tiếng khóc đó vẫn vang vọng và đánh thức bao tâm hồn hãy yêu thương, hãy đón nhận và hãy bảo bọc lấy những hài nhi đơn sơ, thánh thiện để cho các em được mang lấy niềm vui làm người, được bước vào thế giời và được cất lên tiếng “Cha ơi, mẹ ơi” trong cuộc đời các em.

Người viết: Hải Văn SDB


Visited 3 times, 1 visit(s) today