HÃY DẠY TRẺ EM SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

Bosco nói với tôi:

– Đây là mấy đứa học sinh tinh nghịch của tôi. Chúng còn nhiều khuyết điểm lắm.

Tôi chưa am tường phương pháp giáo dục của Don Bosco, hỏi ngài phải phạt những đứa trẻ có lỗi ấy như thế nào. Ngài đáp:

– Không có hình phạt nào cả. Nhưng tôi sẽ làm như thế này. Đứa này chẳng hạn (và ngài chỉ cho tôi một tên): em tinh nghịch nhất, nhưng lại có một tấm lòng tuyệt diệu. Tôi sẽ gặp em vào giờ giải trí và sẽ hỏi thăm sức khỏe em. Chắc chắn em sẽ trả lời là rất tốt. Khi ấy, tôi sẽ nói với em: “Nhưng con có hài lòng về con không?” Em sẽ rất đỗi ngạc nhiên, rồi cúi mặt xuống vì xấu hổ. Tiếp đến, với lòng thương mến, tôi sẽ nhấn mạnh: “Con thân mến, hình như con có một điều nào đó không ổn; làm sao thân xác con khỏe mạnh, nhưng con lại không hài lòng về linh hồn mình? Con đã không xưng tội lâu rồi phải không?” Vài phút sau em đó đến tòa cáo giải và tôi tin chắc rằng em sẽ không bao giờ làm cho tôi phải khổ tâm vì em nữa”.

Công tước Carolô Comestabile cho biết rằng trong những lời đó ông đã khám phá được một bí quyết giáo dục. Don Bosco đã dạy học sinh sống khiêm nhường nhờ bí tích của sự khiêm nhường, tức là phép Cáo giải.

Trẻ em, cũng như tất cả mọi người đều cần phải có sự khiêm nhường. Hành vi khiêm nhường đích thật là hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa và trước mặt tất cả những gì thuộc về Ngài nơi mọi tạo vật. Nghĩa là nhìn nhận sự thấp hèn, nhỏ bé và thiếu thốn của mình và sau khi phạm tội, nhìn nhận sự khốn khổ của mình.

* Phải dạy trẻ em sống khiêm nhường, vì khiêm nhường làm cho cõi lòng và tâm trí được phong phú và rộng mở để có thể hiểu được nhiều điều. Tất cả chúng ta đều bắt đầu từ sự khốn cùng và ngu dốt; cả đến các thiên tài cũng phải học hỏi nơi người khác. Nhạc sĩ Mozart chọn đề tài cho đoạn mở đầu bài Flauto từ bản nhạc của Clementi. Nhạc sĩ Bach rút chất liệu cảm hứng từ bản nhạc của Corelli. Tác phẩm của một người là hoa quả của bao điều có trước họ.

* Trẻ em phải được dạy sống khiêm nhường đối với bất cứ người nào, ngay cả người ngu dốt hoặc vô lễ. Sự khiêm nhường không bao giờ được tỏ lộ cách tốt đẹp như trong thái độ được gọi là “một cái nhìn ưu ái đối với những người ngu dốt”. Mọi người đều luôn có thể gợi lên hay soi sáng một điều hữu ích và tốt lành. Sự khiêm nhường dạy biết đề cao khả năng nhân loại cách phải lẽ, cho dù nó chỉ là một ngọn lửa le lói, yếu ớt.

* Phải dạy trẻ em biết sống khiêm nhường bằng cách mau mắn phục vụ người khác. Khiêm nhường trước hết là phục vụ. Một nhà báo kể lại: “Tôi rất xúc động khi thấy một nhân vật chính trị đáng kính, sau khi dùng tiệc trà với nhiều người ở ngoài sân, đã đi thu dọn những cái ly giấy và tất cả mọi thứ rác rến, rồi cho vào sọt rác. Ông đã làm điều đó một cách hết sức tự nhiên”. Sự khiêm nhường không đi vòng vo dò hỏi phải làm điều nào, nhưng tự ý làm ngay.

* Phải dạy trẻ em biết rằng sống khiêm nhường không có nghĩa là tự ti. Sự khiêm nhường đích thật là luôn khởi sự lại từ đầu, bất chấp mọi vấp ngã và trượt té. Sự khiêm nhường có chức năng giống với chức năng của sống tàu: nó giúp ta giữ được thế vững vàng. Chiếc tàu càng chạy nhanh, càng cần sống tàu thật thăng bằng. Chúng ta cần sự khiêm nhường tỷ lệ với vận tốc của chúng ta.

* Phải dạy trẻ em biết rằng khiêm nhường có nghĩa là “vui mừng vì những thành công của người khác”. Đó là cách thế duy nhất để giải thoát mình khỏi thói ghen tuông vốn có nơi mọi người. Một em trong đội tiếp tục làm bàn, còn chúng ta lại đá ra ngoài, điều ấy có thể làm nổi dậy sự ghen tuông. Sự khiêm nhường điều chỉnh lại bằng cách nhắc ta: “Tại sao bạn không chúc mừng nó?”

* Phải dạy trẻ em biết rằng cuộc đời là một bài học dài về sự khiêm nhường. Khiêm nhường không phải là một nghệ thuật mà người ta có thể làm chủ được trong mười lăm ngày. Để sống khiêm nhường thực, phải có kinh nghiệm; và để có kinh nghiệm, phải có thời gian. Don Bosco đã nói: “Bù lại, ai khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa và mọi người thương mến”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today