THỰC VÀ ẢO TRONG CUỘC SỐNG

Nửa đêm.

An gửi cho tôi 1 bản nhạc ráp. Nó gọn lỏn “Nghe đi”. Tôi cắm headphone.

Bản nhạc nói về một một vấn nạn xã hội, được một bạn trong giới underground sáng tác thành một bản rap. Nghe xong bản nhạc, tôi lặng lẽ bấm một icon mặt buồn, ra hiệu đã nghe.

“Buồn T nhỉ. Bây giờ, ngay cả các bài hát cũng toàn là tiêu cực. Vậy mà, toàn trẻ con nó nghe. Hay thật. Mình nghe xong cảm thấy có thể buồn đến chết đi được ý. Một ngày của chúng mình đã vật vã với công việc, về nhà định tìm gì giải trí tí chút thì mở mạng lên lại thấy toàn những tin buồn khủng khiếp: Cướp giật, giết người, ghen tuông… nản nhỉ”.

An nhắn lại. Tôi cũng chỉ ậm ừ. Biết nói sao giờ. Vì chính tôi cũng hoang mang về những tin tức tiêu cực nhan nhản khắp nơi như thế.

Ngành tôi làm liên quan đến truyền thông. Nhưng thú thực, nhiều lúc tôi vô cùng mệt mỏi. Đôi lúc nửa đêm bị í ới “Chị ơi hình hôm nọ còn không gửi em đăng facebook với”, hoặc “Chị ơi em ghi caption thế được chưa nhỉ?” khiến tôi phát bực. Tôi hay tự làu bàu, ngủ thì không lo ngủ, nửa đêm nửa hôm ai coi hình mà đăng không biết. Nhưng thường là trái với suy nghĩ của tôi, những tấm hình như thế vẫn hàng ngàn lượt like và share, rồi comment rôm rả. Tôi chỉ biết tặc lưỡi “Mình già rồi, chẳng thể nào như bọn trẻ được”.

Tôi hay rủ mấy nhỏ “Ra đường sách ngồi không nhóc?” và thường được đáp lại với ánh mắt như thể tôi ở đâu rớt xuống, rồi như không để tôi “quê”, tụi nó thường vặn lại “Đường sách có gì vui đâu chị, toàn sách là sách, chán chết, đi ra mấy trung tâm thương mại với tụi em đi, nhiều góc sống ảo hơn”. Tôi lắc đầu, ra đó chị chẳng biết làm gì đâu, mấy đứa đi đi. Kết quả thường là một mình tôi ngẩn ngơ ở đường sách, bắt chuyện với một vài người bạn mới, còn mấy nhỏ thì được hàng tá hình đăng khắp nơi từ facebook đến instagram.

Tôi có một hội bạn gồm 6 đứa, hơn phân nửa là có chồng con đề huề nên thỉnh thoảng lắm mới gom được đầy đủ để gặp mặt. Thường thì điểm hẹn là một quán café đáng yêu nào đó. Nhưng buồn một nỗi, đại đa số những lần gặp mặt lại là những khoảnh khắc chụp hình vô tội vạ. Trong nhóm, chỉ còn tôi và một nhỏ nữa là chẳng mấy hưởng ứng vụ chụp choẹt này, thành ra, lâu dần, chỉ còn mỗi mình tôi và nó là thường xuyên gặp gỡ. Chẳng phải kiểu cách gì, nhưng tôi và nhỏ bạn quan niệm, lâu lâu mới gặp nhau một lần, mỗi lần được vài ba tiếng đồng hồ rồi đứa nào đứa nấy lại cắm mặt với cuộc sống thường ngày, vậy thì tại sao lại không dành khoảng thời gian quý báu đó để trò chuyện và chia sẻ? Người ta thấy trên facebook rằng chúng tôi gặp nhau đó, ca ngợi tình bạn bền chặt của chúng tôi đó, nhưng mấy ai biết rằng, chúng tôi thực ra chẳng biết tí gì về cuộc sống của nhau đâu.

Một ngày nọ, một ông anh thân thiết của tôi từ Hà Nội bay vào, hẹn gặp tôi café. Sau một hồi ngần ngừ, ổng bảo “Tháng sau ra dự đám cưới anh nhé.” Tôi bàng hoàng không tin vào tai mình. Rồi dường như đọc được suy nghĩ của tôi, ổng tặc lưỡi “Anh ly hôn ba năm nay rồi, chẳng mấy ai biết đâu. Giờ gặp được người mới, hai bên thấy hợp nên quyết định tiến tới luôn”. Bấy giờ tôi mới chợt nhớ ra là suốt thời gian dài qua, tôi không thấy anh hoạt động trên facebook. Hồi trước, mỗi ngày của anh là hàng loạt những tấm ảnh chia sẻ về cuộc sống hạnh phúc của gia đình, những bữa cơm đầm ấm, những món quà đặc biệt, những khoảnh khắc bình dị. Mỗi tấm ảnh như thế lúc nào cũng được bao lời xuýt xoa khen rằng anh may mắn có vợ đẹp con ngoan, gia đình chuẩn mực. Còn bây giờ, anh chỉ thông báo đám cưới lần hai với những người thân cận. Có vẻ như, anh chẳng quan tâm tới những lời tán tụng trên mạng nữa rồi. Bởi lẽ, người ta chỉ biết cái bề nổi, còn cái chuyện vợ chồng anh li dị sau 5 năm chung sống, mấy ai biết, mấy ai quan tâm đâu? Có ai đó đã từng nói, trên mạng người ta tỏ ra hạnh phúc bao nhiêu thì sự thực ngoài đời, người ta càng bất hạnh bấy nhiêu. Tôi nghĩ câu nói này cũng đúng phần nào. Bằng chứng cho thấy rất nhiều người chăm chút cho cuộc sống “ảo” để rồi quên mất thực tại lúc nào không biết, và rồi họ dễ dàng bị sốc bởi việc không thể tượng tượng được rằng mình đường đường là một “ngôi sao” trên mạng, nhưng khi thực sự cần, lại chẳng có lấy một bờ vai, một cánh tay, một câu nói ủi an.

Tôi chẳng phải một bà cụ non than phiền về việc số hóa của xã hội. Nhưng tôi chỉ buồn vì càng ngày, thế giới xích lại gần nhau nhưng lòng người thì lại càng xa cách. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được những bài viết đầy tính nhân văn hay truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người trẻ, nhưng, những bài viết như thế lại được đăng một cách cực kì khiêm tốn trên các trang báo hay thảng hoặc mới được chia sẻ trên các trang như facebook, instagram. Đại đa phần vẫn là những bài viết về sự hào hoáng xa hoa của giới trẻ, của việc ngôi sao này mặc gì ăn gì có scandal gì, hotgirl kia yêu đương ra sao chia tay thế nào, nữ sinh này bị tạt axit do đánh ghen, nam sinh kia đánh bạn gái, vân vân và vân vân. Buồn nhỉ? Nhiều lúc tôi tự hỏi, khi mà mọi người lúc nào cũng có xu hướng đọc tin xấu nhiều hơn tin tốt, thích xoáy sâu vào những nỗi đau của người khác, thích bàn luận về cuộc sống của những người chẳng hề liên quan đến mình nhiều hơn là chăm chút cho những giá trị nhân bản của bản thân, thì kết cục, hạnh phúc thật sự mà họ hướng đến sẽ nằm ở nơi đâu?

Tác giả: Tùy Phong

Visited 247 times, 1 visit(s) today